Hai câu nói của cổ nhân mà tôi tin và giữ rất cẩn thận, đó là: Biết được nhiều chuyện thì phiền não nhiều. Những điều không cần biết thì cần gì phải cất công tìm tòi, lại còn chạy vạy nghe ngóng, đó không phải tự mình trói mình sao? Tôi dứt khoát không giây vào những chuyện đó. “Thức nhân đa xứ thị phi đa”, quen biết nhiều người thì thị phi càng nhiều, tất cả đều gây rắc rối cho mình. Bây giờ những người quen biết tôi rất nhiều, tôi không biết họ, họ biết tôi bằng cách nào? Nghe tôi giảng kinh trên truyền hình, vì tôi thường hay đi, những người không quen biết, gặp tôi họ cũng chào hỏi, hầu như nơi nào cũng gặp, nhiều lắm. Họ thấy trên mạng, trên đĩa, truyền hình vệ tinh, người quen nhiều là từ chỗ đó, thật ra tôi không thân quen nhiều người mà chỉ có họ biết tôi, tôi không biết họ.
Liệu có cần thiết phải quen biết người ta không? Không cần thiết, càng ít quen biết, càng ít người qua lại với ta, cuộc sống càng yên tĩnh. Lui tới cũng một vài người bạn cũ, lần hồi những người bạn cũ cũng ra đi. Vì thế thời gian qua, mỗi năm tôi quay lại Đại lục hai ba lần để thăm bạn cũ, bây giờ họ cũng dần vắng bóng. Ông Triệu Phác, lão hoà thượng Danh Sơn, Hoàng Niệm Lão, Phó Thiết Sơn… đều đã mất. Phó Thiết Sơn là một tín đồ Thiên chúa giáo, là một người rất thân thiết với tôi.
Mỗi năm, mọi người muốn thăm nhau một vài lần, nhưng bạn bè trong nước, nước ngoài dần dần đi xa, tôi cũng đã già. Thật sự, tuổi trẻ không nghĩ ra được, nhưng đến độ tuổi này các bạn mới hiểu, không nên ôm đồm nhiều thứ. Rất nhiều hoạt động ở các nơi khác nhau tôi không tham gia, có người đến mời, tôi cử những vị trẻ tuổi, những người đồng tu trẻ tuổi thay tôi tham dự, cũng lợi dụng cơ hội này để dìu dắt họ. Không phải trường hợp bất đắc dĩ thì cố gắng tránh, vui nhất nhất là tu hành, phương pháp tu hành của tôi gồm đọc kinh, giảng kinh, niệm Phật, rất đơn giản. Mỗi ngày tôi dành bốn tiếng để đọc kinh, chia xẻ với mọi người độ bốn tiếng, thời gian còn lại là niệm Phật, không gì vui hơn.
Hỏi tôi chuyện thiên hạ, ngày nay thiên hạ đã thái bình rồi, không có chuyện gì nữa, tôi không biết, hết chuyện, thiên hạ thái bình. Các bạn đến cho tôi hay, hôm nay có một số chuyện, có chuyện đó nữa a, không không quan tâm, tốt hơn hết là đừng nói với tôi, ngày ngày sống cuộc đời êm thấm, biết thêm nữa để làm gì! Bởi thế người ta kháo nhau những tai nạn, tôi không phí lời, cứ chân thành niệm Phật. Tai nạn có xảy ra, sẽ được hoá giải, không có tai nạn, nghiệp chướng được tiêu trừ, không phải như thế sao? Không cần phải tránh, làm sao tìm được nơi thoát khỏi tai nạn.
Người xưa có câu: khó tránh kiếp nạn. Bạn không bị kiếp nạn, dù tai nạn ngay trước mặt, quý vị cũng bình yên vô sự, cần gì phải lo lắng? Lo lắng chính là vọng niệm, là tạo nghiệp, chi bằng niệm Phật, niệm Phật là tốt nhất để tiêu tai miễn nạn. Khi đã hết nghiệp chướng rồi, thì phước huệ sẽ tăng lên, đó là một cơ hội tốt, không cần phải lo lắng vô cớ. Vì thế công đức niệm Phật là từ chân tâm khởi, chân tâm như mặt trời, vọng tâm như đêm tối, khi chân tâm có mặt là vọng tâm biến mất, giống như ánh dương vừa ló thì bóng tối tan đi, ý nghĩa của nó là như vậy.
– HT. Tịnh Không, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa (VLT 11), tập 400.