Người xưa nói qúi tướng, phước tướng. Chữ phước tướng này là rất có đạo lý. Tướng mạo là phước báo, thể chất cũng là phước báo. Trong kinh luận duy thức nói với chúng ta, mọi người chúng ta đều đến đầu thai ở cõi người, ở trong giai đoạn này, ở trong khu vực này, chúng ta chung sống với nhau, ai cũng đều được thân người. Đây là dẫn nghiệp dẫn đường chúng ta đến cõi này để đầu thai. Nghiệp lực có hai loại, đây là thuộc về dẫn nghiệp. Mọi người chúng ta giống nhau, đều đến cõi người để đầu thai, được thân người, nhưng thân thể mà mỗi người chúng ta có được đều khác nhau, thể chất (tức là nói mức độ sức khỏe) không giống nhau, thọ mạng dài ngắn khác nhau, diện mạo màu da không giống nhau, hưởng thụ đời sống không giống nhau, những thứ này gọi là mãn nghiệp.
Mãn nghiệp là quả báo của tạo thiện, tạo ác trong đời quá khứ. Nếu như trong đời quá khứ thiện nhiều ác ít, thì mãn nghiệp của chúng ta sẽ thù thắng. Phật nói với chúng ta quả báo của bố thí, bố thí tài được giàu có, bố thí pháp được thông minh trí tuệ, bố thí vô úy được sức khỏe trường thọ, chúng ta liền biết được mãn nghiệp được tạo nên như thế nào. Người này có tiền, rất giàu có là do trong đời quá khứ họ thí tài nhiều, trong đời này họ được quả báo giàu có. Nếu như họ bố thí rất thoải mái, bố thí rất hoan hỷ thì của cải trong đời này họ sẽ có được rất dễ dàng. Bất kể là họ làm trong ngành nghề nào cũng rất nhanh, không cần tốn nhiều công sức gì cả nhưng kiếm được rất nhiều tiền, đây là mãn nghiệp của họ. Nếu như bố thí rất miễn cưỡng, sau khi bố thí rồi lại hối tiếc, họ vẫn có phước báo, nhưng kiếm tiền rất vất vả. Cho nên nhân và quả nhất định tương ưng, không một mảy may sai lệch. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này, sau đó mới biết mình phải tu tích như thế nào.
(Trích trong Kinh Vô Lượng Thọ giảng lần 10-đĩa 106).