Trấn Nam Tầm, huyện Hồ Châu, tỉnh Triết Giang, có người đàn bà góa nuôi một đứa con trai. Đứa con này tuy đã lập gia đình nhưng không lo làm ăn, rất mê đánh bạc. Một hôm đánh bạc thua đậm không có tiền trả, liền về nhà mẹ, bảo mang áo đi cầm lấy tiền đưa cho nó. Bà mẹ nói: “Mẹ muốn sang nhà chị con, hãy để mẹ mặc áo sang đó rồi sẽ đưa cho con mang đi cầm vậy.”
Đứa con liền lấy thuyền đến cho mẹ đi. Bà mẹ vì tiếc chiếc áo sợ làm hư hỏng, nên định bước lên bờ rồi mới thay ra đưa cho con. Đứa con thấy mẹ không cởi áo đưa dưới thuyền, tưởng là mẹ không muốn đưa cho mình, nổi giận giằng co vật bà ra để lấy áo, cuối cùng đẩy bà chìm xuống sông chết.
Đứa con quay về nhà nó, đi được chừng một dặm thì nghe có tiếng sấm ầm ì, liền gấp rút chạy nhanh về nhà, quát vợ rằng: “Mau lấy cái chum to úp lên che tôi lại.” Vợ hỏi để làm gì, anh ta không đáp. Bất đắc dĩ người vợ phải làm theo như vậy. Nhưng tiếng sấm đã nhỏ lắm rồi, cuối cùng vẫn chưa thấy sét đánh. Một lúc sau, người vợ bỗng thấy từ bên trong chum có máu chảy ra bên ngoài, kinh sợ liền dở chum ra xem thì thấy chồng đã mất đầu, máu tươi chảy lênh láng. Cô ta hoảng sợ quá liền kêu la gọi hàng xóm đến. Mọi người đều cho là cô đã mưu hại chồng rồi nói dối, liền bắt lên thuyền cùng đi đến nhà bà mẹ chồng, định đưa tất cả lên quan phủ. Thuyền đi được nửa đường bỗng thấy mái chèo bị vướng vào một vật, cúi xuống xem thì thấy là một xác đàn bà vừa nổi lên, tay ôm một cái đầu người, tóc còn vướng nơi đầu mấy ngón tay. Xem kỹ lại thì hóa ra xác người chính là bà mẹ, mà đầu người trong tay bà chính là đứa con. Lúc đó mới biết bà mẹ đã bị đứa con trai hại chết, liền thả cô con dâu ra.
Lời bàn: Làm con hại mẹ, thật không bằng loài sài lang hổ báo. Xét đến nguyên nhân từ đầu của sự việc, đó là vì thiếu nợ tiền. Cho nên, tai họa gây ra bởi tệ cờ bạc thật khủng khiếp. Biết đến bao giờ các quan địa phương mới trừ dứt được tệ nạn này?
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến