Có những pháp môn chính trong tu hành theo Phật Giáo ngày nay đó là :
Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Môn Thiền, Pháp Môn Mật Tông…
Vậy làm sao biết pháp môn nào thích hợp với mình để mà dụng công hành trì tu tập ?
Vấn đề này thuộc vào căn cơ, duyên nghiệp của mỗi người.
Các quyển kinh soạn để công phu hằng ngày hiện nay, chúng ta thấy có sự kết hợp ba pháp môn nói trên vào.
Đó là cũng có niệm Phật, cũng có trì chú, cũng có tụng bát nhã tâm kinh…
Nghĩa là có sự kết hợp.
Vậy nếu khi chúng ta hành trì một pháp môn nào, nếu thấy rất hứng thú, thấy tâm an lạc và quen thuộc, thăng tiến về tâm linh …thì có thể pháp môn ấy đang phù hợp với người ấy.
Trước đây tôi có biết hai cô Phật tử, một cô thì có duyên với thiền còn cô kia thì có duyên với tịnh.
Cô có duyên với thiền, thì cô rất có duyên đi về các thiền viện và quen nhiều Phật tử, quý Thầy ở thiền viện, điều này tạo thuận duyên để cô tu theo pháp môn thiền.
Còn cô kia thì có duyên với Tịnh Độ, cô hay kết bạn và chơi với các Phật tử tu niệm Phật, và hay đọc bài và nghe giảng về niệm Phật.
Điều này tạo thuận duyên, hướng cô về con đường tu tịnh.
Nên vấn đề này thuộc vào duyên nghiệp của mỗi người, do nhân duyên đã gieo trong nhiều kiếp thúc đẩy, dẫn dắt một người nào đó lựa chọn pháp môn tu.
Và tùy thuộc vào sự dụng công, sự tinh tấn trong việc hành trì của mỗi người mà kết quả mang lại sẽ khác nhau.
Chứ chúng ta không nên nói ai hơn ai khi theo pháp môn này, pháp môn kia, hay pháp môn này cao, pháp môn kia thấp…
Điều này cũng giống như khi hai người đều cầm một thanh gỗ dài.
Với người có võ, biết sử dụng thì họ sẽ biến khúc gỗ thành vũ khí lợi hại.
Còn với người không biết võ, thì chẳng biết sử dụng thế nào để hợp lý nhất khi tự vệ…
Việc tu hành cũng thế.
Người biết yếu chỉ, biết công phu thì pháp nào họ hành cũng có kết quả tốt, còn người không biết thì hành rất khó có kết quả.
Do đó, việc tu không nằm ở hình thức pháp môn mà phụ thuộc vào sự dụng công thực sự của người đó như thế nào.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật