TT.Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã quang lâm pháp tòa thuyết giảng đề tài “Thanh thản và siêng năng”, với sự tham dự trên 1500 phật tử đến từ các tỉnh thành.
Giữa thế gian xô bồ, đầy sự hơn thua, thù hận, khổ đau, chúng ta tìm được ánh sáng chân lí từ nơi đức Phật. Bước vào chính đạo của Ngài để được nghe và học những điều ngược lại, đó là không có gì hơn thua, không bon chen, không sân hận, không giành giật. Và ta càng thấy rõ điều đó hơn khi đi trên con đường Phật dạy, thấy được cả sự hạnh phúc, bình an trong lòng mình, thấy đây rõ ràng là chân lý.
Trong cái năng động, náo nhiệt của thế giới, lại có một con đường hư vô, tĩnh lặng, bình an cho ta nương náu thì rõ ràng Phật đang cho ta một lối đi để thoát khổ. Càng đi sâu vào đạo Phật thì ta càng nghe giáo lý của sự tĩnh tại càng nhiều nhất là tụng Bát Nhã Tâm Kinh.
Đọc Bát Nhã Tâm Kinh ta thấy cả bài toàn chữ “vô” và chữ “không”. Chính nhờ chữ “không” đó mà Phật đắc đạo. Rồi khi gặp các thiền sư, nghe các Ngài kể về cuộc đời hư vô, tĩnh tại, coi tất cả như không; hay nghe chuyện về Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma 9 năm ngồi ngoảnh mặt vô vách, tĩnh tại hoàn toàn, mở ra cả một dòng thiền cho Đông Độ; hoặc trong cuộc sống đời thường, khi gặp chuyện phiền não, các thầy dạy ta hãy buông xả, xem tất cả là vô thường, mộng huyễn, bởi mọi hiện tượng, sự vật trên cõi đời này đều thay đổi, biến thiên theo thời gian. Nhờ quán chiếu như vậy mà ta tiếp tục đi tới, tiếp tục tu tập.
Trong đạo Phật, ai mà biểu lộ được bản lĩnh của sự tự tại, bất động trong mọi hoàn cảnh, đó là người đạo cao, đức lớn. Ngược lại, người nhỏ hẹp, kém cỏi, tâm loạn động thường loay hoay, phiền muộn. Tuy nhiên, theo đạo Phật, ta chọn con đường bất động, an nhiên, thanh thản để đi giữa thế gian đầy phiền động, tranh đấu. Căn bản của chân lí là vậy.
Ngày nay, chân lý của sự bất động này cũng đã thuyết phục cả thế giới, kể cả người của tôn giáo khác chứ không riêng người trong đạo Phật. Những con người tiến bộ đều đi đến mẫu số chung là tìm sự bình an của tâm hồn. Đó là cái an nhiên, thanh thản, bất động. Thế nên khi đã quỳ dưới chân Đức Phật là ta đã chọn con đường đi tìm sự thanh thản bình an, cũng là con đường mà cả thế giới phải ngưỡng mộ.
Ví dụ, ta gặp một vị linh mục hay bà sơ được bề trên cho phép nghiên cứu rộng rãi về Phật giáo, ta đều thấy một điều là họ rất yêu quý đạo Phật, dù họ không bỏ đạo Thiên Chúa, vẫn tụng kinh và hành lễ với Chúa hằng ngày. Vì nghiên cứu nên sâu thẳm trong tâm hồn, họ cũng rất ngưỡng vọng, kính bái đức Phật. Nên khi gặp các tu sĩ Phật giáo, họ rất vui vẻ, cởi mở.
Cả thế giới cũng vậy. Như những nhà kinh tế đi tiền trạm cho hội nghị APEC của nguyên thủ các quốc gia tại Việt Nam. Họ được sắp xếp viếng thăm chùa Phật Tích – một ngôi chùa cổ tại Bắc Ninh, do TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN làm trụ trì. Lúc ấy, mặc dù khác đạo nhưng họ vẫn xin được tham dự buổi ngồi thiền của Phật giáo. Và họ rất nghiêm túc, thực hành dụng công đúng theo sự hướng dẫn. Tuy rằng buổi thiền diễn ra trong 30 phút ngắn ngủi, nhưng cho ta hiểu rằng: thế giới này yêu thích sự bình an của nội tâm. Qua đó, ta thấy những người trong đoàn tiền trạm đều là doanh nhân, đầu óc họ hoạt động như một chiếc máy tính. Dù phải bận tâm, bù đầu vào công việc, nhưng họ vẫn cần những giây phút mà tâm không suy nghĩ gì cả. Lúc đó mới thực sự là nơi trở về.
