Quý vị muốn niệm Phật tạp niệm xen ngang vào, nó đến quấy nhiễu, quý vị càng khổ não, càng khổ não thì quý vị càng không thể thành tựu. Làm thế nào đây? Sự việc này không phải một mình quý vị có, từ xưa đến nay người tu hành nào mà không có? Vậy chúng ta xem người xưa dùng phương pháp gì để đối trị, đây chính là kinh nghiệm. Cổ Đức dạy cho chúng ta, quý vị phải cố gắng niệm Phật, tạp niệm khởi lên cũng không cần để ý tới nó, để nó đi. Tạp niệm có thể cùng một lúc với niệm Phật khởi lên, sức chú ý của chúng ta chú ý Phật hiệu, đừng chú ý nó, thì tự nhiên không có nữa, đừng để ý nó. Nó tự cảm thấy không có hứng thú thì chạy mất, nếu quý vị thường quan tâm nó, để ý nó, nó khởi tác dụng, nó mãi mãi không rời bỏ quý vị, đây là kinh nghiệm của người xưa. Không để ý nó, không sao!
Cho nên niệm Phật đường, thiền đường, đường chủ thường nhắc nhở mọi người “chiếu cố thoại đầu”, chúng ta niệm một câu A Di Đà Phật này gọi là thoại đầu, quý vị chú ý nó đừng chú ý đến vọng niệm. Đại khái cần bao lâu? Phải cần hai năm đến ba năm, quý vị hoàn toàn chú ý được Phật hiệu của quý vị, vọng niệm tự nhiên giảm bớt. Ấn Quang Đại Sư ở trong Văn Sao nói cho chúng ta: một cây hương. Thời xưa ở trong chùa chiền không có đồng hồ, đồng hồ rất là quý hiếm, không phải người thường có thể mua được. Trong chùa chiền tính thời gian bằng cái gì? Là thắp hương, hương dài thì một tiếng rưỡi, hương thường hương phổ thông thì một tiếng. Niệm Phật đường phần nhiều đều thắp hương dài, một cây hương một tiếng rưỡi đồng hồ, trong một cây hương còn có năm ba cái vọng niệm, Ấn Quang Đại Sư nói như vậy là công phu khá rồi đấy, đây là thật. Cho nên chúng ta niệm Phật có vọng niệm cũng không sợ.
Phương pháp của tôi đối phó vọng niệm, tôi không phải dùng niệm Phật, niệm Phật vọng niệm rất nhiều, tôi dùng đọc kinh. Đọc kinh không thể có vọng niệm, có vọng niệm thì đọc sai, với lại tôi đọc rất tỉ mỉ, tôi đọc tốc độ rất chậm, đọc từng chữ từng câu. Phương pháp này đối với tôi rất có hiệu quả, cho nên trong mấy mươi năm vọng niệm rất ít, tôi nương vào cái này. Bỏ quyển kinh xuống, thì không còn cách nào nữa. Giảng kinh không thể có vọng niệm xen vào, không thể được. Đọc kinh để chuẩn bị cho bài giảng rất ít vọng niệm xen vào, dùng cách này đến khi vọng niệm ít đi rồi niệm Phật thì không sao nữa, niệm Phật vọng niệm cũng rất ít.
Căn tánh của mỗi người không giống nhau, vì vậy phương pháp của mỗi người cũng không giống nhau. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, tám vạn bốn ngàn phương pháp không giống nhau. Tự quý vị cảm thấy phương pháp nào thích hợp với quý vị, thì quý vị dùng nó. Không thể nói người khác dùng phương pháp này, tôi dùng như họ, không cần phải vậy. Nhất định phải dùng cái mình cảm thấy dễ chịu, cảm thấy dùng phương pháp này thích hợp, không có rắc rối mà lại có hiệu quả cao. Học tập thích thú thì quý vị dùng phương pháp đó, phương pháp càng lâu càng tốt gọi là huân tu lâu dài. Hiệu quả xuất hiện rồi.
Hiệu quả gì? Tam muội xuất hiện. Chúng ta không dùng danh từ Phật học, chúng ta dùng đơn giản là tâm thanh tịnh hiện ra. Trên đề kinh thanh tịnh bình đẳng giác này hay, thanh tịnh tâm hiện ra chứng minh công phu của quý vị đắc lực, nâng cao lên nữa thì bình đẳng tâm hiện ra, đó là cao thêm một tầng công phu. Nếu như nói thanh tịnh tâm là tiểu ngộ, bình đẳng tâm chính là đại ngộ, giác phía sau là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Nhưng quý vị chỉ được dùng một pháp môn, quý vị thường thay đổi pháp môn thì không làm được. Con người thời nay, thật lòng mà nói thông minh trí huệ tuyệt đối không thua người xưa, nhưng công phu tu hành của chúng ta vĩnh viễn không bằng người xưa. Sai ở chỗ nào? Sai ở chỗ phương pháp, họ có thể tuân thủ phương pháp, chúng ta lại thường thay đổi.
PS TỊNH KHÔNG