Ngày nay chúng ta đã hiểu, từ vô lượng kiếp đến nay, mãi luân hồi sanh tử trong lục đạo, đời này gặp được Phật pháp đã hiểu. Khi hiểu rồi, trên phương diện quan hệ giao tiếp, chúng ta phải hóa giải oán kết này. Hóa giải từ đâu? Hóa giải từ bản thân chúng ta, đừng yêu cầu đối phương, yêu cầu đối phương là sai, quan trọng là bản thân làm như pháp như lý. Lục Tổ Huệ Năng nói rất hay: Người tu đạo thật sự, không thấy lỗi lầm của thế gian, như vậy tâm mới thanh tịnh. Người thế gian có lỗi lầm nghiêm trọng đến đâu, đều không để trong lòng, vì sao vậy? Tuyệt đối không để nó làm ô nhiễm tâm thanh tịnh, không để nó phá hoại tâm cung kính. Chúng ta vẫn cung kính đối với họ, giống như đối với Phật Bồ Tát, giống như đối với cha mẹ vậy. Đây là thật, không phải giả, phải tôn trọng họ. Chịu một chút thiệt thòi, “thiệt thòi là phước”, cổ nhân nói như thế, là thật không phải giả. Vì sao có hiện tượng này? Đương nhiên vì có nhân quả, có thể trong đời quá khứ ta hưởng mất lợi ích của họ, bây giờ ta chịu thiệt vì họ hưởng mất lợi ích của mình. Đó là trả lại cho họ, cần phải hoan hỷ. Người khác mượn tiền mình, ví dụ tôi cho họ mượn tiền, cho họ mượn đồng nghĩa với cho họ, tuyệt đối đừng nghĩ sau này họ phải trả lại, như vậy là sai. Họ trả lại thì rất tốt, không trả ta cũng hoan hỷ, như không có gì xảy ra. Đây là giao tiếp giữa người với người, chỉ bố thí ân đức chứ không kết oán, tuyệt đối không có đối địch. Xã hội hòa thuận, quốc gia an định, thiên hạ thái bình, là đạo lý này tạo nên. Một chút thiệt thòi cũng không chịu, cũng không nhường người khác, điều này thật đáng ngại! Gia đình quý vị không thể thuận hòa, xã hội động loạn, thế giới nguy cơ trùng trùng, đều là nó gây ra.
– HT. Tịnh Không, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa (VLT 11), tập 479.