Nhà Đường, niên hiệu Long Sóc năm thứ ba, xứ Trường An, mẹ vợ ông Lưu Công Tín chết.
Không bao lâu, vợ ông Tín họ Trần bỗng bất tỉnh, thần hồn đi đến một ngục đá, thấy mẹ mình ở trong cửa đá thọ nhiều sự khổ.
Bà khóc bảo con gái rằng:
“Mau vì mẹ chép một bộ kinh Pháp Hoa hầu giúp mẹ thoát khỏi tội này.”
Nói xong cửa đá liền khép lại.
Vợ ông Tín sống lại, thuật chuyện gặp mẹ với chồng. Ông Tín liền nhờ ông Triệu Sư Tử chép kinh. Ông Triệu Sư Tử bèn đem một bộ Kinh Pháp Hoa đã chép hoàn thành giao cho ông Tín sửa sang. Bộ Kinh trên vốn là của một người họ Phạm dùng tiền mướn người chép, ông Tín thiệt không hề biết chuyện này, vẫn tin là do ông Triệu chép cho mình.
Không bao lâu, cô Trần vợ ông Tín lại chiêm bao thấy mẹ mình đòi Kinh. Cô nói với mẹ là đã chép xong rồi. Mẹ cô liền khóc, nói rằng:
“Mẹ chính là vì bộ Kinh đó mà càng bị khổ thêm. Bộ Kinh đó vốn là của họ Phạm tu phước, sao lại cướp làm công của mình?”
Sau khi thức dậy cô Trần cùng ông Tín đi hỏi lại chuyện này, thì quả thật họ Phạm đã dùng tiền để mướn người chép Kinh, chính là bộ Kinh trên đó.
Nghe vậy, vợ chồng ông Tín về liền mướn người chép một bộ Kinh Pháp Hoa khác để cúng dường, hồi hướng công đức ấy cho mẹ. Chẳng bao lâu bà mẹ liền thoát khỏi cảnh khổ nơi địa ngục.
Than ôi! Công đức chép Kinh hay ấn tống thật lớn biết dường nào? Tội nặng bị khổ nơi địa ngục nhờ người thân mướn người chép một bộ Kinh Pháp Hoa mà còn đủ phước để thoát khổ, huống chi là tự mình chép hoặc dùng tiền của mình để nhờ người biên chép ư!