Siddhartha Gautama (Tất-đạt-đa Cồ-đàm) là thái tử của vương tộc Gautama thuộc tiểu vương quốc Shakya (Thích Ca) tại Kapilavastu (Ca-tỳ-la-vệ) thuộc Nepal ngày nay. Theo các kinh sách, Ngài đã tu lập và tích lũy công đức qua nhiều kiếp và thành đạo hiệu là Hộ Minh Bồ tát. Ngài giáng sinh làm con của hoàng hậu Maya (Ma-da) vợ vua Suddhodana (Tịnh Phạn) và được sinh ra giữa vườn hoa Lumbini (Lâm-tỳ-ni) khi mẫu thân đang hái những bông hoa Udumbara (Ưu đàm). Vừa ra đời ngài đứng dậy và bước đi bảy bước, từ những bước chân nở ra hoa sen, ngài đứng trong thế một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.
Sau 7 ngày sinh con, hoàng hậu qua đời và bà Mahapajapati Gotami (Kiều Đàm Di) là dì ruột chịu trách nhiệm nuôi nấng thái tử với tư cách là kế mẫu. Nghe được lời tiên tri của ông Asita (A-tư-đà) rằng: “Dưới 2 lòng bàn chân của thái tử, có hình bánh xe ngàn căm và 32 tướng tốt, sau này chắc chắc thái tử sẽ là một nhà tu hành đắc đạo, hoặc là một chuyển luân thánh vương cai trị toàn Ấn Độ” vì vậy đức vua lo sợ đứa con duy nhất của mình sẽ trở thành người xuất gia, ông cho đóng kín các cổng thành, xây dựng các cung điện nguy nga để giữ chân thái tử. Siddhartha lớn lên thông minh tài giỏi, từ văn chương, toán học, chiêm tinh, âm nhạc, võ thuật,… đều thông thạo và giỏi hơn cả thầy dạy. Vì tính cách vốn yêu thương động vật, Ngài quyết cứu sống con thiên nga_chiến lợi phẩm đi săn của Devadatta (Đề-bà-đạt-đa), từ đó mà người em họ này đem lòng căm ghét Siddhartha.
Thái tử tận hưởng cuộc sống vương giả trong bốn bức tường thành, năm 18 tuổi Ngài phải lòng công chúa Yasodhara (Da-du-đà-la) rồi cưới nàng và có một người con trai là Rahula (La-hầu-la). Chuyến đi định mệnh thay đổi cuộc đời Ngài trong một lần quyết ra khỏi cổng thành, Ngài nhìn thấy một người già yếu, một người nhiễm bệnh, một xác chết đang mai táng và một tu sĩ_những thứ mà thái tử chưa bao giờ nhìn thấy. Ngài bàng hoàng khi nghe người phu xe bảo rằng việc sinh ra, già yếu, bệnh tật và chết đi là những việc ai cũng phải trải qua vì từ nhỏ cả hoàng cung chẳng ai được nhắc đến những thứ đó theo lệnh của vua Tịnh Phạn. Trở về hoàng cung và tự vấn, đấu tranh với những suy nghĩ xung quanh, vào một đêm tối Ngài âm thầm từ giã cung điện để lên đường đi tìm câu trả lời cho bốn chữ: sinh, già, bệnh, chết.
Bước vào con đường tu hành, Ngài vẫn thực hiện những phương pháp mà các nhà tu của Ấn Độ thời bấy giờ thường làm theo con đường khổ hạnh. Ngài cùng tu với 5 anh em ông Kondanna (Kiều Trần Như), họ tự ép xác bản thân bằng việc ngược đãi cơ thể. Trải qua 5 năm ép xác, mỗi ngày Ngài chỉ ăn một hạt mè, cơ thể dần tiều tụy, sức khỏe suy kiệt. Cảm thấy đây không phải là cách để tìm được chân lý, Ngài từ bỏ cách tu này. Siddhatha ăn uống, tắm gội và bắt đầu ngồi thiền bên dòng song Nairanjana (Ni Liên Thiền) và sau đó chọn một gốc cây bồ đề làm nơi thiền định suốt 49 ngày. Trong những ngày đó, con đường để đạt được giác ngộ vô cùng gian nan, Ma Vương liên tục quấy phá nhưng vì sức mạnh của chánh định và các vị thần đã giúp đỡ Ngài nên Ma Vương bị hàng phục. Ngày 8 tháng 12 năm 589 trước Công Nguyên và cũng là ngày thứ 49 mà Ngài nhập định, mặt trời vừa mọc, Siddhartha đạt tới giác ngộ, trở thành vị Phật Toàn Giác, là bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngài đắc thành chính đạo, thoát khỏi vòng lặp của sinh tử luân hồi.
Đức Phật tiếp tục ngồi lặng im dưới cội bồ đề, Ngài nhìn thấy chúng sinh còn quá nhiều tham, sân, si, họ khó mà lãnh ngộ được chân lí Ngài đã thấu triệt. Một vị Phạm Thiên là Sahampati đã đến thỉnh cầu Ngài hoằng dương giáo pháp vi diệu này. Đức Phật đồng ý chuyển pháp luân, bắt đầu con đường thuyết Pháp để vì vậy nhân thế gọi Ngài là Shakyamuni (Thích Ca Mâu Ni) – nghĩa là “Trí giả của dòng dõi Thích Ca”.
Đức Phật bắt đầu thuyết Pháp và tăng đoàn được thành lập, nhiều đệ tử của Ngài sau quá trình tu tập đã đắc thánh quả. Ngài đi qua nhiều vùng đất khác nhau, ở mỗi nơi đều có một đạo tràng để Ngài giảng giải về giáo Pháp vi diệu. Trong suốt những năm tháng truyền đạt chánh Pháp, người em họ Devadatta nhiều lần ám sát Ngài nhưng đều thất bại. Đức Phật dùng giáo lý của mình để thay đổi xã hội phân biệt giai cấp nặng nề lúc bấy giờ, phụ nữ cũng được xuất gia và được gọi là các tỳ kheo ni. Nhiều trưởng giả, đại thần và các nhà vua lĩnh ngộ được lời dạy của Ngài đã thay đổi xã hội đương thời. Khi tăng đoàn lớn mạnh, Đức Phật về Kapilavastu để thăm lại Vua cha, bà Gotami và vợ con. Sau đó, bà Gotami cùng Yasodhara xuất gia và gia nhập ni đoàn, Rahula con ngài cũng trở thành một tỳ kheo thân cận.
Sau 45 năm truyền trao chánh Pháp ở khắp mọi nơi, Ngài dặn dò tăng đoàn nhiều điều và nói một câu cuối: “Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, đều chịu biến hoại, hãy tinh tấn tu học để đạt được giải thoát”. Ngày 15 tháng 2 năm 544 trước Công Nguyên, Đức Phật dùng bữa trưa cuối cùng rồi đến rừng sala, nằm xuống và nhập Niết Bàn.