(Bất luận chí tâm hay tán tâm, hữu tâm hay vô tâm, hiểu hoặc chẳng hiểu, chỉ cần danh hiệu Di Đà, hoặc danh hiệu của chư Phật trong sáu phương và tên gọi kinh này, vừa nghe thoảng qua tai, giả sử ngàn vạn kiếp sau, rốt ráo sẽ do điều này mà được độ thoát). “Chí tâm” là nhất tâm, chân thành tâm. “Tán tâm” là có xen tạp. Bất luận hữu tâm hay vô tâm, hiểu hoặc chẳng hiểu, chỉ cần nghe được một tiếng Phật hiệu hoặc tựa đề kinh, liền gieo được hạt giống thành Phật, trong tương lai sớm muộn gì cũng có thể bước vào cửa Phật, tu hành, chứng quả. Kinh Pháp Hoa chép: Khi đức Phật tại thế, có một cụ già muốn theo Phật xuất gia. Những đệ tử Phật đã chứng A La Hán, có Túc Mạng Thông biết được quá khứ, vị lai, quán sát thấy cụ già ấy trong năm trăm đời chẳng có thiện căn nên không chịu thu nhận. Cụ già buồn khóc, chẳng chịu bỏ đi. Đức Phật trông thấy, liền kêu cụ già lại, cho cụ xuống tóc. Đức Phật bảo các đệ tử: Trong vô lượng kiếp trước, cụ già này làm tiều phu, lên núi đẵn củi, gặp một con mãnh hổ, bí quá, trèo lên cây, vô tình kêu lên một tiếng “Nam Mô Phật”. Có nhân duyên như vậy, đời này cơ duyên chín muồi, phát tâm xuất gia. Cụ già ấy về sau chứng quả A La Hán.
“Nhất sanh bổ Phật, thị Vị Bất Thoái, tức dĩ viên chứng tam Bất Thoái” (trong một đời được bổ xứ thành Phật, là Vị Bất Thoái, tức là đã chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái). Mấy câu này hết sức trọng yếu, ắt phải ghi nhớ thật kỹ. Không những chính mình sẽ có thể thật sự phát khởi nguyện vọng cầu sanh Tịnh Độ, mà còn có thể giải đáp cho không ít người nghi hoặc. Những điều này là sự thù thắng tối cực, các pháp môn khác không có sự nhanh chóng như thế này. Như các kinh Đại Thừa, Tiểu Thừa thường giảng, sau khi chứng được quả Tu Đà Hoàn phải trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp hoặc vô lượng kiếp mới có thể thành Phật, chẳng thể nào thành tựu ngay trong một đời. Chỉ riêng pháp môn Niệm Phật, trong một đời sanh về thế giới Cực Lạc, liền ở cùng một chỗ với các vị Bổ Xứ Đẳng Giác Bồ Tát, cũng đồng thời chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái. Trong thế giới Sa Bà, chứng Vị Bất Thoái là Tiểu Thừa Tu Đà Hoàn, chứng Hạnh Bất Thoái là Đại Thừa Bồ Tát, chứng Niệm Bất Thoái là Pháp Thân đại sĩ, phân định rất rành mạch. Hễ sanh về Tây Phương thế giới liền hoàn toàn chứng được [cả ba thứ Bất Thoái này].
Cuối cùng, Ngẫu Ích đại sư khích lệ chúng ta. Trong hết thảy kinh luận được đức Phật giảng trong bốn mươi chín năm đều không có thuyết “chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái”, trong mười phương thế giới của chư Phật cũng không có tình trạng này. Ngài lại dùng Thiền Tông để so sánh. Thiền Tông là đốn ngộ, nhưng chẳng thể đoạn sạch tập khí phiền não ngay trong một đời, phải đời đời kiếp kiếp chẳng lui sụt [thì mới hòng đoạn sạch]. Trong Thiền Tông, sau khi triệt ngộ, đời đời chẳng lui sụt chẳng phải là chuyện dễ dàng. Trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, những vị đại triệt đại ngộ bên Thiền Tông, đến đời sau bị thoái chuyển rất nhiều. Có một câu chuyện rất nổi tiếng là Tam Sanh Thạch (hòn đá ba đời) kể về thiền sư Viên Trạch. Sư có thể biết quá khứ và vị lai, vẫn chẳng thể tránh khỏi đời sau đầu thai. May mắn là Sư chẳng bị mê khi cách ấm, nhớ được chuyện đời trước, nhưng vẫn phải luân hồi để tiếp tục tu. Khi thay đổi thân thể này, Sư chẳng có cơ hội ở cùng một chỗ với các vị đại Bồ Tát, mà cũng chẳng thể viên chứng ba thứ Bất Thoái. Bởi lẽ, trong Thiền Tông, hễ có tu trì thì trong đời thứ hai sẽ có phước, có huệ, có thể sẽ là đại phú, đại quý, rồi lại đầu thai, càng đầu thai, càng mê, tình cảnh mỗi ngày một tệ hơn. Đấy chính là nguyên nhân vì sao để thành Phật phải mất vô lượng kiếp.
(PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ KINH YẾU GIẢI GIẢNG KÝ – PHẦN 2 – Pháp sư Tịnh Không giảng thuật )