Tiếp theo là Nhẫn độ_nhẫn nhục. Nhẫn nhục điều thứ nhất là an tâm nhẫn nại, không có tâm báo phục. Nếu gặp oán tắng độc hại, an nhiên nhẫn nãi, không có tâm báo phục, điều này cần phải học.
Hết thảy những người học Phật, những gì chúng ta gặp được, mọi người đều biết, cũng thường cảm thán, bản thân nghiệp chướng sâu dày. Dùng phương pháp gì để sám hối nghiệp chướng? Mỗi người đích thực rất lưu ý, rất muốn học sám trừ nghiệp chướng. Nhẫn nhục ba la mật là một nhân tố sám trừ nghiệp chướng quan trọng nhất, nếu không nhẫn được, thì nghiệp chướng vĩnh viễn không thể sám trừ.
Gặp người oán hận chúng ta, trong ghét có đố kỵ, chướng ngại. Người đố kỵ chúng ta, còn có người hãm hại chúng ta, người hủy báng chúng ta, nếu gặp họ phải làm sao? Đức Phật dạy chúng ta: an nhiên nhẫn thọ, chúng ta tiếp nhận, cố gắng phản tỉnh. Có thì sửa đổi, không có thì khen ngợi khuyến khích. Người khác hủy báng tôi, hãm hại tôi, chúng ta có gì sai lầm chăng? Quả thật có sai lầm, cảm ân họ nhắc nhở, sửa đổi chính mình. Nếu không có sai lầm, chịu oan uổng tai hại này, cũng nên cảm kích họ, nhắc nhở bản thân, cảnh giác bản thân không nên phạm những sai lầm này. Chẳng những không có ý niệm báo thù, mà chỉ là ý niệm cảm ân. Ai muốn nói lỗi lầm của người khác, tạo ra khẩu nghiệp này? Mọi người không muốn, đều thích tán thán người khác, không muốn nói lỗi của người. Nói lỗi của người là tạo ác nghiệp, tạo khẩu nghiệp, ai muốn nói?
Thật sự nói lỗi lầm của người, ngày xưa chỉ có ba hạng người. Thứ nhất là cha mẹ của quý vị, biết chúng ta có sai lầm, nhất định phải làm cho quý vị thay đổi. Thứ hai là thầy, thứ ba là bạn bè tri kỷ. Không phải ba hạng người này, thì ai khuyên quý vị? Quý vị tạo nghiệp không liên quan đến tôi, mỗi người đều có nhân quả báo ứng của riêng mình, tôi khuyên quý vị làm gì? Khuyên quý vị, nếu quý vị không nghe trái lại còn trở mặt thành thù, như vậy thì càng không đáng. Thế nên gặp người có lỗi lầm không nên nói, người thật sự có tu dưỡng, có học vấn chỉ cười cười mà không nói gì.
Khi tôi ở Đài Trung cầu học, thầy dạy tôi: Người ta có lỗi lầm, nếu quý vị không khuyên can họ, tức không có lòng từ bi. Nếu khuyên can họ, họ xem quý vị như kẻ thù, phải làm sao? Phải có phương tiện thiện xảo, phương pháp tốt nhất chính là giảng kinh thuyết pháp. Tôi nói điều này là giảng trong kinh văn, đối tượng không phải nói quý vị. Khiến quý vị khi nghe xong, có thể cảm nhận được: Tôi có khuyết điểm này, tự nhiên sẽ thay đổi!
Nên thầy đối với những tín đồ này, đối đãi những đệ tử này, vô cùng từ bi. Ngày ngày giảng kinh, ngày ngày khuyên mọi người. Chúng ta phải biết nghe, có một số người nghe kinh như thế nào? Thầy đang nói người khác, không phải nói tôi, tôi không có như vậy, là đang nói người khác. Như vậy là coi như hết, họ không học được gì.
Có một số người thông minh, nên nhận ra mình có khuyết điểm này, như vậy họ mới được lợi ích! Sợ nhất là gì? Không có thiện căn, không có phước báo. Khi nghe kinh, kinh này đều nói người khác, đều nói người đó, người đó, người đó, không có điều nào nói đến mình. Từ xưa đến nay đều có, không phải hiện tại. Thế nên khi chúng ta xem, phải dùng tâm bình thường để đối đãi, rất bình thường.
Có mấy người giác ngộ, tức là người có thiện căn? Được mấy người có phước đức? Có thiện căn phước đức, nghe kinh mới được lợi ích, vì sao? Vì họ sẽ phản tỉnh, sau khi nghe xong, họ nghĩ lại xem mình có lỗi lầm này chăng? Tán dương việc tốt, thử nghĩ lại xem mình có đức hạnh này chăng? Họ biết học, nên nghe xong quả thật rất lợi ích, tức có thể thực hành trong cuộc sống. Người thật sự biết học, quý vị nên nhớ, điều này có thể làm tham khảo, mãi mãi chỉ có tâm cảm ân, nhất định không có tâm trả thù, không có tâm oán hận. Nếu nghe lời can gián nghịch tai mà sinh lòng oán hận, báo phục, người này cách đạo rất xa. Người này trong kinh gọi là nhất xiển đề.
Nhất xiển đề là gì? Không có thiện căn, không có phước đức. Trong kinh Di Đà nói: Không thể thiếu thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về nước này. Thế nên điều kiện vãng sanh thế giới Cực Lạc, phải nhiều thiện căn, nhiều phước đức. Nhân duyên chúng ta đã gặp, không sao, duyên chúng ta có, vấn đề là có thiện căn hay không? Thiện căn là tin thật, thật sự có thể lý giải, đây là thiện căn. Phước đức là thực hành, tôi thật sự y giáo phụng hành, người này có phước.
– HT. Tịnh Không, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa (VLT 11), tập 478.