Thế nhưng, nhiều người đang hiểu sai về sự bất động của nội tâm, khiến họ trở thành người lười biếng. Hầu hết tu sĩ cũng đang dần dần rơi vào trạng thái này mà không hay. Chúng ta rơi vào trạng thái lười biếng vì hiểu sai ý nghĩa của sự “thanh thản”. Nhưng vì sao ta hiểu sai? Bởi nhiều kinh điển đã diễn tả: những bậc đạo nhân cao cả là bậc không tác, không hành, không tu, không chứng… Rồi bao nhiêu người đã hiểu cái gì cao siêu là bình an, bất động, không làm gì hết. Cứ mỗi ngày ta nghe, đọc tụng về những điều đó và ta đang xây dựng tâm hồn mình thành con người lười biếng mà không hay.
Hãy nhớ rằng ý nghĩ mỗi ngày hay những bài kinh tụng hàng ngày sẽ huân tập, xây dựng tâm hồn mình từ trong thẳm sâu tiềm thức, và những điều tốt đẹp sẽ huân tập, xây dựng lại tâm hồn ta. Ví dụ hằng ngày, ta tụng kinh, lễ Phật, xin cho con thấy mình chỉ là cát bụi, “thân này không phải ta, chẳng có gì là ta, trong từng hơi thở vào, trong từng hơi thở ra, trọn niềm tôn kính Phật” thì dần dần tâm hồn mình được xây dựng lại, dần dần ta thấy mình không quan trọng nữa, ta biết cúi mình phụng sự tha nhân một cách rất tự nhiên không gượng ép. Đó cũng là nhờ ý niệm về vô ngã mà mình huân tập hàng ngày.
Tuy nhiên, chỉ cần một ngày không huân tập ý niệm vô ngã trong đầu là ta bắt đầu tính toán thiệt hơn. Không chỉ phật tử, ngay cả quý thầy cũng bị như vậy. Cho nên, lòng ta thanh thản, bất động là do huân tập được những ý niệm, những lời kinh kệ mà ta tụng niệm, tác ý mỗi ngày. Nên nhớ, mỗi ngày ta tác ý điều gì thì những điều đó sẽ dần dần cấu tạo nên tâm hồn ta. Nếu ta tác ý vô ngã, thanh thản thì tâm ta vô ngã, thanh thản từ lúc nào không hay. Còn nếu tác ý về hư vô, không khéo tâm ta bắt đầu cấu tạo thành loại người lười biếng. Đây là hệ quả phụ, sai từ những bài kinh kệ mà ta không hiểu thấu đáo, thấy gì cũng không hết.
Và khi lười biếng, ta không đóng góp cống hiến nhiều cho cuộc đời, ngay cả cho chính gia đình mình. Và dần dần mình trở thành vô hình trước xã hội này, không ai nhìn thấy mình nữa vì mình không làm gì cả. Sự thật, ta chỉ hiện hữu, chỉ tồn tại, chỉ có giá trị trong cuộc đời khi mình có làm gì đó cho cuộc đời này. Nhưng đây lại là điều ảnh hưởng chung đến Phật pháp. Nếu toàn bộ đạo Phật, kể cả tu sĩ lẫn cư sĩ đều nghĩ cái gì cũng ‘không’ rồi không làm gì thì cả đạo Phật sẽ không cống hiến, không đóng góp được gì cho xã hội, cho đất nước. Như vậy, Phật giáo cũng sẽ vô hình đối với đất nước này, mọi người sẽ không nhớ – không thấy Phật giáo nữa. Và đạo Phật suy yếu vì lý do này, vì người của đạo Phật rơi vào trạng thái lười biếng, lười biếng một cách sang trọng, lười biếng mà có đạo lý biện minh, và rồi Phật giáo bị cuộc đời lãng quên, tự nhiên sức ảnh hưởng đối với cuộc đời kém dần. Đây là điều rất đáng lo.
Chúng ta thấy chùa mọc lên khắp nơi nên nghĩ đạo Phật không suy tàn. Tuy nhiên, mỗi ngày có mấy ai đến chùa tụng kinh; ngày rằm, có mấy ai đến chùa sám hối; những ngày lễ như lễ Phật Đản, có mấy ai đến chùa dâng hương. Mọi người đang quên đạo Phật từ từ vì trạng thái lười đang hình thành trong con người ta mà ta không biết do hiểu lầm đạo lí của chữ “không”.
Ta cứ tưởng tâm bình an là chân lý, đâu hiểu rằng cái bình an thanh thản phải đi đôi với cái siêng năng, tinh cần. Bởi đức Phật đã dạy “Tứ chánh cần”, chữ ‘cần’ là siêng năng phụng sự, siêng năng cống hiến, siêng năng tạo phước. Nhân đây, Thượng tọa nhắc nhở yếu tố “tinh cần” này khác với “tinh tấn”, ta phải hiểu cho rõ, đừng để bị lầm. Phật dạy “tinh tấn” là ám chỉ dụng công dồn sức vào thiền định vì thiền định rất khó, phải dùng nhiều ý chí cho một công việc mà thấy như không có gì. Dù ngồi kiết già yên ắng một chỗ, nhưng cực kỳ vất vả, khó khăn nên đức Phật phải dùng chữ tinh tấn. Những việc khác, đức Phật lại dùng chữ tinh cần.
