“Phàm phu đới nghiệp”, nên biết chúng ta chính là phàm phu, chúng ta không phải là thánh nhân, chẳng những không có phần của đại thánh, mà tiểu thánh cũng không có luôn. Tiểu thánh mà chúng ta còn chưa đạt được, từ điểm này chúng ta cảm nhận sâu sắc, và cũng vô cùng hổ thẹn. Học Phật cách nào? Đầu tiên phải trì giới, không trì giới thì chẳng có căn, cho nên người tại gia học Phật có 3 căn, người xuất gia học Phật có 4 căn. Thứ hai phải tu tập, phải thật sự tu tập, bạn mới thành tựu được. Thật sự tu tập, chúng ta đới nghiệp cầu vãng sanh, đó chính là cần phát nguyện, cần niệm Phật. Ba điều kiện, tín- hạnh- nguyện, bạn phải có đầy đủ. Chân thật phát nguyện, nguyện này làm sao mà có? Biết được thế gian này là khổ, khổ không nói hết, biết được khổ, chúng ta mới phát nguyện thoát ly khỏi thế giới này, thế giới này có quá nhiều thứ cám dỗ, tài sắc danh thực thùy ngũ dục lục trần cám dỗ, biết được khổ là không bị cám dỗ. Nếu tôi muốn được những sự hưởng thụ của thế gian, thì chính mình nên nghĩ xem, phải trả giá như thế nào? Có đáng không? Không đáng! Tuy làm đến bậc Quốc Vương ở trên thế gian này. Người ta thường nói rằng: ” quí vi thiên tử, phú hữu tứ hải”, bạn có thể hưởng thụ được mấy năm? Đại khái trong lịch đại đế vương, người hưởng thụ lâu nhất không ai ngoài Khang Hy. Khang Hy làm hoàng đế 61 năm. Vua Càn Long không dám vượt quá ông mình, nên làm 60 năm, đem vương vị giao cho con trai, còn bản thân làm Thái thượng hoàng 4 năm rồi cũng ra đi. Cho nên bạn nghĩ xem, có thể hưởng thụ bao lâu? Sau khi hưởng hết phước báu thì đi về đâu? Không ra khỏi luân hồi lục đạo. Đã không ra khỏi luân hồi lục đạo, thế thì có thể đoán biết được, đời này qua đời khác, chúng ta nói kiếp, kiếp này qua kiếp khác, đó là sự thật. Đó chính là cái giá mà bạn phải trả, tạo phước bao nhiêu đời, mới có được một đời làm đế vương, một đời hưởng hết phước rồi, lại phải đọa lạc bao nhiêu đời nữa, hà tất phải như vậy? Đây là việc chúng ta phải nhìn thấu hiểu rõ.
Trích Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 031.
Chủ giảng: Đại Lão Pháp Sư Tịnh Không.