Triều Minh, có quan Thiếu sư là Dương Vinh, tên tự là Miễn Nhân, quê ở huyện Kiến Ninh, tỉnh Phúc Kiến. Tổ tiên ông nhiều đời làm nghề đưa đò để sinh sống. Gặp một năm có lũ lớn, tràn ngập các vùng dân cư, người chết đuối cứ theo dòng sông mà trôi xuống. Những người có thuyền đều tranh nhau vớt lấy những tài sản quý giá trôi trên sông, chỉ riêng ông cố và ông nội của Thiếu sư, hai người đều hết sức lo việc cứu người, hoàn toàn không vớt lấy một chút tài vật nào. Người làng đều cười họ là ngu dại, hai người nói: “Chúng tôi đưa đò tự thấy cũng đã đủ sống, không muốn trộm lấy những tài sản không phải của mình.”
Đến khi cha của Thiếu sư sinh ra, gia đình dần dần khá giả lên. Bỗng có một đạo nhân đi ngang qua vùng, bảo người nhà rằng: “Tổ phụ các người có âm đức lớn, con cháu sẽ được giàu có vinh hiển, nên cải táng vào chỗ đất này…” Nói rồi chỉ cho một chỗ đất. Người nhà y theo chỉ dẫn của đạo nhân mà cải táng. Chỗ ấy sau này các thầy địa lý đều gọi là gò bạch thố.
Sau sinh ra Thiếu sư, còn nhỏ tuổi đã đỗ đạt làm quan, dần dần thăng tiến, tước vị lên đến hàng Tam công [*]. Ông cố và ông nội của Thiếu sư đều được triều đình truy tặng quan tước như vậy.
[*] Tam công: ba chức quan cao nhất trong triều đình. Cách gọi này bắt đầu từ đời Chu, bao gồm các chức quan: Thái sư, Thái phó và Thái bảo. Đến triều Bắc Ngụy thường gọi là Tam sư. Thời Đông Hán, các chức quan đầu triều được đổi thành Tư đồ, Tư mã và Tư không, nên gọi chung là Tam tư.
Lời bàn: Trong khoảng niên hiệu Khang Hy, vào năm Bính Tý [tức là năm 1696] ngày mồng một tháng sáu, lúc nửa đêm thủy triều ở huyện Sùng Minh dâng lên quá cao, chìm ngập cuốn trôi đến mười tám nơi trong vùng Sa trấn, người và súc vật, tài sản đều trôi nổi theo dòng nước. Có một người nép mình nằm trên đống củi lớn theo dòng nước lênh đênh, còn chưa kịp tấp vào bờ. Trên bờ có một người tham đống củi lớn, liền dùng móc câu đưa ra để kéo mạnh vào, do đó làm cho đống củi tách đôi, người nằm trên đó rơi xuống nước mà chết.
Đến lúc trời sắp tối, người vớt củi kia bỗng tự nhiên điên loạn, tự nói ra rằng: “Nhà tao có bốn người đều đã chết, chỉ mình tao may ra được sống sót. Nhưng mày lại hại chết tao, tao quyết không tha cho mày.”
Trong đêm ấy, người này chết thảm. Theo đó có thể thấy, đem hết sức làm lợi cho người khác, tự mình cũng chẳng bao giờ bất lợi; dốc hết sức vào sự tham lam tài vật, cuối cùng cũng chẳng được tài vật. Quả thật đúng là: “Người thiện vui mừng vì được làm người thiện; kẻ ác thật uổng đời đã chọn làm kẻ ác.”
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến