Hải Đông thập vạn do-tuần hựu hữu nhất hải kỳ khổ bội thử, bỉ hải chi Đông hựu hữu nhất hải kỳ khổ phục bội.
(Phía Đông mười vạn do-tuần của biển này còn có một biển, những sự khổ ở đó gấp bội biển này. Phía Đông của biển đó lại có một biển, sự khổ ở đó lại gấp bội lên.)
Càng vô trong thì tội nghiệp càng nặng thêm, sự khổ gia tăng gấp mấy lần những gì bạn thấy ở đây. Hiện nay những cảnh bạn nhìn thấy là tầng biển thứ nhất, tội nghiệp còn nhẹ, tội cực nặng bạn chưa thấy. Tam nghiệp ác nhân chi sở chiêu cảm, cộng hiệu nghiệp hải kỳ xứ thị dã.
(Do ác nhân của ba nghiệp chiêu cảm nên, gọi chung là biển nghiệp, chính là chỗ này.)
Cảnh bạn nhìn thấy trong kinh Phật gọi là “biển nghiệp”, biển nghiệp là biển khổ. Ba nghiệp là thân, ngữ, ý tạo tác ác nghiệp nên bị những quả báo này. Ðịa ngục là như vậy, mười pháp giới cũng như vậy, hiện tượng này đều do tự tâm biến hiện. Kinh Hoa Nghiêm nói về một nguyên tắc chung, cương lãnh chung là “duy tâm hiện, duy thức biến”, duy tâm hiện trong ấy chẳng có thức, chẳng có thức nghĩa là chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chư vị nên biết vọng tưởng là A Lại Da, chấp trước là Mạt Na, phân biệt là ý thức thứ sáu. Nếu chẳng dùng tám thức, năm mươi mốt tâm sở thì đó chính là duy tâm hiện, cảnh giới duy tâm hiện, trong kinh Phật gọi đó là Nhất Chân pháp giới. Nếu bạn rơi vào vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì sẽ khởi biến hóa trong Nhất Chân pháp giới, duy thức biến, tùy theo nghiệp lực của bạn. Nghiệp lực chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, biến hiện ra thập pháp giới.
Thập chẳng phải là một con số, chư vị phải hiểu, thập tiêu biểu cho vô lượng. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mỗi người chẳng giống nhau, pháp giới biến hiện của mỗi người chẳng giống nhau, thế nên pháp giới vô lượng vô biên. Nếu rơi vào tham-sân-si-mạn thì những cảnh giới biến hiện ra chính là biển nghiệp nói ở đây, Thánh nữ Bà La Môn đích
thân nhìn thấy biển nghiệp này.
(Luợc Trích Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký
-Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không.
Quyển Thượng Phẩm Thứ Nhất: Thần Thông Trên Cung Trời Đao Lợi – Tập 7-157-158)