Ngày nay chúng ta không cần nói hoa mĩ suông, không cần nói quá cao, quá huyền, cái đó không có lợi ích, không sát thực tế. Môi trường chúng ta sống hiện nay là gì? Trước mắt chúng ta là trình độ như thế nào? “Pháp” nhất định phải khế hợp căn cơ trước mắt thì chúng ta mới có thể có được sự thọ dụng chân thật. Trong kinh nói mấy câu này rất nghiêm trọng, chúng ta phải cảnh giác. “Không tu thập thiện, chuyên tạo ác nghiệp”, hai câu nói này là nói tổng quát. Dưới đây đem thập ác nêu ra, sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, tham, sân, si (tà kiến là si). Đây là đem mười nghiệp ác nói ra, chúng ta nhất định phải cảnh giác. Mười nghiệp ác này chúng ta có hay không? Thực tiễn vào trong hành vi đời sống, Phật nói: “Bất hiếu phụ mẫu, bất kính tam bảo”. Đây là căn bản xử thế của con người.
Giáo dục của nhà Nho, nhà Phật đều là lấy “Đạo hiếu” làm cơ sở, đến mục tiêu cuối cùng cũng chỉ là hoàn thành đạo hiếu. Cái ý này chúng tôi ở trong các buổi giảng nói rất nhiều rồi. Chúng ta đối với hai chữ “hiếu kính”, quả thật mà nói là không hiểu. Đây cũng khó trách! Tại sao không hiểu vậy? Không có người dạy thì bạn làm sao mà biết được?
Phật nói trong kinh, chúng sanh cõi Diêm Phù Đề nhĩ căn nhạy nhất; thấy hiểu, điều này khó, không dễ; nghe thì dễ hơn nhiều, vì nhĩ căn nhạy. Thế nhưng trong đời này không có duyên phận gặp được thiện tri thức, không có người đem những sự việc này giảng rõ ràng, giảng minh bạch cho chúng ta, cho nên chúng ta căn bản là không biết.
“Hiếu thân, tôn sư”, nhận thức bốn chữ này, cách giảng như thế nào còn không biết thì làm sao mà bạn biết làm được? Kinh Địa Tạng chúng tôi đã giảng qua. Quả thật mà nói, mỗi lần giảng kinh gặp phải những kinh văn này chúng tôi đều giảng tỉ mỉ. Hy vọng các đồng tu chúng ta huân tập thật nhiều, sau đó mới có thể thật sự ở trong đời sống hành trì đề cao sự cảnh giác của mình, khích lệ mình nghiêm túc nỗ lục tu học.
Trong kinh văn nói: “Bất hiếu phụ mẫu, bất kính Tam bảo”, “Cánh tương phẫn tranh”, đây là đạo lý tất yếu, đây chúng ta gọi là đấu tranh kiên cố. Mọi người đều chấp trước tà kiến của mình, người thế gian chúng ta gọi là thành kiến. Trong kinh Phật nói, mỗi người có kiến giải của mình, đôi bên kiến giải không giống nhau liền khởi tranh chấp. Người tranh với người, nước tranh với nước, vậy thì có nguy không!
(Trích: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, tập 7)