Lời Phật nói là lời chân thật.
Tại sao dám xác định đó là lời chân thật?
Vì Phật tu tâm thanh tịnh, trí tuệ sáng thấy sự việc rõ ràng, không nghi ngờ Ngài mới nói ra.
Nghe lời Phật dạy, hằng ngày chúng ta tư duy nghiệm lại mọi sự việc chung quanh, chúng ta thấy nó diễn biến đúng như lời Phật dạy.
Thí dụ Phật nói các pháp là vô thường. Nhìn sự vật chúng ta thấy nó sanh diệt đổi thay không dừng, không có vật nào cố định hằng hữu, trước sau như một. Rõ ràng các pháp là vô thường.
Phật nói các pháp do duyên sanh. Nhìn cái nhà đang xây cất, chúng ta thấy thợ dùng đá, cát, xi măng, sắt, gạch v.v… xây thành cái nhà. Rõ ràng cái nhà do các duyên vừa kể mà thành, chớ không tự có. Đó là lẽ thật do Phật thấy biết nói ra được ghi thành tạng kinh.
Nhưng kinh Kim Cang lại nói: Nếu nói Phật nói pháp là phỉ báng Phật. Vì vậy mà Phật tử này thắc mắc.
Đây tôi giảng trạch cho quí vị hiểu. Tinh thần kinh Kim Cang là tinh thần phá chấp, nghĩa là Phật dạy tu mà không dính mắc một pháp nào.
Phá chấp mà Phật nói lời nói của ta là chân lý, thì đó là dạy người ta chấp rồi, cho nên Phật dạy tất cả tướng từ thân tứ đại cho đến tất cả các pháp, không có một pháp nào thật kể cả lời nói của Phật cũng không thật luôn.
Vì nếu chấp lời nói của Phật là kẹt trên ngôn ngữ rồi.
Còn nếu nghe Phật nói những lời đó không thật, mình tin có được không?
Chỗ này phải hiểu cho rõ! Ví dụ, như đêm mồng ba mồng bốn có trăng non lưỡi liềm, người mắt tỏ nhìn thấy, người mắt mờ nhìn không thấy. Người mắt tỏ lấy tay chỉ về hướng có trăng lưỡi liềm, người mắt mờ nhìn theo ngón tay, cố nhướng mắt lên và thấy được trăng.
Vậy ngón tay chỉ đó có phải mặt trăng không? – Không.
Nếu không có ngón tay chỉ thì có thấy mặt trăng không? – Không.
Nếu chưa thấy mặt trăng mà bỏ ngón tay chỉ được không? Thấy mặt trăng rồi mà chấp ngón tay là mặt trăng được không? – Không.
Lời Phật nói dụ cho ngón tay chỉ mặt trăng chớ không phải mặt trăng.
Cũng vậy, chân lý không phải nhờ ngôn ngữ mới thấy chân lý.
Hòa Thượng , Thiền Sư Thích Thanh Từ .
Trích trong : Những Cánh Hoa Đàm (tt9)