Đại sư Tĩnh Am trong bài văn khuyên phát bồ đề tâm được ngài Ấn Quang đại sư vô cùng tán thán. Trong đó miêu tả cái khổ của sanh tử cũng là trạng huống đời đời kiếp kiếp trong lục đạo luân hồi của chúng ta.
“Ta cùng chúng sanh, từ bao kiếp trước, quanh quẩn trong sanh tử chưa hề thoát ra, lúc làm người, lúc sanh cõi trời, khi chui vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Cổng đen sáng mở tối lại chui vào. Hang sắt tạm rời lại đi vô. Leo lên núi dao, thân không còn mảnh da nguyên vẹn, vịn vào hàng cây kiếm, từng ô thịt bị rách bươm.
Viên sắt nóng không trừ được cơn đói, vừa nuốt vào gan ruột nát tan. Nước đồng sôi không giải được cơn khát, uống vào thịt xương tan nhừ. Cưa bén xẻ thây đứt xong liền lành lại tiếp tục tái diễn. Gió nghiệp thổi qua, chết xong rồi lại sống. Trong thành rực lửa, tiếng thét thảm thương, trên bàn ngào nướng, vang vọng tiếng gào tái tê. Nơi ngục hàn băng, thân hình xanh như nhụy sen xanh, máu thịt rã nứt lại đỏ như sen đỏ trổ hoa.
Trong chốn địa ngục, một đêm chết sống cả vạn lần so với nhân gian, một buổi hành hình lâu tròn thế kỷ. Bao phen lính ngục trừng trị mệt mỏi, nào ai chịu tin lời răn của Diêm Vương. Lúc bị hình phạt mới biết khổ, hối hận cũng đã muộn rồi! Khi được thoát thì liền quên ngay, vẫn nghiệp cũ lại gây như trước.
Đánh con lừa văng máu nào hay chính mẹ mình đang đau khóc; xua heo vào giết, nào hay chính cha mình sắp rã thây.
Ăn thịt con mà không hay biết, Văn Vương cũng thế, ăn thịt song thân mà nào có biết chi. Phàm phu dân gian thời cũng vậy. Năm xưa ân ái nay thành oan gia, ngày trước oán thù nay là cốt nhục.
Đời trước là mẹ đời này làm dâu, thuở xưa là cha nay lại làm chồng. Có thần thông túc mạng soi thấy, thật đáng hổ thẹn. Lấy thiên nhãn mà nhìn, thật đáng buồn cười tội nghiệp.
SANH TỬ TÂM THIẾT
Pháp sư: THÍCH TỰ LIỄU KÍNH BIÊN
Cẩn dịch: CƯ SĨ DIỆU HÀ
XIN THƯỜNG NIỆM “A DI ĐÀ PHẬT“