Có một lần đúng vào lúc bệnh dịch SARS lan tràn khắp thế giới, tôi nghe nói hình như ở Úc Châu có một bài phát biểu cho biết chứng cảm mạo viêm phổi này rất bình thường, nhưng làm cho mọi người hoảng loạn, là do hệ thống truyền thông gây ra. Nếu truyền thông không đăng tin, ai biết? Bởi thế, chuyện này vừa phát sanh, có người đến hỏi tôi, tôi nói chuyện này bình thường, năm nào cũng có. Trời vừa cuối Xuân sang Hạ, hoặc khi cuối Thu chớm Đông, nhằm lúc đổi mùa thì trúng gió cảm mạo, bệnh truyền nhiễm lây lan thường phát sanh trong những lúc ấy, năm nào cũng có. Từ xưa đến nay, trong lịch sử Trung Quốc, ngoại quốc đều ghi nhận, chúng ta thấy rất nhiều, là chuyện rất bình thường. Nay chúng ta học Phật hiểu được đạo lý sau: Tâm thiện, hạnh thiện, ý niệm thiện thì những bệnh khuẩn (bacteria), bệnh độc (virus) ấy ta đều hóa giải được hết.
Lúc đó, tôi cứ tưởng bệnh dịch ấy nhiều lắm chừng một tháng là hết, nếu dài lắm cũng chừng một tháng rưỡi mà thôi, nay nó kéo dài đã hơn ba tháng, là do con người tạo nên như vậy. Từ các thí nghiệm (những bản báo cáo thí nghiệm này do các đồng học hạ tải từ Internet), chúng ta biết là chính mỗi cá nhân chúng ta đã đem những tin tức bất thiện truyền báo cho các vi khuẩn biết, khiến chúng cũng bị truyền nhiễm những ý niệm bất thiện của chúng ta. Chúng ta muốn giết chết, muốn tiêu diệt nó. Lúc truyền cho chúng nó những ý niệm ấy, chúng bèn biến đổi, càng biến đổi càng độc địa hơn. Vì sao? Chúng cũng phải tự bảo vệ mình chứ! Có phải càng thêm phiền phức hay không? Giống như trên thế giới đang chạy đua vũ trang càng ngày càng nghiêm trọng hơn. Nếu chúng ta dùng thái độ rất ôn hòa, thái độ thiện ý để đối xử với chúng, quý vị thấy ở Trung Quốc từ xưa đến nay, đối với những loại virus hoặc những vi khuẩn có chất độc, người Trung Quốc nói “giải độc”, tức là hóa giải! Còn người Tây Dương nói sao? Tiêu độc! “Tiêu” là tiêu diệt, ý niệm khác hẳn nhau!
Bệnh truyền nhiễm này đã phát sanh, đối địch con người, nếu gây chiến với nó thì rắc rối nằm ở chỗ đối lập. Chuyện đối lập phiền phức nhất. Làm thế nào để hóa giải? Đối với đạo lý này, người học Phật chúng ta hiểu rõ lắm: Những bệnh khuẩn (bacteria) này cũng sanh từ tâm tưởng, cũng là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, làm sao có thể vượt ra ngoài tâm tánh cho được? Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến đều là tốt cả. Nói cách khác, nó cũng có quyền sanh tồn, nay chúng ta gọi là “nhân quyền”, vi khuẩn có “khuẩn quyền”, chúng ta phải hiểu điều ấy. Chúng ta phải yêu thương, che chở chúng, chúng ta phải chăm sóc chúng, sanh mạng của chúng không dài! Chúng ta biết thời gian sanh tồn của vi khuẩn chẳng thể lâu hơn mười ngày, sao lại phải hận thù đến vậy? Bởi thế, muốn hóa giải thì phải dùng thiện ý để khen ngợi, chúng nó sẽ bị hóa giải, không tổn thương con người nữa. Điều này thật có lý! Quyết chẳng thể dùng ác ý, quyết chẳng thể đối địch cùng chúng nó.
Như vậy, từ cách đối xử với những vi khuẩn tí ti, chúng ta mở rộng ra đối với hết thảy người, hết thảy thế gian phải nhu hòa, nhẫn nhục như thế nào? Căn bản nhất vẫn là phải ngưng dứt tham, sân, si. Tham, sân, si được gọi là ba độc, điều này tôi đã nói từ lâu. Có người hỏi tôi: “Virus SARS từ đâu mà có?” Tôi bảo người ấy: “Từ ba độc mà có”. Những loài vi khuẩn ấy vốn không độc, vì sao trở thành độc? Là vì tham, sân, si của chúng ta truyền qua chúng, chúng cảm nhận cái độc nên biến thành độc. Chúng ta biến chúng thành độc, chúng lại truyền cái độc ấy cho chúng ta, hai bên cùng bị hại! Hiểu được đạo lý này rồi thì chúng ta hóa giải bằng cách nào? Phương pháp hóa giải thì trước hết là phải hóa giải tham – sân – si, cảnh giới bên ngoài không còn tham – sân – si nữa, ba độc cũng không còn nữa.
Nhưng con người hiện tại chẳng thể tiếp nhận đạo lý này, con người hiện thời tin vào khoa học, chẳng tin Phật học, tin vào những khoa học gia hiện thời, không tin tưởng cổ thánh tiên hiền. Do vậy, tôi thường nói: Ngày nay thế giới loạn như vậy, con người khổ sở như vậy, truy tầm tới cội rễ thì là gì? “Bất thính lão nhân ngôn, ngật khuy tại nhãn tiền” (Chẳng nghe lời người xưa, chịu thiệt thòi trước mắt). Kinh nghiệm và trí huệ của cổ thánh tiên hiền được tích lũy trong ngàn vạn năm, quý vị coi không đáng một đồng ư? Dùng bốn chữ “không hợp khoa học” để sổ toẹt hết thì quý vị phải chịu khổ, phải mắc nạn. Bởi thế, người thầy thuốc – thầy thuốc Tây phương hiện thời tôi không biết rành lắm – tôi biết thầy thuốc thời cổ Trung Quốc, tức Trung Y, hầu như trong nhà mỗi thầy thuốc đều thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, phổ biến nhất! Nhà nhà Quán Thế Âm Bồ Tát, thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, học theo hạnh đại từ đại bi của Quán Thế Âm Bồ Tát. Đúng là từ bi cứu thế, ôm tấm lòng cứu người, chẳng vì danh lợi của chính mình, chẳng phải vậy! Vì cứu người mà thôi!
(Trích: Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký, tập 22)