Đạo dưỡng sinh là trước tiên phải thay đổi quan niệm của mình cho chính xác, không nên để ý nghĩ hiểu lệch lạc, sai lầm, vậy thì thiệt thòi sẽ lớn. Về phần đời sống, quan trọng nhất là phải biết đủ, “Biết đủ thường vui”. Người sống ở đời cần sống một đời sống thật vui vẻ, việc gì từ sáng đến tối phải mặt mày ủ rũ ? Sầu khổ là trạng thái bệnh, dễ già. Cổ nhân chúng ta nói: “Lo nghĩ có thể khiến người ta già”. Hay nói cách khác, vui vẻ thì người sẽ không bị già yếu; thường sinh tâm hoan hỷ thì bạn sẽ không bị già yếu. Vì vậy, phải thường sinh tâm hoan hỷ.
Tâm hoan hỷ sinh ra từ đâu vậy ? Biết đủ thường vui, cho nên người nhất định phải biết đủ. Đời sống càng đơn giản càng tốt, ăn uống càng ít càng khỏe mạnh. Tại sao vậy ? Dinh dưỡng hấp thu được toàn bộ, bộ máy cơ thể gánh vác rất nhẹ. Người hiện đại, nhất là trong các quốc gia phát triển, đời sống tương đối sung túc, ăn uống sinh hoạt đều quá mức. Không cần thiết ăn nhiều như vậy ! Họ ăn quá nhiều, đó là tham, chỉ một chữ “Tham”. Cái gọi là “bệnh từ miệng mà vào”. Ăn uống vốn dĩ là một loại cách thức dưỡng sinh, nhưng nếu bạn tham quá mức thì liền biến thành bệnh, cho nên không được phép ăn quá mức. Người tu đạo hiểu được đạo dưỡng sinh, cho nên Phật Thích Ca Mâu Ni cùng tăng đoàn ở đời năm ấy “ngày ăn một bữa trưa”, thức ăn vô cùng đơn giản, cơ thể khỏe mạnh.
Hiện nay ở Đại Lục, dưới nông thôn vô cùng nghèo khổ, nhưng người khỏe mạnh, sống lâu, người 80 – 90 tuổi, hơn 100 tuổi rất nhiều. Nhiều chuyên gia, học giả nước ngoài đến bên đó để điều tra, nhưng tìm không ra nguyên nhân. Thấy tập quán sinh hoạt thường ngày của họ, thấy thức ăn họ ăn dường như đều không có dinh dưỡng, tại sao họ khỏe mạnh trường thọ vậy ? úc Châu cũng như vậy, ở dưới nông thôn úc Châu, người 80 – 90 tuổi, hơn 100 tuổi rất nhiều. Tôi đã từng đi viếng thăm một nông thôn, ở nơi đó họ yêu cầu tôi giảng cho họ một chút Phật Pháp. Trong thính chúng có rất nhiều người trên 90 tuổi, cơ thể vô cùng khỏe mạnh, một chút bệnh cũng không có, dáng đi rất nhẹ nhàng, thanh thoát. Tôi nhìn thấy vô cùng hoan hỷ. Họ quả thật là tuy chưa bao giờ nghe Bát Chánh Đạo, nhưng họ thật sự đang tu Bát Chánh Đạo. Họ vô cùng ưa thích Phật Pháp. Tôi hỏi họ:“Tin tôn giáo nào ? Họ nói: “Tin Cơ Đốc giáo và rất ưa thích nghe Phật Pháp”. Cho nên, thầy Ngộ Lâm của chúng ta đã đến thôn trang đó giảng rất nhiều lần. Mỗi lần giảng ở bên đó, họ biết rồi, có rất nhiều người lái xe hàng mấy giờ để đến nghe. Vô cùng hiếm có ! Cho nên, đạo dưỡng sinh của họ là thuần chánh, chánh mạng.
Trích : Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh Giảng Ký – Tập 74
Chủ Giảng : HT. Thượng Tịnh Hạ Không.