Sư Đàm Thỉ người ở Quan Trung, từ lúc xuất gia mãi đến về sau, có rất nhiều kì tích dị thường. Cuối niên hiệu Thái Nguyên (397) đời Hiếu Võ Đế nhà Tấn, sư mang mấy mươi bộ kinh, luật đến Liêu Đông [1] để hoằng hóa, xiển dương giáo pháp Tam thừa, truyền thọ tam qui ngũ giới.
Niên hiệu Nghĩa Hi thứ nhất (405), sư trở về Quan Trung hướng dẫn chỉ dạy ở Tam Phụ [2]. Sư có đôi bàn chân trắng hơn mặt, dù lội trong bùn mà chân không hề dính bẩn. Mọi người đều gọi sư là “Bạch túc hòa thượng”.
Lúc ấy, chú của Vương Hồ ở Trường An chết đã mấy năm, bỗng nhiên hiện về dẫn ông đi khắp địa ngục và chỉ rõ các quả báo. Lúc ông từ biệt trở về, người chú bảo rằng:
– Con đã thấy rõ nhân quả, cần phải phụng sự vị tăng có đôi chân trắng.
Sau khi tỉnh dậy, Vương Hồ hỏi khắp chư tăng, chỉ riêng sư là người có đôi chân trắng hơn mặt mà thôi. Từ đó, ông ta hết lòng ủng hộ sư.
Đến cuối đời Tấn, thủ lĩnh của Hung nô ở phía bắc là Hách Liên Bột Bột, đánh chiếm Quan Trung, giết người vô số. Lúc ấy, sư cũng bị hại nhưng gươm đao không giết được sư. Bột Bột vô cùng thán phục sư, liền tha chết cho tất cả các sa-môn. Từ đó, sư ở ẩn trong núi, tu hạnh đầu-đà.
Về sau, Thác Bạc Đảo đánh chiếm Trường An uy lực chấn động cả vùng Quan Lạc [3]. Lúc đó, có Thôi Hạo [4] ở Bác Lăng, từ nhỏ đã luyện tập theo tà đạo, có tâm đố kị Phật giáo. Sau khi Thôi Hạo làm phủ tướng, được Thác Bạc Đảo tin dùng. Ông ta nói với thiên sư[5] họ Khấu:
– Thác Bạc Đảo tin theo Phật giáo, đã không tốt mà còn làm tổn hại đến lợi ích của muôn dân.
Do đó, họ xúi giục Đảo phế bỏ Phật giáo. Bạc Đảo bị những lời nói này mê hoặc. Đến niên hiệu Thái Bình thứ bảy thời Bắc Yên (415), Bạc Đảo ra lệnh hủy diệt Phật pháp, sai binh lính đốt phá chùa chiền, bắt buộc hết thảy tăng ni toàn quốc phải bỏ đạo. Hễ ai chạy trốn ông liền sai quân lính đuổi theo bắt lại, rồi chém đầu treo trên cây. Vì thế khắp vùng này không còn một bóng sa-môn, riêng sư lánh trong rừng sâu, quân lính không thể tìm được.
Đến cuối niên hiệu Thái Bình, sư biết thời cơ giáo hóa Thác Bạc Đảo đã đến. Vào ngày tết Nguyên đán, sư đến cung của Bạc Đảo. Quan hầu vào tâu:
– Có một đạo nhân chân trắng hơn mặt đã vào cửa cung.
Thác Bạc Đảo ra lệnh y theo quân pháp hành hình. Quân lính chém liên tục mà sư vẫn không bị thương tổn gì. Quân lính vội vàng đến tâu, Bạc Đảo nổi giận tự tay rút kiếm bên mình chém sư, nhưng thân thể sư không hề hấn gì, chỉ là nơi kiếm chạm vào để lại một ngấn nhỏ như đường chỉ.
Lúc đó, phía bắc khu vườn trong cung có một chuồng cọp. Bạc Đảo ra lệnh đem sư đến cho bầy hổ đói ăn, bầy hổ kinh sợ không dám đến gần sư. Đảo thử đem thiên sư họ Khấu đến gần, bầy cọp gầm rống lên. Bấy giờ, Thác Bạc Đảo mới biết Phật pháp thật vi diệu, cao siêu, Đạo giáo không thể sánh bằng. Ông liền thỉnh sư lên điện và đỉnh lễ, sám hối những lỗi lầm mà ông đã gây ra.
Sư thuyết pháp và nói về nhân quả nghiệp báo, Đảo vô cùng hổ thẹn và lo sợ. Về sau, Bạc Đảo bị bệnh hủi, rất đau đớn. Thôi Hạo và thiên sư lần lượt cũng mắc bệnh nan y đó. Sau này không biết sư viên tịch ở đâu.
[1] Liêu Đông 遼東: Một vùng phía đông của Liêu Hà, nay là đông bộ và nam bộ của tỉnh Liêu Ninh.
[2] Tam Phụ 三輔 : Một vùng đất gần kinh đô.
[3] Quan Lạc 關洛: Quan Trung và Lạc Dương
[4] Thôi Hạo 崔浩 : Tể tướng thời Bắc Nguỵ, người Thanh Hà, tự là Bá Uyên.
[5] Thiên sư 天師 : Tôn xưng người có đạo thuật vào thời cổ đại.
Trích: Truyện Các Vị Tăng Thần Dị
Biên tập: Minh Thành Tổ Chu Lệ
Việt dịch: Đức Nghiêm-Đức Thuận-Nguyên Nhứt
Hiệu đính: Thích Nguyên Chơn