Đọc chú Đại Bi, đọc chú Vãng Sinh hay Lục Tự Đại Minh Chú … đó không phải điều gì xa lạ đối với đa số những người tu theo Phật Pháp.
Tuy nhiên, nhiều người dù đọc tụng nhiều năm, ít nhiều gặp được những linh ứng, xong vẫn còn rất mơ hồ khi được hỏi những câu như “Thần chú là gì ?”, “Tại sao đọc thần chú không hiểu gì hết mà lại linh ứng ?” , “Đọc thần chú sẽ được những công đức gì ?”
Ở bài viết này, Quang Tử sẽ cố gắng giải thích một cách dễ hiểu nhất, để mọi người cùng sáng tỏ.
I. THẦN CHÚ LÀ GÌ?
Thần chú, còn gọi là chân ngôn, hay Đà La Ni (hoặc Đà Ra Ni) hiểu một cách nôm na, đó là những những mật mã bí ẩn hàm chứa chân lý và năng lượng tinh hoa của Vũ trụ, được các đức Phật và các vị Bồ Tát dùng trí tuệ của các ngài dồn nén lại trong những âm thanh cô đọng, từ ngữ cô đọng, tạo ra những câu thần chú hoặc những bài thần chú.
Vì được dồn nén, cô đọng lại, nghĩa lý trong mỗi câu từ của thần chú là trùng trùng điệp điệp, sâu xa thăm thẳm không thể dùng tư duy của phàm phu mà hiểu được, chỉ có trí tuệ của các đức Phật, các vị đại Bồ Tát mới hiểu đầy đủ và đúng nghĩa của thần chú.
Vì lẽ đó, thần chú không có dịch nghĩa, người trì tụng chỉ cần đọc với niềm tin mà không cần hiểu nghĩa, là đã có thể phát huy công năng của thần chú. Điều này khác với pháp môn đọc tụng kinh điển, cần phải hiểu rõ nghĩa mới có thể thực hành.
Đọc với niềm tin mà chẳng hiểu nghĩa, việc này giống như khi chúng ta bị bệnh, chúng ta ra gặp dược sĩ, mua thuốc, uống vào là có thể khỏi bệnh.
Các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ, dược sĩ… với trình độ chuyên môn cao thâm về y học, đem hiểu biết của mình điều chế các dược liệu với tỉ lệ chính xác, cùng với quy trình điều chế phức tạp để tạo ra các viên thuốc.
Bệnh nhân muốn hết bệnh, chỉ cần uống thuốc với liều dùng phù hợp, thì sẽ khỏi bệnh dù chẳng hiểu các viên thuốc ấy thành phần là gì, được điều chế như thế nào.
Không phải vì các giáo sư tiến sĩ của ngành y không muốn cho bệnh nhân hiểu rõ thành phần và cách điều chế của thuốc trước khi uống. Mà là vì việc đó quá khó khăn với trình độ của bệnh nhân.
Cần mất rất nhiều năm, thậm chí là nhiều chục năm nỗ lực học tập nghiên cứu mới đủ trình độ để hiểu rõ thành phần cấu tạo, cách thức điều chế, nguyên lý hoạt động của một viên thuốc, nếu phải đợi lâu như thế để hiểu rõ, rồi mới uống thuốc, vậy thì bệnh nhân đã chết cả hết rồi.
Vì thế, nên bệnh nhân chỉ còn một cách: tin tưởng vào bác sĩ, vào hãng dược, uống thuốc theo chỉ dẫn mà không cần hiểu gì, là vẫn có thể khỏi bệnh.
Việc này lại cũng giống như dùng chìa khóa để mở hòm kho báu đang khóa kín. Người được trao cho chiếc chìa khóa, không cần phải biết bên trong ổ khóa cấu tạo như thế nào, các trục bi, rãnh khớp sắp xếp như thế nào, chỉ cần đút chìa vào ổ khóa, vặn một cái, kho báu mở ra là có thể đem vàng bạc, châu báu đi tiêu xài.
