Bồ Tát nhận lời phó chúc của Phật, tiếp nhận sự ủy thác của Phật, đặc biệt là chúng sanh đời Mạt pháp ương ngạnh khó giáo hóa, lão nhân gia dùng vô tận từ bi, vô lượng trí huệ và phương tiện, hóa thân ở thế gian này. Hóa thân của ngài, nam nữ già trẻ trong xã hội, các ngành các nghề thảy đều có, nếu chẳng là người minh nhãn (người mắt sáng) thì chẳng nhìn thấy, người minh nhãn thấy rõ ràng, thấy minh bạch, ở đó tạo ra phương tiện vô tận. Không nhất định là thị hiện thân phận người xuất gia, hiện nay mọi người chẳng hiểu Phật pháp, đều cho rằng Phật pháp là mê tín, có chướng ngại nghiêm trọng. Thị hiện người xuất gia giáo hóa chúng sanh có thể sẽ có nhiều chỗ không thuận tiện, Bồ Tát thị hiện thân phận tại gia rất nhiều, đều khuyến thiện, sửa lỗi.
Hôm qua có đồng tu từ Ðài Loan đến và đem những băng thâu hình, trẻ em đọc kinh. Tôi nghe qua vài đoạn và rất cảm khái, những đại đạo lý của cổ thánh tiền hiền chẳng phải là học thuyết của cá nhân họ. Có phải những gì Khổng Tử nói là học thuyết của ngài không? Lời Lão Tử nói là học thuyết của ngài không? Lời đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy có phải là học thuyết của ngài không? Đều chẳng phải, đó là gì? Học thuyết xứng tánh, là bản tánh của hết thảy chúng sanh, chân tâm của hết thảy chúng sanh, pháp vốn đầy đủ trí huệ đức năng của hết thảy chúng sanh, các ngài nói đều là những thứ này. Nếu bạn nói đó là [học thuyết] của mỗi cá nhân họ thì bạn đã hiểu sai rồi. Là trí huệ đức năng vốn sẵn có trong tự tánh chúng ta, thuần thiện chẳng tạp. Nếu có thể phát huy được thì sẽ chân chánh đạt được “thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, những đại đạo lý này chẳng liên quan đến một cá nhân nào cả. Tâm địa của họ thanh tịnh, từ bi, bác ái, họ đã nhìn thấy, Phật pháp gọi là minh tâm kiến tánh, họ đã nhìn thấy, chứng được. Chúng ta mê hoặc điên đảo, chẳng nhìn thấy, chẳng chứng được. Nếu chúng ta chứng được thì chẳng khác gì họ. Phải làm sao mới có thể chứng được? Phải phá ngã chấp, phá pháp chấp. Làm cách nào để phá? Niệm niệm vì chúng sanh, đừng nghĩ cho mình nữa; niệm niệm vì Phật pháp, sự nghiệp của chúng ta chính là Phật pháp. Phật pháp là gì? Phật là giác ngộ, pháp là phương pháp, phương pháp làm cho hết thảy chúng sanh giác ngộ thì gọi là Phật pháp. Giúp cho hết thảy chúng sanh giác ngộ thì bạn đã hoằng dương Phật pháp. Ngày nay chúng ta ở tại thế gian này, làm công việc này, công việc ngành nghề này nói theo cách nói hiện nay tức là người làm công tác giáo dục xã hội, nói như vậy thì mọi người dễ hiểu.
Năm xưa lúc đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, ngài làm công việc gì? Giáo dục xã hội, vả lại còn là thiện nguyện, chẳng thâu học trò một đồng xu cắc bạc nào cả, hoàn toàn là nghĩa vụ, ngài là một người làm công tác giáo dục xã hội thiện nguyện. Chúng ta là học trò của Phật thì phải nối tiếp huệ mạng của Phật. Phật làm suốt cả đời, chúng ta là đệ tử học Phật nhiều đời kiếp sau, hết lòng làm theo, tiếp tục chẳng gián đoạn, nhất định phải làm cho hoàn hảo công tác giáo dục xã hội này. Ðối tượng của giáo dục xã hội là hết thảy chúng sanh, chẳng phân biệt nam nữ, già trẻ, chẳng phân biệt sang hèn, giàu nghèo, cũng chẳng phân cõi trời cõi người, chín pháp giới chúng sanh đều đối đãi bình đẳng. Chúng ta phải học “tác sư tác phạm” (làm thầy, làm mô phạm), “sư” là gương mẫu của xã hội đại chúng, “phạm” là mô phạm. Nếu chúng ta làm không được thì phải sanh tâm hổ thẹn. Chúng ta giữ tâm [niệm như thế nào], tâm chúng ta có thể làm gương cho xã hội đại chúng không? Ngôn hạnh của chúng ta có thể làm gương cho xã hội đại chúng không? Phải thường suy nghĩ như vậy.
Phàm những gì không thể làm gương tốt cho xã hội đại chúng, tuyệt đối không được làm. Những tâm niệm chẳng thể làm gương tốt cho xã hội đại chúng thì tuyệt đối chẳng thể khởi. Như vậy mới có thể được chư Phật, Bồ Tát hộ niệm, chư Phật, Bồ Tát gia trì, long thiên thiện thần ủng hộ. Chúng ta đề cao giáo dục xã hội, Tân Gia Ba (Singapore) có thể làm nên một chút thành tích này [là vì] cư sĩ Lý Mộc Nguyên, các vị đồng tu, những nhân viên cán sự dưới quyền ông ta, tứ chúng đồng tu chúng ta chẳng có tâm riêng tư. Tại sao những chỗ khác làm không thành công? Phật chẳng có tâm phân biệt, chẳng có yêu thích; Thiện Ðạo đại sư nói rất hay, đều là “gặp duyên chẳng đồng”. Ðại chúng ở địa phương này, một lòng một dạ xả mình vì người, mỗi ngày đều nghĩ vì Phật pháp, vì chúng sanh, chẳng vì mình, cho nên được cảm ứng vô cùng thù thắng. Ở đây chúng ta có thể cảm nhận cảm ứng này rất rõ ràng, hiển cảm hiển ứng, chẳng thể nghĩ bàn.
(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh giảng ký, tập 13)