Chúng ta học Phật thì phải noi theo Phật Thích Ca Mâu Ni. Chúng ta hiến thân phụng sự cho giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, thì chúng ta cũng phải học tập giống như Phật Thích Ca Mâu Ni làm một người dạy học nghĩa vụ. Cho nên, làm người thì không thể không học Phật.
Học Phật không xảy ra xung đột với tín ngưỡng tôn giáo. Lời nói này có lẽ là vào 30 năm, 40 năm trước, tôi đã nói tại Đại học Bổ Nhân. Tôi còn nhớ, khi tôi nói chuyện tại Đại học Bổ Nhân, người ngồi ở hai hàng ghế phía trước là các cha xứ và sơ, ngồi phía sau là sinh viên của trường họ. Tôi nhìn thấy nhiều cha xứ như vậy thì rất hoan hỷ. Tôi nói với họ: “Các bạn với Thượng đế là quan hệ cha con, các bạn đến học Phật thì các bạn với Phật Thích Ca Mâu Ni là quan hệ thầy trò, không hề có xung đột. Ở nhà có cha mẹ, đến trường thì có thầy, đâu có gì là xung đột?”.
Tôi cũng đặc biệt khuyên họ, nhất định phải cố gắng học theo Phật Thích Ca Mâu Ni, nếu không thì Thượng đế sẽ rất cảm thán: “Con cái của ta được lắm, rất tốt, nhưng đáng tiếc là không được đi học”, thì Thượng đế cũng rất xấu hổ. “Nếu như bạn học Phật, thì Thượng đế sẽ cảm thấy rất vinh dự, con cái của Ngài là học trò của Phật Thích Ca Mâu Ni – người có trí tuệ nhất, Ngài cũng thấy vẻ vang”. Tôi nói xong, mọi người trong giảng đường đều cười vang. Hôm đó các đồng tu nói với tôi, những cha nhà thờ này yêu cầu tôi ở lại thêm nửa giờ, họ muốn hỏi một số vấn đề. Sau khi tôi giảng xong thì không còn vấn đề nào nữa. Cho nên, Phật giáo là nền giáo dục cứu cách viên mãn. Bất kỳ tín đồ tôn giáo nào cũng cần phải nên học Phật, đây là nền giáo dục trí tuệ, không có trí tuệ không thể giải quyết vấn đề.
Thật sự Thượng đế không phản đối học Phật. Chúng ta thấy trong kinh điển, Thượng đế thường hay mời Phật, Bồ-tát đến thiên cung để giảng kinh thuyết pháp. Cho nên tôi nói, hiện nay bạn không học Phật cũng không sao cả. Bạn cố gắng tu cho tốt pháp môn của bạn đi, tương lai bạn thật sự đến thiên đường rồi thì thượng đế của bạn mời Phật Bồ-tát giảng kinh, bạn đến nghe cũng vậy thôi, cũng tốt thôi. Bạn không đến được thiên đường thì bạn đã bỏ lỡ cơ hội này của bạn rồi.
Cho nên, chúng ta phải rõ lý, phải nhận thức Phật giáo, phải gánh vác sứ mệnh giáo học, phải làm tấm gương tốt cho đại chúng xã hội thấy. Nếu như chúng ta không thể làm tấm gương tốt, thì chúng ta là tội nhân của Phật Bồ-tát, là tội nhân của tổ sư đại đức. Chúng ta có lỗi với bản thân, cũng có lỗi với xã hội. Bạn không có cơ duyên tiếp xúc được Phật pháp, thế thì khỏi phải bàn đến, nhưng tiếp xúc được rồi thì chúng ta sẽ có tính sứ mệnh.
(Trích: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo giảng giải, tập 25)