Khi học Phật bạn đã được Phật Bồ Tát an bài, sắp xếp lo liệu sẵn, ngay cả chư thiện thần cũng thường theo hộ vệ bạn, vậy tại sao bạn chẳng tin việc này còn tự đi làm những việc phan duyên?
Chư vị đồng tu phải biết xã hội hiện nay người tạo ác nhiều, người làm việc thiện ít, thí dụ có một, hai người làm việc thiện, thiên thần hộ vệ sẽ đặc biệt nhiều; trước kia người thiện nhiều, thiên thần chia nhau hộ trì người hành thiện, số thiên thần hộ trì [cho mỗi người] sẽ không nhiều; hiện nay người ta đều làm ác, chỉ có một, hai người thiện, tất cả những thiên thần đều đến hộ vệ bạn (người thiện này). Thiệt đó, chẳng phải giả, [vậy thì] tại sao lại không tu thiện? Tại sao lại tạo ác? Chúng ta dứt ác tu thiện, không cầu Bồ Tát, không cầu Phật, cũng không cầu thiên thần, chư Phật tự nhiên hộ niệm, thiên thần tự nhiên hộ vệ, đâu cần chúng ta cầu họ! Chỗ này nói tin Phật quá khó, hiện nay người thế gian học Phật chẳng tin Phật, tại sao chẳng tin Phật?
Ðặc biệt là người xuất gia, Phật dạy chúng ta vạn duyên buông xuống, tất cả đều phải xả bỏ thì ngày mai làm sao sinh sống? [Nếu hỏi như vậy thì chính là] không tin Phật. Nếu bạn là người xuất gia chân chánh, tâm địa thanh tịnh, chẳng có một chút tâm mong cầu, đối với hết thảy pháp trong thế gian này chẳng phan duyên, nếu bạn bị đói chết, lạnh chết, nói cho chư vị biết tất cả thần hộ pháp đều phải bị cách chức và bị tra hỏi, đó là thật chẳng phải giả đâu. Nhưng mọi người chẳng tin tưởng, tự mình vẫn muốn phan duyên, tự mình làm, thần hộ pháp nhìn thấy bèn rất thích thú vì được tự tại, [họ nói:] “Ðược lắm, tôi chẳng cần lo nữa”, họ rất nhàn hạ, tự tại.
Có một năm tôi tại Cơ Long (Kuala Lumpur) Thập Phương Ðại Giác Tự, lão hòa thượng thỉnh tôi giảng kinh Lăng Nghiêm nhằm lúc an cư mùa hạ. Giảng đường ở kế bên điện Vi Ðà, tôi nói với mọi người, quý vị phải tin tưởng, đừng phan duyên, cứ ở trong chùa tu hành đàng hoàng, đừng làm Kinh Sám Phật sự, cũng đừng làm pháp hội, [nếu quý vị] đói chết, Bồ Tát Vi Ðà sẽ bị cách chức và bị tra hỏi, đâu có đạo lý ấy! Thế nên nói cả người xuất gia cũng chẳng tin Phật, thì bạn làm sao dạy cho đại chúng tin Phật! Chẳng có đạo lý này. Nếu chúng ta thật sự tin tưởng thì không sợ, Phật, Bồ Tát bảo hựu [lo lắng], thần hộ pháp hộ vệ, có thể đói một, hai bữa cũng chẳng sao, tuyệt đối sẽ chẳng bao giờ chết đói; chịu lạnh một chút, sẽ chẳng lạnh chết, ngài (thần hộ pháp) nhất định sẽ đến.
Nhất định phải có lòng tin, như vậy mới gọi là học Phật, mới gọi là chân chánh tin Phật; những gì bạn cần, khi nhân duyên chín muồi những gì mong cầu đều nhất định sẽ đến. Đạo lý này là do Chương Gia đại sư truyền dạy cho tôi, tôi có lòng tin đối với Ngài, Ngài chẳng lừa gạt tôi. Lúc đó đời sống của tôi vô cùng gian khổ, chẳng có tiền để cúng dường Chương Gia đại sư, tôi chẳng có khả năng ấy; Ngài biết, chẳng trách tôi, đối với tôi rất tốt, vô cùng từ bi, lo lắng. Mỗi tuần tôi gặp Ngài một lần, lúc đó tôi phải đi làm, mỗi ngày chủ nhật gặp Ngài, xin Ngài chỉ dạy. Ngài cho tôi hai giờ đồng hồ mỗi tuần, lúc nào bận thì cho một giờ. Nếu một tuần, hai tuần tôi chẳng đến gặp, Ngài đều phái người kiếm tôi hoặc gọi điện thoại hỏi tôi: “Tại sao không đến? Có bị bịnh gì không?” Vô cùng quan tâm, chăm sóc, lòng thương mến đó làm cho tôi không thể không đi.
Ðây là lời Ngài dạy tôi: “Trong nhà Phật, có cầu ắt ứng”, nếu bạn cầu không được là vì bạn có nghiệp chướng, khi nghiệp chướng tiêu trừ hết thì sẽ chẳng bao giờ không có cảm ứng. Nhưng nhất định phải cầu đúng như lý, như pháp, nếu bạn dùng tham – sân – si để cầu thì Phật, Bồ Tát sẽ chẳng giúp bạn tăng thêm tham – sân – si, sẽ chẳng giúp bạn tạo ác nghiệp. Nếu bạn thật sự làm việc thiện, vì chúng sanh, Phật, Bồ Tát cảm ứng đạo giao; nếu vì mình thì không được, nhất định sẽ chẳng có cảm ứng. Nếu vì mình mà có cảm ứng thì đó là Tà ma; Ma thúc đẩy dục vọng của bạn, giúp bạn làm việc xấu. Phật, Bồ Tát sẽ chẳng giúp người đi làm chuyện ác, chỉ cho bạn thiện duyên chứ chẳng cho bạn ác duyên.
Do đó có thể biết phàm những gì tăng trưởng dục vọng của chúng ta, tăng trưởng tham – sân – si, tự mình phải có cảnh giác cao độ, đó là ác duyên chứ chẳng phải thiện duyên. Nhưng khi người gặp được duyên này, chẳng bao giờ không ưa thích, không đọa lạc, không bị ma quỷ gạt, lọt vào vòng tay của ma, chúng ta phải có tâm cảnh giác cao độ về chuyện này. Thế nên lúc trẻ tuổi thân cận thiện tri thức rất tốt, gốc rễ đã được vun bồi, khi xử sự, đãi người, tiếp vật cả đời đều có tâm cảnh giác cao độ. Chúng ta muốn được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần hộ vệ thì phải học từ chỗ này.
(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký, tập 6)