Đạo Phật là trung đạo, là điểm ở giữa. Và chân lý thì chỉ như đầu chấm của bút chì, lệch qua bên này một chút hay bên kia một chút đều sai. Nếu chúng ta đi tìm sự tự tại bất động rồi trở thành lười biếng; hoặc nếu ta thiên về sự siêng năng rồi rơi vào trạng thái lăn tăn động loạn, cả hai trường hợp này đều đã ra ngoài ‘đầu chấm của bút chì’, tức là lệch với con đường trung đạo Phật dạy. Thế nên, ít ai đạt được trạng thái cân bằng ở giữa để vừa thanh thản, lại vừa siêng năng.
Mà để đạt được trạng thái cân bằng này, buộc chúng ta phải dụng công tu tập rất nhiều. Theo Thượng tọa:
– Thứ nhất, ta phải lễ Phật rất nhiều với lòng tôn kính tuyệt đối, vì lễ Phật là công đức căn bản đầu tiên của mọi công đức. Dù có tu gì mà nếu không lễ kính Phật thì ta mất gốc, không bao giờ thành tựu được điều gì. Như các vị Tôn túc, các vị Hòa thượng phải lễ Phật chuyên cần mới có đức mà tu, đó cũng là căn bản của công phu.
– Thứ hai, ta phải khôn ngoan chọn những bài kinh có nghĩa lý sâu sắc, đúng đắn, cảm động để huân tập, cấu tạo lại tâm hồn mình, đừng tụng những bài kinh mà mình không hiểu, vì ta chọn bài kinh sai lầm thì tâm hồn ta sẽ đi con đường khác. Chẳng hạn, nếu ta thích tu để chờ đến ngày chết thì hãy chọn một bài kinh khác. Còn nếu muốn trở thành người có ích ngay khi còn sống thì hãy chọn một bài kinh khác.
– Thứ ba, phải ngồi thiền giữ tâm bình an, bất động. Lưu ý là phải dụng công cho đúng phương pháp: hơi thở vào cảm giác toàn thân, hơi thở ra cảm giác toàn thân, biết rõ toàn thân kể cả từng ngón tay, ngón chân, để lực rải đều khắp người, lắng đọng xuống dưới. Tuyệt đối không chú lý lên đầu, vì lực sẽ chạy lên đầu làm hư não.
Tóm lại, lễ Phật, tụng kinh, ngồi thiền đúng phương pháp… những công phu đó phải dày thì bắt đầu ta cân bằng được hai trạng thái một là thanh thản, hai là siêng năng.
Để hiểu đúng thế nào là “thanh thản”, Thượng tọa giải thích: thanh thản không phải là ở không, nếu hiểu thanh thản là ở không thì lập tức chúng ta sẽ trở thành kẻ lười biếng. Thật ra thanh thản là sự an nhiên tự tại khi gặp nghịch cảnh. Có nghịch cảnh thì mới chứng tỏ được sự thanh thản. Thế nên người thanh thản chính là con người đương đầu, dấn thân chứ không phải người tránh né.
Dĩ nhiên không ai tìm rắc rối nhưng thường cái rắc rối sẽ tự tìm đến mình, bởi đó là nghiệp mà chúng ta đã gây tạo từ vô lượng kiếp trước. Khi rắc rối tìm đến rồi, chúng ta phải đối diện, đương đầu, xử lý, chịu đựng, chấp nhận trả nghiệp với tâm bình an thanh thản. Chẳng hạn, nếu có người đến mắng chửi nhục mạ, ta đừng bịt tai lại xem như không nghe mà phải nghe không sót một chữ nào, nhưng nghe với tâm bình an thanh thản. Do vậy, chừng nào gặp chuyện rắc rối mới đánh giá được ta có thanh thản hay không.
Trong đạo Phật, có một số câu nói khiến chúng ta nghe rồi hiểu lầm. Ví dụ: “không nghĩ thiện, không nghĩ ác”, tức thiện ác đều phải bỏ hết, cuối cùng cũng không dám làm phước. Mà khi không tạo phước, không cống hiến thì ta cũng vô hình trước cuộc đời. Trong gia đình mọi người không nhìn thấy mình, nếu sống trong chùa thì tăng chúng cũng ít để ý đến mình, rồi nhìn rộng ra thì xã hội, cuộc này cũng bỏ đạo Phật luôn vì đạo Phật không có lợi gì cho đời cả. Đó là cũng bởi vì chúng ta đã hiểu lầm ý nghĩa của sự thanh thản, rồi trở nên lười biếng thụ động. Đây là điều rất nguy hiểm trong Phật pháp mà ta không hiểu được.
