Chúng tôi đặc biệt cảm nhận sâu sắc về câu nói của Đại Sư Ấn Quang “Một phần thành kính đắc một phần lợi ích, mười phần thành kính đắc mười phần lợi ích”. Khi dạy học, thầy giáo hết lòng giảng dạy, học trò có được lợi ích chăng phải xem bản thân chúng có mấy phần tâm thành kính. Học trò đối với Kinh giáo, giáo huấn của Phật Thích Ca Mâu Ni không có thành kính, đối với thầy không có thành kính chính là không có thành kính đối với bản thân, thế thì chẳng đạt được gì, Phật Bồ Tát có đến dạy chúng cũng vô dụng.
Bản thân học trò thật sự có lòng thành kính, dù thầy giáo không bằng anh ta, thầy giáo giảng Kinh anh ta nghe rồi sẽ khai ngộ, sẽ chứng quả. Thầy giáo vẫn chưa chứng quả, thầy giáo cũng chưa khai ngộ, anh ta nghe hiểu rồi. Cho nên cổ nhân có câu “Trường giang sóng sau xô sóng trước” chính là nói thầy giáo không phải nhất định rất cao minh, học sinh theo học người có thể giỏi hơn thầy của mình. Là nguyên nhân gì? Chính bởi tâm thành kính của học trò vượt hơn thầy, anh ta có Đức hạnh, thầy giáo tuy không bằng anh ta nhưng anh ta mãi mãi tôn trọng thầy, tại sao vậy? Bởi làm gương cho người khác thấy, đó là Đức.
Khinh mạn thầy giáo là tội nghiệp rất nặng, vì một khi bạn làm thế, người khác sẽ học theo, Sư Đạo vì thế mà hủy hoại bởi bạn. Thầy giáo có không tốt đến mấy, thì người cũng đã từng dạy ta, ta mãi mãi cảm ơn người, mãi mãi ghi nhớ người, trở thành một tấm gương tôn sư trọng đạo. Đó chính là bạn thật sự đang đề xướng Hiếu Đạo, đề xướng Sư Đạo, thật sự làm tấm gương tốt cho tất cả đại chúng.
Trích : Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Chủ Giảng : HT. Thượng Tịnh Hạ Không