Chúng ta xem tiếp đoạn văn sau: “Như kinh này nói, đương lai tất cả hàm linh đều y theo pháp này mà được độ thoát”. Trong kinh này Đức Thế Tôn nói với chúng ta, đương lai là tương lai, sau khi Đức Phật diệt độ đều gọi là tương lai, cho đến khi pháp vận của Đức Thế Tôn bị hủy diệt khỏi thế gian. Thời gian này trong kinh có nói là 12000 năm. Chánh pháp của Phật là 1000 năm, tượng pháp 1000 năm, mạt pháp 10000 năm, tổng cộng là 12000 năm, đây là pháp vận của Đức Thế Tôn.
Nếu dùng cách nói hiện nay, tầm ảnh hưởng dạy học của Đức Thế tôn. Về không gian, tầm ảnh hưởng của ngài đến toàn địa cầu, Phật giáo biến khắp toàn cầu. Về mặt thời gian mà nói, ảnh hưởng của ngài là 12000 năm. Ở trước chúng ta đọc chú giải của Hoàng Niệm Tổ, dẫn chứng lời trong Kinh Nhân Vương, lời đó cũng là Đức Phật nói, nói đến thời chánh pháp, tượng pháp, mạt pháp của Phật. Nói rất hay, rất có lý!
Pháp vận của đức Phật làm gì có chuyện thắng hay liệt, không có. Phật pháp là pháp bình đẳng, sự thù thắng hay suy diệt của pháp hoàn toàn do con người, đạo lý này là thật. Đức Phật đã nói, đầy đủ ba điều kiện nghĩa là chánh pháp, bất luận là lúc nào. Có người giảng kinh, có người tu hành, có người chứng quả, đây là thời chánh pháp. Có người giảng kinh, có người tu hành, không có người chứng quả, gọi là tượng pháp. Có người giảng kinh, không có người thật sự tu hành, hoan hỷ khi nghe kinh nhưng không chân tu, đương nhiên không có chứng quả, đây gọi là mạt pháp. Đến lúc không có người giảng kinh, thì gọi là diệt pháp. Kinh tuy vẫn còn, nhưng không ai học, Phật pháp sẽ diệt. Cách nói này trong Nhân Vương Kinh rất hay!
Theo cách nói 12000 năm này, chúng ta sống vào thời mạt pháp, nhưng ngày nay chúng ta đang học tập, đời này thật sự vãng sanh, đó là chánh pháp trong thời mạt pháp. Vãng sanh là chứng quả, sanh đến thế giới Cực Lạc đều làm Bồ Tát A Duy Việt Trí, đây là đại thừa diệu quả. Chúng ta đọc đến đoạn kinh văn này đều là do Đức Phật nói, ngài đang động viên chúng ta, khuyến khích chúng ta, khen ngợi chúng ta. Chúng ta tuy ở trong thời mạt pháp nhưng có thể thành tựu, có được thành tựu của chánh pháp, điều này quá thù thắng. Tuy hiện nay là mạt pháp, nhưng khu vực này đến một người giảng kinh cũng không có, nó sẽ biến thành diệt pháp. Cũng may hiện nay chúng ta dùng những công cụ khoa học, khiến cho toàn bộ địa cầu không đến nỗi đi đến mức độ diệt pháp. Vệ tinh, mạng internet, lúc nào cũng có thể xem được kinh điển.
Trong hoàn cảnh trước mắt, chúng ta biết đào tạo nhân tài giảng kinh thuyết pháp là điều quan trọng nhất, nếu không có người giảng kinh, pháp sẽ diệt. Hiện nay vẫn còn công cụ khoa học, phải tận dụng nó tối đa. Lợi dụng nó để hộ trì chánh pháp, tu đại công đức. Không chấp tướng là công đức, chấp tướng lại đại phước báo, là lợi ích của thế gian. Không chấp tướng, đem công đức này hồi hướng cầu sanh Tịnh độ, đó là đại công đức, quả báo thù thắng không ai có thể tưởng tượng được.
Quý vị xem Phật pháp sắp diệt, nếu họ có thể phát tâm làm công việc này để cứu vãn. Bất luận tâm của họ là tà hay chánh, họ cũng đã cứu được Phật pháp, công đức thật không thể nghĩ bàn. Đó là phát tâm bất chánh, sao gọi là bất chánh? Vì tự tư tự lợi, vì danh văn lợi dưỡng của mình, phước đức cũng rất nhiều, vì sao vậy? Vì họ đã cứu lấy Phật pháp. Phật pháp có truyền thừa, không những người bây giờ được lợi ích, nếu truyền thừa được từ đời này qua đời khác, thì công đức này vô cùng lớn. Ngoài Phật giáo ra thì Nho Đạo cũng rất đáng nể. Gặp được người có nhân duyên này, đúng như cổ nhân nói: Vì kế thừa tuyệt học của các bậc thánh hiền, vì vạn thế mở thái bình. Đây đều gọi là hạnh phổ cứu tất cả thế gian, trong kinh nói là “hạnh cứu thế”. Đem công đức này hồi hướng Tịnh độ, làm gì có chuyện không vãng sanh! Không muốn vãng sanh Tịnh độ, ở thế gian này là đại phước báo, phước báo này tuyệt đối không thể hưởng hết trong một đời. Phước báo lớn này giống như các đế vương thời cổ đại, phải truyền mấy mươi đời.
Ở Trung quốc truyền thừa lâu nhất là thời nhà Chu, nhà Chu truyền được 37 đời, 867 năm. Ngày nay nếu có thể kế thừa tuyệt học của Nho Thích Đạo, phước báo của họ không thua gì nhà Chu.
Đối với thánh giáo chướng ngại, lơ là, khiến nó tuyệt diệt trong thế gian, tội này vô cùng nặng! Từ trên mặt phản diện để suy xét sẽ hiểu, quả báo này ở trong địa ngục vô gián. Hồi tưởng lại bản thân chúng ta, đời này ba nghiệp thân khẩu ý chúng ta tạo ra, là đang hưng Phật pháp hay là đang diệt Phật pháp? Điều này không thể không biết. Nếu là hưng Phật pháp, nghĩa là giúp Phật pháp thường trú, công đức này rất lớn. Còn nếu diệt Phật pháp, tội đó quả là sâu dày, thật đáng sợ. Điều này trong lòng mỗi người chúng ta phải rõ ràng minh bạch. Nếu có tội, nhất định phải nương vào pháp này để tiêu tai diệt tội.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 593)