Không chỉ lười làm phước, các phật tử còn lười đi chùa khiến chùa nhiều mà cứ vắng, dẫn đến Phật giáo suy yếu. Trong khi đó, các vị Tôn túc lúc nào cũng cố gắng xây dựng, phục hưng lại chùa để phật tử có nơi tu tập, nương tựa tâm linh. Ta cứ nhìn những vị Tôn túc trong Phật giáo, nhờ siêng năng cống hiến, công đức lễ Phật đúng đắn nên đạt được sự cân bằng. Một bên là sự bình an, tự tại, một bên là siêng năng cống hiến, mặc dù các vị đều hiểu nghĩa ‘không’, nên nhìn mặt các vị chúng ta thấy rất thanh thản.
Rồi khi giữ được lòng bình an, thanh thản trước mọi rắc rối, thử thách thì bắt đầu ta bước tới giai đoạn siêng năng cống hiến, phụng sự, đóng góp. Cái này thuộc về trí tuệ, chỉ người nào đủ trí tuệ mới có sáng kiến, mới nghĩ ra những điều hợp lý cần làm, mà đóng góp cho Phật pháp, cho cuộc đời. Ví dụ, có người sau một thời gian đến chùa công quả đã nghĩ ra những sáng kiến để phụ Thầy mình gieo duyên, hóa độ chúng sinh.
Thế nhưng, trên con đường siêng năng gây tạo phước lành luôn có chướng duyên nghịch cảnh, không bao giờ là suôn sẻ cả. Khi ta đóng góp, cống hiến thì bắt đầu sẽ có người ganh kẻ ghét, có lời ra tiếng vào, có sự vu khống, hãm hại… Lúc đó là cơ hội để ta thử thách sự bình an thanh thản. Và cái thanh thản này mới thật sự có giá trị. Còn không có siêng năng thì đừng nói chuyện thanh thản, không có siêng năng mà nói thanh thản là ta đã hiểu lầm qua chữ lười biếng.
Chúng ta nên biết, qua bài Pháp thoại này Thượng tọa đã giúp mọi người tháo gỡ một hiểu lầm rất lớn từ lâu trong đạo Phật. Vì nếu không mạnh dạn làm rõ vấn đề này, mọi người đều trở lên lười biếng, kéo đạo Phật vào sự suy yếu. Còn khi vấn đề được làm rõ, ta có cái hiểu đúng đắn rồi thì rất siêng năng dấn thân vào nghịch cảnh để phụng sự, cống hiến. Thấm thía điều này, các vị tôn túc, những người sống lâu trong đạo mới bình an trước nghịch cảnh. Tức là các vị đã có được sự thanh thản đúng mức của Phật pháp.
Như vậy, vận mệnh của Phật pháp phụ thuộc vào thái độ siêng năng, thanh thản của ta. Phật pháp sẽ suy tàn nếu ta không siêng năng và thanh thản. Cho nên, trên con đường tu tập hay giáo hóa độ sinh, dù có gặp nghịch cảnh gì, ta cũng phải giữ được trạng thái cân bằng này, khéo léo hóa giải nó để mọi người có được niềm tin và đến với đạo Pháp.
Cuối cùng, Thượng tọa nhắc nhở rằng các vị tôn túc cả một đời sống hiến, gây dựng đạo Pháp cho ta, vậy ta làm sao để nối tiếp, phát triển đạo chứ đừng làm nó lụi tàn trong cái lười biếng, sân hận của bản thân. Để làm được điều đó, ta phải biết lễ Phật, tụng kinh, ngồi thiền. Khi tụng kinh, phải chọn những bài ta hiểu, có nghĩa lí sâu sắc để cấu tạo, xây dựng lại tâm hồn mình.
Lại thêm, khi ta làm đúng những việc đó, ta sẽ có nhiều công đức, tâm ta bắt đầu thanh thản và biết siêng năng. Ta làm như vậy hết kiếp này đến kiếp khác thì phước ta sẽ tròn đầy và lớn dần.
Ai có nhiều phước là có ưu thế giữa cuộc đời bởi phước cho ta quyền lựa chọn rộng rãi. Ta có thể chọn sinh trở lại cuộc đời làm người giàu sang, thành đạt hoặc đắc quả vị Thánh trong đạo Phật. Tùy vào con đường ta lựa chọn, cái phước sẽ giúp ta đạt được những thứ ta muốn trong đời.
Tối ngày 12/03/Đinh Dậu (08/04/2017). TT.Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã quang lâm pháp tòa thuyết giảng đề tài “Thanh thản và siêng năng”, với sự tham dự trên 1500 phật tử đến từ các tỉnh thành.
Tuệ Đăng