Thiên Thân Bồ Tát có ba anh em. Anh cả là Vô Trước Bồ Tát, anh hai là Sư Tử Giác, Thiên Thân Bồ Tát là em thứ ba. Cả ba vị đều tu Di Lặc Tịnh Độ. Anh hai vãng sanh trước, ba anh em đã ước định sẵn, họ sanh về Di Lặc Tịnh Độ, thân cận Di Lặc Bồ Tát: “Sau khi sanh về đó, bèn lập tức trở về báo tin cho chúng tôi”. Anh hai là Sư Tử Giác sau khi vãng sanh bèn chẳng có tin tức, đợi bao nhiêu năm chẳng thấy tin tức. Ngài Vô Trước vãng sanh, ba năm sau mới quay lại báo tin cho Thiên Thân Bồ Tát. Ngài Thiên Thân nói: “Anh đi ba năm mới quay về, sao không quay về ngay lập tức?” Ngài Vô Trước nói: “Ta về ngay đó chứ! Thời gian trên Đâu Suất Thiên vốn khác biệt chúng ta. Một ngày trên Đâu Suất Thiên bằng bốn trăm năm trong nhân gian”. Ngài nói: “Ta gặp Di Lặc Bồ Tát xong lập tức quay về nói cho ngươi biết, trong nhân gian đã ba năm trôi qua”. Quả thật là ở trên Đâu Suất Thiên đại khái chưa đến một tiếng đồng hồ, thời gian chỉ chừng mấy phút mà nhân gian đã là ba năm. Ngài Thiên Thân liền hỏi: “Anh hai ở đâu?” “Anh hai đã đến ngoại viện của Đâu Suất Thiên, thấy ngoại viện rất đẹp, rất lưu luyến, còn chưa vào nội viện, đến đó hưởng phước rồi”. Hoàn cảnh nơi ấy vô cùng tốt đẹp, ngài Sư Tử Giác vừa trông thấy bèn khởi tâm tham.
Câu chuyện này thật sự có thể cảnh tỉnh mọi người. Vì lẽ đó, chúng tôi liền hoảng nhiên đại ngộ vì sao đức Phật dạy chúng ta “lấy khổ làm thầy”. Trong thế gian này, cuộc sống khổ sở một chút, tốt lắm. Cuộc sống khổ sở, sẽ chẳng có ý niệm lưu luyến. Nếu cuộc sống trong thế gian này quá an nhàn, sung túc, quá xa xỉ, sẽ chẳng nỡ rời khỏi. Đối với phước báo trong nhân gian mà còn như thế, nếu quý vị lên đến cõi trời, thấy chư thiên, dấy lên một niệm [tham luyến]. Khởi lên một niệm như vậy, sẽ ngay lập tức đọa xuống, sẽ chẳng có phần trong thế giới Cực Lạc, quý vị thấy đáng sợ lắm!
Do đó, chớ nên hưởng phước! Cổ nhân thường nói “trong phước có họa”, chữ Họa (禍) và Phước (福) viết theo tiếng Hán rất giống nhau, cho thấy họa và phước rất khó phân định rạch ròi, rốt cuộc là phước hay họa, ai biết! Phước rất dễ dàng biến thành họa, nhưng họa cũng chẳng dễ gì biến thành phước! Cho thấy phước chẳng có sức mạnh to lớn như họa. Tổ tiên chúng ta có trí huệ, có tâm cảnh giác rất cao, tạo ra văn tự, khiến cho chúng ta thấy hình tượng của những chữ ấy bèn có thể nâng cao tâm cảnh giác của chính mình. Trên cả thế giới, trong bất cứ quốc gia hay dân tộc nào, cũng đều chẳng có chuyện này. Văn tự tiếng Hán là phù hiệu trí huệ. Ân trạch của tổ tiên đối với hậu thế sâu dầy, báo đáp bằng cách nào? Con người hiện thời ngày càng chẳng nhận biết tổ tông, càng ngày càng chẳng tôn kính tổ tông, tai họa liền xảy tới. Chẳng biết báo ân, chẳng biết ân đức. Chuyện này không thể trách chúng ta! Kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất hay: “Tiên nhân bất thiện (vô tri), bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả, thù vô quái dã” (Kẻ trước bất thiện (vô tri), chẳng biết đến đạo đức, chẳng có ai nói với họ, trọn chẳng đáng trách). Nói rất hay!
Chúng ta sanh nhằm thời chiến tranh, loạn lạc, suốt đời sống trong cảnh chiến tranh tao loạn, hằng ngày sống cuộc đời lưu lạc, cha mẹ chẳng dạy dỗ chúng ta, thầy cũng chẳng dạy chúng ta, làm sao chúng ta có thể biết được? Một đời tôi, lúc nhỏ đắc lực nhờ cha mẹ dạy tôi tôn sư trọng đạo, những tao ngộ trong suốt một đời có quan hệ hết sức to lớn với chuyện ấy. Lúc hai mươi mấy tuổi, tôi gặp ba vị thầy, thầy nhiệt tâm dạy dỗ tôi vì lẽ nào? Tôi chẳng có sở trường gì! Đại khái là các thầy nhìn vào thái độ tôn sư trọng đạo ấy. Thầy thật sự dạy tôi, tôi cũng thật sự chịu học tập, quay trở lại như vậy, học tập văn hóa truyền thống.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 135)