Chữ “nhất sinh bổ xứ” là một tên riêng của một bậc Bồ Tát ngang hàng với Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Quán Thế Âm, nghĩa là vị ấy chỉ một lần sinh ở đấy là được lên bổ lên ngôi Phật.
Thế thì người dân ở Cực Lạc, hết thảy đều là “người nhất sinh thành Phật”, người nào cũng quyết là thực chứng ngôi “nhất sinh bổ xứ”.
Cho nên, Phật Thích Ca nói rằng: “Trong số những người sinh sang đấy, có rất nhiều người thượng thiện nhân như thế, chẳng khá đếm mà biết được”.
Lại nữa, các thời kỳ giáo hóa trong một đời của đức Thích Ca, chỉ có một thời kỳ nói kinh Hoa Nghiêm là nói rõ cái nghĩa “nhất sinh viên mãn” , thế mà cái mầm nhân để tạo ra cái quả “nhất sinh viên mãn” thì lại chính là 10 nguyện lớn ở trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, là phẩm cuối của bộ kinh ấy, mà rút lại là chỉ đường cho người ta tu về cõi An Dưỡng (là cõi Cực Lạc Tây Phương).
Vả chăng, ngài Phổ Hiền cũng đem phép tu Tịnh Ðộ này mà khuyến tiến các vị Tăng chúng ở hải hội Hoa Tạng.
Than ôi! Cái lệ kẻ phàm phu lên ngôi Bổ Xứ là một khởi xướng luận bàn lạ lắm, cao lắm, chẳng thể suy lường được, là phép dạy tu trong kinh Hoa Nghiêm, lại ở ngay trong bộ kinh này, thế mà thiên hạ xưa nay tin thì ít, nghi thì nhiều, lời càng rậm, nghĩa càng tối; vậy tôi chỉ còn một cách là mổ tim, vẩy máu ra để các ngài rõ mà thôi. Không còn có cách nào hơn nữa.
NAM MÔ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
NAM MÔ ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT
A Di Đà Kinh Yếu Giải – Ngẫu Ích Đại Sư