Ở huyện Nam Đầu tỉnh Tứ Xuyên có cư sĩ Lưu Tịnh Mật. Trong nhà ông có một cô làm thuê họ Nhiếp, đời trước cô này sinh sống bằng nghề đồ tể, đã từng giết 96 con trâu. Những con trâu này sau khi chết đều biến thành hồn quỷ và theo cô để báo thù.
Cô Nhiếp cũng là người Tứ Xuyên, từ khi xuất giá về sau thường bị quỷ phá hoại. Mỗi năm phát bệnh mấy lần, mỗi lẫn phát bệnh như vậy cô phải chịu thống khổ không thể nào tả xiết.
Tháng 2 năm 1932 cô Nhiếp đến nhà cư sĩ Lưu Tịnh Mật xin làm thuê. Một hôm, bỗng nhiên cô phát bệnh nặng, toàn thân bị mụt đỏ giống như bị ban đỏ, đã đau đớn mà lại vô cùng ngứa ngáy khó chịu. Vì chịu không nổi nên cô định nhảy sông tự tử, nhưng bị mọi người phát hiện và ngăn cản nên cô vẫn còn sống. Cô luôn cào xuống đất và tru lên giống như chó điên. Đã vậy cô còn hát bài ca giết trâu, mà hát có vần có điệu, nội dung bài hát kể về những nỗi khổ của con trâu sắp chết, cô đi lang thang khắp nơi và hát ầm ĩ không ngừng.
Cư sĩ Lưu Tịnh Mật đến thăm cô. Vừa nhìn thấy cư sĩ Lưu, cô nói: “Lão gia! Tôi không phải là cô Nhiếp, chúng tôi là hồn trâu. Đời trước cô Nhiếp ở huyện Vạn đã giết chúng tôi, tất cả có 96 sinh mạng bị giết. Hôm nay chúng tôi đến đây để đòi mạng, xin ông đừng có can dự vào việc của chúng tôi”.
Cư sĩ Lưu Tịnh Mật nhìn thẳng vào cô Nhiếp, nói với hồn của 96 con trâu:
“Các ngươi thật hồ đồ, không chịu truy cứu nguyên nhân vì sao đời trước cô Nhiếp lại giết các người. Do các ngươi đã từng sát hại cô ta, nên mới đầu thai lên làm trâu để cho cô ta giết lại, bằng không tại sao cô ta chỉ giết có 96 mạng mà không giết nhiều hơn, cũng không giết ít hơn? Tất cả mọi việc đều có nguyên nhân cả. Hôm nay các người không nhớ mình đã từng giết cô ta, mà chỉ nhớ cô ta giết các người, nên mới trở lại làm quỷ đế báo thù, cứ oan oan tương báo như vậy đến bao giờ mới chấm dứt? Cuối cùng cũng chỉ xoay đi lộn lại trong luân hồi để trả nợ lẫn nhau. Các ngươi nghĩ xem hôm nay các người giết cô ta, rồi tương lai cô ta sẽ giết lại các ngươi, vậy thì sẽ như thế nào?
Hồn của 96 con trâu nói: “Ông nói rất có lý, đích thực chúng tôi quá hồ đồ. Nhưng máu trên cổ chúng tôi vẫn chưa khô, sự đau đớn vẫn chưa nguôi, do bị thống khổ hoành hành, cho nên chúng tôi mới có ý niệm báo thù”.
Cư sĩ Lưu Tịnh Mật liền nói: “Chuyện này giải quyết không khó”. Nói xong ông liền sai người hầu lấy nửa ly nước. Ông niệm ba biến cam lộ chân ngôn rồi mời những oan hồn đó uống. Tất cả oan hồn này vốn dĩ là trâu, khi thành quỷ chúng có khả năng đi lại như người, nhưng đầu vẫn là trâu, hai chân trước biến thành tay, nhưng cong queo như hai chi trước của khủng long vậy, nên không cầm được ly để uống.
Chúng liền nói: “Chúng tôi không có tay làm sao cầm ly cho được”. Cư sĩ Lưu Tịnh Mật sai người hầu bưng ly nước kề sát miệng cô Nhiếp, nhờ vậy bọn chúng mới uống được.
Không ngờ vừa uống xong, tất cả bọn chúng đều vui mừng nói rằng: “Nước này thật kỳ diệu! Chúng tôi vô cùng khỏe khoắn. Cổ chúng tôi lành hẳn rồi. Tất cả móng đều rụng. Sừng cũng mất”. Nói xong, cả bọn nhảy nhót vui mừng.
Cư sĩ Lưu Tịnh Mật lại xưng tán cảnh giới Tây Phương Cực Lạc và dạy bọn chúng niệm Phật. Xưng tán xong, cư sĩ hỏi bọn chúng: “Nếu các ngươi được vãng sanh về thế giới Cực Lạc, vĩnh viễn không còn chịu luân hồi thống khổ, vậy các ngươi có muốn về đó không?”