Cũng như vậy, những người có duyên, quyết định chọn pháp môn trì tụng thần chú để tu tập, thì chỉ cần tin tưởng vào trí tuệ và năng lực của các đức Phật và Bồ Tát, đã tổng trì ra các thần chú, y theo đó đọc tụng thì sẽ được kết quả vi diệu.
Nếu không tin, vậy tốt nhất chúng ta nên chọn một pháp môn khác, Phật Pháp có rất nhiều pháp môn khác nhau cho chúng ta lựa chọn, không hợp môn này ta có thể chọn một khác, điều đó cũng không sao cả.
Cũng phải nói thêm, thần chú không phải chỉ duy nhất đạo Phật mới có, mà các tôn giáo khác, các tín ngưỡng dân gian cũng có thần chú, nổi bật có thể kể ra như các thần chú của Lão giáo mà các đạo sĩ thường dùng để trừ ma, hay như các thần chú của thầy bùa, thầy Pháp trong dân gian.
Điều khác biệt của thần chú trong Phật giáo, là luôn đem tới những điều tốt lành cho người trì tụng, không sợ phản ứng phụ, và luôn chứa đựng hạt giống Bồ Đề, chứa đựng những chủng tử của Phật, khiến người trì tụng luôn luôn tăng trưởng duyên lành, cho đến một tương lai xa xăm nào đó có thể thành Phật.
– Vậy các thần chú của đạo Phật hiện nay được lưu truyền như thế nào?
Khởi thuỷ, vào thời Đức Phật, hoặc chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hoặc các đại Bồ Tát sẽ tuyên thuyết ra các thần chú. Sau khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, ngài A Nan đã kết tập các thần chú lại trong những kinh điển, không chỉ chứa câu thần chú, mà còn miêu tả rõ hoàn cảnh mà Đức Phật hoặc các vị Bồ Tát thuyết ra thần chú, cùng với công năng, cách hành trì… những thần chú được công khai truyền dạy đó, gọi là thần chú phổ thông, ai có duyên muốn đọc tụng cứ đọc.
Ví dụ như chú Đại Bi do Quán Thế Âm Bồ Tát thuyết trong kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, chú Lăng Nghiêm được đức Phật Thích Ca thuyết trong kinh Lăng Nghiêm, chú Bảo Khiếp Ấn được Phật Thích Ca thuyết trong kinh Nhất Thiết Như Lai Tâm Bí Mật Toàn Thân Xá Lợi Bảo Khiếp Ấn Đà La Ni. Chú Vãng Sinh do Phổ Hiền Bồ Tát thuyết trong kinh Niệm Phật Ba La Mật … cùng với hàng ngàn thần chú được lưu truyền công khai trong rất nhiều kinh điển khác.
Nếu muốn biết rõ chúng ta hãy dành nhiều thời gian nghiên cứu trong các tạng kinh của Đức Phật để lại, không nghiên cứu mà biết rõ hết được, nó là chuyện hái sao trên trời.
Tuy nhiên, có rất nhiều thần chú mang đặc thù riêng, không phải ai cũng được phép đọc tụng, Đức Phật và các vị Bồ Tát chỉ truyền thụ riêng cho những người đủ căn duyên, đủ trình độ, đủ đức hạnh, và lưu truyền bí mật từ thế hệ này sang thế hệ khác, gọi là mật chú. Vì là bí mật, nên chúng ta cũng không cần tìm hiểu sâu làm gì, hàng ngàn thần chú phổ thông đã là quá đủ để mọi người hành trì theo.
II. CÔNG ĐỨC, LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI ĐỌC TỤNG THẦN CHÚ
Mỗi một thần chú sẽ chữa đựng những công năng riêng, đăc thù riêng, xong thông thường sẽ có chung các đặc tính sau:
1. Tiêu trừ nghiệp chướng
Nhờ đó người đọc có thể thoát được các hoạn nạn, tai ương, bệnh tật, đau khổ…
2. Tăng trưởng phước lành
Nhờ vậy người đọc có thể gặp được nhiều may mắn, tăng thêm trí tuệ, đức hạnh, gặt hái nhiều điều tốt lành…
3. Tạo ra công năng đặc thù của thần chú
Ví dụ như chú Lăng Nghiêm có công năng trừ tà, phá ma chướng cực mạnh, chú Vãng sinh giúp người đọc tiêu nghiệp và sớm được vãng sinh về Tịnh Độ. Chú Biến Thực có công năng biến phẩm vật ra thật nhiều, chú Đại Bi là vạn năng, chữa bệnh cũng được, tăng trưởng trí tuệ, thần thông cũng được, mau chóng đắc đạo cũng được.
