Tình chấp người đời, thực sự không dễ buông bỏ, chỉ cần ta quyến luyến, yêu thích, luôn nghĩ đến nó, liền đã gặp rắc rối. Người đi tu cũng không ngoại lệ.
Khi tôi ở San francisco, Mĩ, gặp một pháp sư, hình như bây giờ ông đã mất, lớn tuổi hơn tôi, cả đời theo đuổi thú sưu tầm tượng Phật cổ. Ông có một bảo tàng nhỏ, mở ra thấy toàn tượng Phật, cả gian phòng đều là đồ cổ, đây là đời Đường, kia là đời Tống, nọ là Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, chuyên sưu tập những thứ đó, ông có vãng sinh chăng? Không thể! Mất sẽ đi về đâu? Mất rồi, chắc chắn không rời được căn phòng đó, căn phòng đó có gì? Chuột, gián, sâu kiến, ông đầu thai đến đó. Ông sẽ đến những nơi đó, sẽ không đến nơi nào khác, việc này rất rắc rối!
Hồi đó thấy chuyện đó, tôi vô cùng sợ hãi, tại sao? Bởi vì tôi cũng có yêu thích, nhưng khác nhau! Tôi thích gì? Thích sách kinh, thích nhất là sách đóng cẩn thận, đấy là những bản đẹp. Khi thích sách, sau khi chết sẽ làm con mọt trong sách. Lúc đó sẽ đầu thai vào đó, càng nghĩ càng sợ. Bởi thế tôi quyên góp tất cả những cuốn đó, phần lớn tặng cho qũy giáo dục Phật giáo, để họ phiên bản, rồi cho in, bản chính vẫn cho họ giữ. Còn một số sau khi tôi in, tặng lại cho nhà in, nguyên bản do nhà in, họ tự giữ, làm như thế để làm gì? Sợ sau này có người in, họ có bản gốc, tôi cũng bỏ nó luôn, để không còn tham luyến gì nữa.
Bởi thế yêu thích, rắc rối sẽ đến ngay, sẽ chướng ngại cho việc vãng sinh. Phải từ bỏ tất cả, trong lòng chỉ có Phật A Di Đà, ngoài A Di Đà Phật, không có một thứ gì. Người đó chắc chắn sẽ được sinh, không vấn đề gì.
“Tam bối vãng sinh trong kinh, đều do việc phát Bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”. Phát Bồ đề tâm và nhất hướng chuyên niệm đều quan trọng, chỉ nhất hướng chuyên niệm, không phát Bồ đề tâm, không đi được. Tuy phát Bồ đề tâm, không có nhất hướng chuyên niệm, cũng không đi được, đây là vấn đề cần nên ghi nhớ. Đời nay chúng ta muốn vãng sinh thế giới Cực lạc, thân cận Phật A Di Đà, câu này phải luôn nhớ thật kĩ. Bồ đề tâm là đại trí, là đại bi, là đại nguyện, là tâm viên dung nhất thể.
“Nặng về tình chấp chính là ngu si”. Chỉ cần ta đối với bất kì một chuyện gì, một vật gì, một người nào trong thế gian này, có tâm ham muốn đều bị gọi là ngu si. Tâm Bồ đề ta phát kia sẽ là giả, không phải chân, tại sao vậy? Vì tình chấp, sở thích của ta, những thứ ta muốn, sẽ phá hỏng ngay bồ đề tâm của ta. Tâm Bồ đề rất khó phát.
“Phân biệt thủ tướng sẽ có chọn lựa”, có chọn lựa thì tâm từ bi sẽ không còn, tâm bình đẳng không còn. Bởi vì ta có chọn lựa “do đâu nổi lên”, làm sao lại nổi lên, “Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi” ? Chỉ Cần có chọn lựa, cả hai cái đó liền mất. Tôi thích người này, tôi ghét kẻ khác, đại từ đại bi sẽ không còn. Đại từ đại bi là tâm Bồ đề.
Bao nhiêu năm nay, khi giảng kinh giáo, tôi tóm tắt tâm Bồ đề thành mười chữ: Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Ở đây nói rất hay, tâm Bồ đề là đại trí, đại bi, đại nguyện, viên dung nhất thể, cũng nói rất hay.
Khi nào chúng ta thực sự phát được tâm viên dung nhất thể? Chỉ cần phát đựợc tâm viên dung nhất thể, thanh tịnh, bình đẳng, giác sẽ có mặt. Không biết cõi hư không khắp pháp giới cùng ta là nhất thể, đều do nổi lên giữ tướng phân biệt, gọi là trước tướng. Nghĩa là phá hoại tâm Bồ đề.
“Những người như thế làm sao phát khởi tâm Bồ đề?” Không có trí tuệ, không có từ bi, không có viên dung, phân biệt thủ tướng, tôi thích cái này, ghét thứ kia, như thế thì làm sao thành tựu? Tất cả những thứ này là trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta phát tâm nhất hướng chuyên niệm, tại sao không có cảm ứng? Tại sao bệnh hoạn thân thể lại nhiều như thế? Tại sao muốn làm chuyện gì, chướng ngại kéo đến ùn ùn? Bình tâm nghĩ kĩ sẽ thấy nguyên nhân, nguyên nhân không phải bên ngoài, nguyên nhân do ta, nhất định phải biết được đạo lí đó.
Nguyên nhân bên ngoài, hay nguyên nhân do ta mang lại. Ta đã sai, để lại bài học cho người đi sau, không lặp lại vết xe đổ, con đường sau này của họ sẽ bằng phẳng hơn, ta sai lầm ở đâu? Chưa đủ khiêm tốn, chưa đủ cung kính, chưa thực hành tứ nhiếp pháp. Bởi thế tuy việc tốt, lại mang đến chướng ngại đố kị cho người khác. Bản thân chúng ta thấy rất rõ, rất minh bạch, bởi chúng ta, đã buông bỏ tiếng thơm, lợi dưỡng. Nên những thứ chướng ngại tật đố, đối với ta mà nói, có lợi mà không có hại.
TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA – Tập 559
CHỦ GIẢNG: HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
CHUYỂN NGỮ” MINH TUỆ
BIÊN TẬP NGUYÊN TÂM
==================
HOAN NGHÊNH PHỔ BIẾN