“Thân tâm thanh tịnh, không nhiễm lợi dưỡng”. Thân thể, thân và tâm viễn ly danh lợi.
Đức Thế Tôn thị hiện cho chúng ta thấy, ngày ăn một bữa, đêm ngủ dưới gốc cây. Suốt đời tay không cầm kim ngân tài vật, ngài làm được như thế. Tất cả đều tùy duyên, không hề có chút tham tâm nào, người ta cúng dường gì thì ăn đó. Trong lúc giảng Kinh, chúng tôi cũng từng nói với quý vị, người ta cúng dường thức ăn không sạch, hư thiu, có thể ăn chăng? ăn sẽ sanh bệnh. Được, Phật Bồ Tát đều có thể ăn. Trong 32 tướng có nói đến, thức ăn này đưa vào trong miệng của Phật, hoàn thành biến thành thức ăn thượng vị. Cảnh tùy Tâm chuyển, Tâm Phật quá tốt, cho nên thứ không tốt đến tay ngài đều biến thành tốt đẹp. Cảnh tùy Tâm chuyển, chúng ta phải biết như thế. Vì trong Kinh điển chúng ta thấy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đi khất thực, có người cúng dường ngài, là ai? Kẻ ăn xin, người ăn xin này còn bị bệnh. Người ta ở bên ngoài xin được chút ít thức ăn, vừa hôi thiu, mùi lại rất khó ngửi. Họ thấy Phật, muốn trồng một chút phước đức, tu chút cúng dường, nhưng họ không có gì cả, chỉ có chút thức ăn hư này. Đức Phật hoan hỷ tiếp nhận tấm lòng ông ta, ngài không chê bai, ngài là người phước báo đệ nhất trong thế xuất thế gian. Cho nên khi thức ăn này vừa vào đến miệng của Phật, đều biến thành thượng vị, gọi là đề hồ thượng vị. Chúng ta phải hiểu đạo lý này, cần học tập theo Đức Phật. Thật vậy, chỉ cần ta có Tâm chân thành, dù mùi vị không ngon, khi ăn vào đều cảm thấy rất ngon, không cảm thấy dở. Mặc dù là thứ có độc, sau khi ăn vào đều biến thành dinh dưỡng tốt nhất, nó thay đổi. Cùng một đạo lý, người tâm hành và thân tâm bất thiện, ăn sơn hào hải vị cũng sanh bệnh, vì sao vậy? Vì thứ ngon nhất, nhưng tâm niệm họ bất chánh đã biến nó thành hư hoại.
Quý vị xem bệnh nhân trong bệnh viện lớn, rất nhiều đều là người giàu có, không phải nhà giàu không thể vào đó. Cổ nhân nói câu rất hay: “bệnh vào từ miệng, họa ra từ miệng”. Đây là nói với chúng ta, ngôn ngữ và ăn uống đều phải rất cẩn thận, như vậy thân tâm mới được mạnh khỏe. Nhưng thân tâm thật sự mạnh khỏe là phải buông bỏ lợi dưỡng, đừng để danh văn lợi dưỡng chi phối, dù chỉ một chút. Việc tốt cần nên làm, làm thật chăm chỉ, làm hết sức, xa lìa danh văn lợi dưỡng, như vậy là đúng. Cổ nhân cũng có hai câu nói, đáng cho chúng ta kiểm điểm lại mình, họ nói: “làm thiện đừng gần danh”. Dù làm việc tốt như thế nào, đừng để người ta biết đến. “Làm ác đừng gần hình phạt”, nếu làm việc xấu, việc xấu này không đến nỗi bị xử phạt. Việc xấu này không lớn, không phải việc xấu quá lớn. Nói rất có đạo lý.
Trích lục: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa – Tập 211
Chủ giảng: HT. Thượng Tịnh Hạ Không.