Muốn biết rõ công năng của từng thần chú như thế nào, chỉ có cách là đọc kỹ trong kinh điển thuyết ra thần chú đó.
4. Chiêu cảm sự gia hộ của vị Phật, vị Bồ Tát thuyết ra thần chú đó.
Đây là một điều vi diệu mà không phải pháp môn nào cũng có. Hầu hết các pháp môn trong đạo Phật, người tu phải tự dựa vào sức mình, gọi là tự lực. Nỗ lực hành trì bao nhiêu, thì được hưởng thành tựu bấy nhiêu.
Riêng có 2 pháp môn, là trì tụng thần chú, và niệm danh hiệu chư Phật – Bồ Tát, sẽ nhận được thêm tha lực. Tha lực là như thế nào ?
Khi trì tụng thần chú nào đó, hay niệm danh hiệu vị Phật – Bồ Tát nào đó, ngoài những công đức do nỗ lực tụng niệm mà có được, người tu còn nhận được sự gia hộ đặc biệt của vị Phật hoặc Bồ Tát – vị bổn tôn đã thuyết ra thần chú đó, cộng thêm rất nhiều thiện thần, hộ pháp trợ giúp cho sớm thành tựu, gọi là tha lực.
Vừa có công đức do nỗ lực của bản thân mình, vừa nhận thêm tha lực của chư Phật – Bồ Tát, bởi thế nên những người tu theo hai pháp môn này, thường nhanh gặp được những linh ứng vi diệu.
5. Tăng trưởng Bồ Đề Tâm
Hiểu một cách đơn giản, Bồ Đề Tâm là hạt giống ban đầu để có thể trở thành Phật. Một khi đã gieo trồng, hạt giống này vĩnh viễn không bị hư hoại, mà chậm rãi nảy mầm, lớn lên dần dần.
Trải qua vô số kiếp, dù có đầu thai luân chuyển nhiều kiếp không còn nhớ gì nữa, dù có được làm người, hay phải phải làm súc sinh, ngạ quỷ, phải vào địa ngục, Bồ Đề Tâm cũng không mất đi, mà sẽ âm thầm dẫn dắt ta hướng về cái thiện, hướng về Phật Pháp để tu hành, tích lũy công đức lớn dần cho đến khi thành Phật mới thôi.
4 đặc tính đầu (tiêu nghiệp, tăng phước, công năng đặc thù, gia hộ) là hiện tại có thể thấy được, nhiều hay ít tùy thuộc mỗi người, còn đặc tính thứ 5 (gieo chủng tử Bồ Đề) phải vô lượng kiếp sau mới thấy.
4 đặc tính đầu cần phải đáp ứng khá nhiều yêu cầu khi hành trì mới đạt được, phạm phải những điều cấm kỵ sẽ mất đi ( cụ thể sẽ nói rõ ở bài sau) còn đặc tính thứ 5, hễ có đọc là chắc chắn đã gieo được giống Bồ Đề Tâm, chẳng bao giờ mất.
Với người trí tuệ có hạn, thích những thành quả đến ngay, thì sẽ coi 4 đặc tính đầu là quan trọng hơn đặc tính thứ 5.
Nhưng với người có trí tuệ nhìn xa, xa đến vô lượng kiếp, thấu hiểu được sự lên xuống, được mất vô thường của mọi thứ, sẽ hiểu ra đặc tính thứ 5 – gieo chủng tử Bồ Đề để tương lai có thể thành Phật mới thực sự là điều trọng đại.
(Quang Tử)