Những oan hồn trâu liền đáp: “Thế giới Cực Lạc thật sự tốt đẹp như ông nói, thì lý gì chúng tôi lại không muốn về. Nhưng nghiệp chúng tôi nặng quá sợ không về được “.
– “Nếu các ngươi phát nguyện niệm Phật, một lòng cầu sanh Cực Lạc, tôi sẽ thỉnh Đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn các ngươi. Đồng ý không?”
– “Tốt quá ! Tốt quá! Nhưng chúng tôi đã bị đói khát rất lâu rồi. Xin ông hoan hỷ cho chúng tôi một ít thức ăn.”
Cư sĩ Lưu gật đầu đồng ý. Ông lấy một ly nước, cơm và niệm bảy biến biến thực chân ngôn, rồi đổ vào bụi trúc. Một lát sau, các oan hồn đó nói: “Chúng tôi đã ăn rất no, cảm ơn ông! Cảm ơn ông!”
Cư sĩ Lưu Tịnh Mật đứng trong cửa sổ, lấy ba cây hương xoay về hướng Tây, phụng thỉnh Đức Phật A Di Đà, lại niệm chú Vãng Sanh, chú Đại Bi, Tâm Kinh Bát Nhã và niệm Thánh Hiệu Bồ Tát, thỉnh các Ngài đến tiếp dẫn tất cả các hồn trâu này vãng sanh Cực Lạc. Bỗng nhiên, có một con trâu trong số chúng nói lớn: “Mau lên các bạn! Lão gia vừa thỉnh, Đức Phật A Di Đà liền đến, Ngài đang đứng ngoài cửa sổ chờ chúng ta. Các bạn xem Đức Phật rất trang nghiêm, toàn thân màu vàng óng, đẹp quá, đẹp quá. Chúng ta mau theo Đức Phật A Di Đà về Cực Lạc”.
Lúc đó, vợ của cư sĩ Lưu đang đứng bên cạnh hỏi ông: “Ông có thấy cảnh giới Tây Phương Cực Lạc không? Nó như thế nào?”. Cư sĩ Lưu Tịnh Mật đáp: “Tôi đã thấy, cảnh giới Tây Phương Cực Lạc trang nghiêm, đẹp đẽ hơn trong kinh diễn tả rất là nhiều”.
Trước khi những oan hồn đó vãng sinh Cực Lạc, chúng chắp tay cảm tạ cư sĩ Lưu và nói: “Chúng tôi vô cùng cảm tạ ông đã giúp đỡ, làm cho oán thù nhiều đời nhiều kiếp của chúng tôi đều được tiêu hết. Nhiều năm nay chúng tôi luôn theo cô Nhiếp để làm hại cô ta, khiến cho cô ta luôn chịu nỗi thống khổ. Chúng tôi thật ngu muội, cứ tưởng làm vậy thì sẽ trả được thù, sẽ hả giận. Ai dè làm vậy chính chúng tôi cũng bị thống khổ. Hôm nay nương vào oai lực của Chư Phật, Chư Bồ Tát được vãng sanh Cực Lạc. Hi vọng ông có thể từ bi cũng khuyên cô Nhiếp niệm Phật, tương lai cùng vãng sinh Tây Phương. Chờ đến lúc lão gia cùng phu nhân vãng sinh, chúng tôi sẽ theo Đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn các vị”. Nói xong liền đi ngay.
Trải qua một giờ đồng hồ sau, cô Nhiếp tỉnh dậy. Cư sĩ Lưu hỏi cô, cô đáp: “Vừa rồi trong lúc ngủ, con gặp một giấc mộng, con thấy có một bầy trâu rất hung dữ chạy xồng xộc về phía con. Trên đầu chúng đầy máu me vô cùng đáng sợ. Trong lúc nguy cấp ấy, bỗng nghe tiếng của lão gia, cảnh vật trước mắt tức thì biến đổi, mặt đất bằng phẳng, cây cối tốt tươi, ai thấy cũng ưa thích. Kế đó nghe những con trâu khen cơm thơm, thấy tất cả bọn chúng ăn rất ngon lành, thậm chí chúng còn nhảy cẫng lên. Những gì xảy ra sau đó con không được rõ…”. Sau sự việc này, cô Nhiếp không còn bị oan hồn quấy phá nữa, cô cũng bắt đầu phát nguyện ăn chay trường và niệm Phật.
Mùa xuân năm 1934 cư sĩ Lưu Tịnh Mật phát tâm xuất gia tại Tây Khang, phái hiệu “Tuệ Định”. Đây là câu chuyện thật ông đã ghi chép lại trước khi xuất gia.
(Diệu Âm Lệ Hiếu kính ghi lại từ quyển Nhân Quả Báo ứng, Những Điều Mắt Thấy Tai Nghe – Cư sĩ Tịnh Tùng)