Có một nữ sĩ tại đạo tràng bên Mỹ, tuổi hơn 40, bỗng bị bệnh mắt, chẳng bao lâu thì mù. Cô hỏi cư sĩ Quả Lâm ( con gái Quả Khanh, có túc mạng thông thấy được nhân quả nghiệp duyên của mọi người ) nguyên nhân này do đâu?
Quả Lâm hỏi:
– Cô hay ăn mắt dê, bò, cá, gà, vịt…tức là cô rất ưa thích ăn mắt của loài vật, có phải vậy không?
– Đúng thế! Vì ba tôi nói: “Thị lực con quá kém, cần phải ăn nhiều mắt loài vật thì mới bổ mắt”…
Quả Lâm lại hỏi:
– Lúc cô tức giận gây cãi cùng chồng, có phải cô thường hay nói: “Tôi đúng là mắt mù nên mới lấy loại người như anh?”
Cô nghe vậy, rơi nước mắt, bảo:
– Khi đó do tôi giận quá nên mới nói như thế, chứ chẳng phải thật lòng. Chỉ nói như vậy thôi mà cũng bị báo ứng hay sao
– Lời nói dù cô thốt ra tùy tiện, cũng xuất phát từ tâm mà. Hơn nữa nội dung chứa đầy ác ý xúc phạm, gây tổn thương người. Mỗi lần cãi nhau xong, dù làm lành rồi, có phải cô vẫn chưa từng hướng về chồng xin lỗi hoặc thú nhận mình sai bằng mấy câu tạ lỗi như: “Em thật không đúng, xin anh tha thứ!”…
Cô gật gật đầu.
Quả Lâm nói: “Nếu như do cô tức giận rồi sau đó biết ăn năn, sám lỗi thì tội này không đến nỗi nặng như thế, và có lẽ không đến mức giờ đây phải bị mất ánh sáng”.
Cô hỏi:
– Vậy mắt tôi còn có thể phục hồi được không?
– Điều này phải xem chính cô có thật sự chân thành sám hối hay không? Chẳng phải cô vẫn còn ăn thịt chúng sanh hay sao?
– Nhưng tôi ăn “Tam tịnh nhục” mà….
Quả Lâm bảo:
– Đây chỉ là phương tiện, Phật tạm hóa độ người sơ cơ, chưa thể ngay trong một lần dứt trừ ăn mặn liền được. Nhưng thực tế, ĂN THỊT CHÍNH LÀ SÁT SINH, CÁI QUAN NIỆM “ĂN GÌ BỔ NẤY” CHÍNH LÀ TÀ THUYẾT CỰC KỲ SAI LẦM! Nếu muốn mắt sáng trở lại, cô cần phải dứt tuyệt đồ mặn (bao gồm cả Trứng) và nguyện ăn chay trường.
Nếu cô hiểu được rằng loài vật bị giết ăn, đau đớn thống khổ như thế nào thì còn phải lo tích cực mà phóng sanh cho nhiều. Tụng kinh, niệm Phật cũng không phải để cầu cho mình mạnh khỏe, bởi vì mù là quả báo tội lỗi của cô. Phải vì những chúng sanh mà cô từng ăn, giết…mà niệm Phật, tụng kinh hồi hướng, giúp cho chúng lìa khổ được vui. Nếu chúng được cầu siêu, mở lòng tha thứ cho cô và chuyển tái sinh vào thiện đạo rồi, thì thị lực của cô tự nhiên hồi phục. Nhãn căn cô vốn không bị hư, chỉ do nghiệp lực ngăn che thị lực mà thôi.
Cô vui mừng tiếp thọ.
Bất kể bạn tin Phật hay không, dù là người xuất gia hay kẻ thế tục, thì Nhân quả báo ứng không sai mảy may, như bóng theo hình. Cho nên chúng ta thờ Phật, không những miệng chúng ta thường niệm Phật, mà cần phải chú trọng đến Tâm ý, nghĩa là trong tâm lúc nào cũng phải có Phật. Vậy mới là quản Tâm giỏi, không cho nó chạy bậy. Mỗi một niệm trong tâm đều phải tương ưng cùng tri kiến Phật. Vì chữ “Phật” nghĩa là Giác ngộ. Phật dạy thế nào, hãy làm theo thế ấy, bởi minh lý, nên không làm sai.
Ngoài những lúc niệm Phật ra vẫn phải luôn luôn tu, nghĩa là mỗi thời mỗi khắc đều phải biết canh giữ Tâm, không cho nó khởi Tà niệm hoặc ác niệm. Nếu có khởi, thì phải phát giác ra và quay về niệm Phật. Minh bạch đạo lý này rồi, thì tinh tấn trì giới tu hành, niệm niệm giác ngộ, ngôn hạnh đúng pháp, tức là khai ngộ.
“Ác do Tâm khởi, Thiện từ Tâm sanh”, nếu không khiến tâm dừng ác hướng thiện, không thể nhiếp phục được Tâm, thì dù có tu pháp gì, có bái ai làm Thầy, thì cũng không thể nào thoát ra khỏi Tam giới.
(Trích từ quyển “Nhân Quả Phụ Giải Lương Hoàng Sám – Quả Khanh ,dịch giả: Hạnh Đoan)