Đạo Phật

Bất cầu tha quá (không để ý đến lỗi lầm của người khác)

Bất cầu tha quá (không để ý đến lỗi lầm của người khác)
Trước hết, từ nay về sau đối với những thiện tri thức hoằng pháp, không kể người đó là tại gia hay xuất gia, khi nhìn thấy hoặc là nghe nói họ phạm lỗi lầm, tuyệt đối không nói, phải thật là làm được “nhìn mà không thấy, nghe mà không biết”.
Chúng ta là phàm phu, họ ở trong cảnh giới gì, chúng ta làm sao biết được? Nếu họ là phàm phu họ tạo ra tội lỗi, họ sẽ chịu lấy quả báo. Nếu chúng ta đi đến đâu đều kể lại, đến đâu cũng phân biệt chấp trước, chúng ta tự mình phải chịu quả báo, điều này thật không đáng tí nào. Ðây là tuyệt không gây chướng ngại cho việc hoằng pháp lợi sanh, tuyệt không gây chướng ngại cơ duyên nghe pháp của đại chúng trong vùng này.
Bất cứ lúc nào cũng không nên tìm khuyết điểm của người khác. Giữ ý niệm này đã là không tốt huống chi là làm những việc như vậy. Ðiều đó đối với chuyện tu hành của mình đã sanh ra chướng ngại rất lớn. Vậy thì chúng ta đang tu cái gì? Ðiều này không thể không biết.
Ðiều chúng ta đang tu là: Giác, Chánh, và Tịnh. Giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm. Trong ba điều này Tịnh Tông đặc biệt chú trọng tâm thanh tịnh, tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Cứ thường đi gây rắc rối cho người khác, tâm của bạn làm sao có thể thanh tịnh? Nếu muốn có tâm thanh tịnh, chuyện của người khác chúng ta không cần biết đến, như thế tâm của chúng ta mới được thanh tịnh. Cố ý gây rắc rối cho người khác tuyệt đối sẽ không có tâm thanh tịnh; những người như vậy nhất quyết không đắc được định.
Nếu không có định thì sẽ không có trí huệ, không có định và huệ thì người đó nhất định sẽ bị vô minh phiền não che lấp. Một người từ sáng đến tối đều bị vô minh che lấp thì làm sao không tạo tội được? Không thế nào được mà! Ðây là điều chúng ta phải ghi nhớ.
(Trích: Tịnh Tông Nhập Môn, Lão Pháp sư Tịnh Không giảng tại Dallas, năm 1996)
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *