Đức Phật vì sao nói chúng ta bị mê? Vì chúng ta coi nó là thật, thực sự đã quên mất, thiệt thòi chính tại đây, cho nên không có năng lực biện biệt chân vọng, chân tâm vọng tâm hiểu không rõ ràng. Có thể nói vô lượng kiếp đến nay đều coi vọng tâm là chân tâm. Đây chính là si, ngã si. Coi thân thể này là chính mình, đây là ngã kiến. Người tu hành đoạn phiền não điều đầu tiên phải phá thân kiến. Quí vị thấy trong kiến tư phiền não, kiến hoặc, thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến, thì thân kiến xếp vào vị trí số một. Người thực sự giác ngộ hiểu được, thân không phải là chính mình, không phải là ta. Thân là gì? Thân là sở hữu của ta, cũng giống như y phục vậy. Y phục không phải là ta, y phục là sở hữu của ta. Cho nên xả thân thọ thân sẽ vô cùng dễ dàng. Xả thân, y phục dơ rồi, cởi bỏ là được, không có một chút đau khổ nào, đổi một cái khác là được rồi. Quí vị thấy người hiện tại tham sống sợ chết, cởi bỏ một cái áo mà buồn chết đi được. Không biết thân này không phải là chính mình. Điều đầu tiên phải phá là thân kiến. Nói cách khác, không thể yêu mến thân thể này quá. Đương nhiên cũng không nên ruồng bỏ cái thân thể này. Ruồng bỏ thân thể này là sai lầm, yêu mến cũng là sai lầm.
Tất cả đều tùy thuận tự nhiên là đúng, quí vị liền được đại tự tại. Tạo tác tội nghiệp đều là vì cái thân thể này, muốn dưỡng thân thể này, làm cho thân thể thoải mái, làm cho thân thể tự tại, tạo nên vô lượng vô biên tội nghiệp. Đây là gốc của họa. Có ngã nhất định liền có mạn, ta luôn cao hơn người khác một bậc, người khác luôn không bằng mình, người ta có bản lĩnh, điểm kia mạnh hơn tôi, ngoài ra cũng còn chỗ khác không bằng tôi. Quí vị mới hiểu ngã mạn phiền não được nó sâu biết bao. Nhà Nho dạy người “ngạo bất khả trưởng”, Phật Pháp dạy người nhất định phải đoạn phiền não. Vì sao vậy? Vì không đoạn phiền não không thể ra khỏi tam giới, chẳng những không thể ra khỏi tam giới, chư vị nếu đọc kinh giáo nhiều hơn quí vị sẽ rõ ràng thôi, quí vị có ngạo mạn trong đó, thì sắc giới thiên không thể đến được. Quí vị xem xem kinh luận Đại Tiểu thừa, sơ thiền trở lên mạn sẽ không còn nữa, cho nên chúng ta vẫn còn tập khí kiêu mạn, thì tu hành như thế nào, tu tốt hơn nữa, sanh thiên cũng chỉ có thể ở dục giới thiên, sắc giới thiên chưa có phần. Sắc giới thiên chưa có phần, chứng tỏ quí vị tu thiền định sẽ không thể thành công.
Từ đó có thể biết, mạn là đại chướng ngại của thiền định. Sanh sắc giới, chư vị nên biết, nhất định đắc thiền định, thiền định thành tựu, sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, thiền định thành tựu. Từ đây chúng ta mới tỉnh ngộ, tâm ngạo mạn chướng ngại thiền định, tâm của quí vị không đạt được thanh tịnh, quí vị có tâm cao thấp, điều này phải đoạn, phải tu tâm bình đẳng, tâm bình đẳng không dễ dàng tu, trước hết tu tâm khiêm hạ, đối với tất cả mọi người đều khiêm tốn khiêm hạ. Vì sao lại tu cách như vậy? Phá trừ ngã mạn. Nhà Phật lễ lạy vì sao phải năm vóc sát đất? Phải hành lễ tiếp túc? Để phá trừ ngã mạn. Dùng cái đầu tôn quý nhất của mình đảnh lễ chân đối phương, chân thấp hèn nhất. Dụng ý là phá trừ ngã mạn.
Lúc hành lễ chúng ta ở trong Lục Tổ Đàn Kinh thấy, người học thăm viếng Lục tổ đại sư, lúc lễ bái đầu không sát xuống đất, Lục tổ nhìn thấy tình hình này, sau khi đứng dậy liền hỏi ông ấy, ông nhất định có điểm đáng để tự hào, ông có điều gì đáng tự hào? Đầu không sát đất. Vừa hỏi vậy quả nhiên hỏi ra được rồi, ông ấy đọc qua ba ngàn bộ Kinh Pháp Hoa, đáng để tự hào, người khác không có công lực này, là thiền sư Pháp Đạt. Cho nên quí vị có điểm để kiêu ngạo, quí vị nhất định cảm thấy bản thân về phương diện nào đó có sở trưởng, người khác không bằng quí vị, quí vị sanh tâm ngạo mạn. Thực sự mà nói còn có rất nhiều người bản thân đích thực không có sở trường gì, tâm ngạo mạn từ đâu mà có? Ti mạn. Chỗ không bằng người sanh khởi tâm ngạo mạn, là ti mạn. Cho nên mạn có rất nhiều loại, rất nhiều chủng loại, chúng ta phải hiểu được. Nhất định phải nhổ trừ nó.
(Trích: Kinh Địa Tạng Huyền Nghĩa, tập 23)