Quan huyện lệnh Tú Tùng là Chu Duy Cao, vào năm Kỷ Dậu thuộc niên hiệu Khang Hy (tức là năm 1669.) được điều về Giang Nam làm quan chấm thi. Sau khi ông chấm đỗ cho bài thi của một thí sinh nọ, đêm ấy liền nằm mộng thấy có con quỷ hiện đến nói: “Người ấy không thể chấm đỗ.” Nói rồi đưa tay viết ra một chữ “dâm”. Chu Duy Cao không hiểu, gạn hỏi, quỷ đáp: “Người ấy gian dâm với con gái của người mẹ kế, vì chuyện đó đã bị trời trách phạt.”
Hôm sau, Chu Duy Cao quên mất chuyện trong giấc mộng, vẫn mang bài thi ấy trình lên. Quan chủ khảo hết sức khen ngợi bài ấy, rồi phóng bút gạch xóa bớt hai chữ “hiểm trở”. Chu Duy Cao thấy vậy liền thưa: “Trong bài thi của các thí sinh ở vòng này, rất nhiều người dùng hai chữ ấy, có lẽ không nên xóa.” Quan chủ khảo nghe lời thì đổi ý, lệnh cho Chu Duy Cao tẩy xóa chỗ gạch bỏ ấy đi. Đến lúc tẩy, bỗng thấy vết mực thấm sâu qua đến mấy lớp giấy, Chu Duy Cao nhân đó chợt nhớ lại giấc mộng đêm qua, liền quyết định đánh rớt bài thi ấy.
Lời bàn: Người ở châu Bắc Câu Lô, khi nam nữ muốn gần gũi nhau thì cùng đi đến dưới một gốc cây. Lúc ấy, tán cây bốn phía liền hạ thấp xuống che kín cho họ, rồi bên trong tự nhiên có đủ giường gối. Nếu người phụ nữ ấy lại chính là mẹ, dì hoặc chị em gái của người nam, thì tán cây nhất định không che xuống. Nếu cố cưỡng bức làm chuyện loạn dâm, thì cây ấy sẽ chết khô. Xem đó có thể thấy rằng việc gian dâm với người cùng huyết hệ là tối kỵ đối với đạo trời. Chỉ bị đánh rớt bài thi thì đâu đã đủ để trừng phạt tội lỗi ấy!
Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Tội tà dâm có thể khiến cho chúng sinh phải đọa vào trong ba đường ác. [Sau khi ra khỏi ba đường ác, nếu] được sinh làm người, cũng phải chịu hai loại quả báo. Một là vợ không giữ được trinh tiết, hai là quyến thuộc không được như ý muốn.” Kinh Tội phước báo ứng dạy rằng: “Tà dâm với vợ người khác, chết đọa vào địa ngục, gian phu phải ôm cột đồng [cháy đỏ], gian phụ nằm trên giường sắt [bị lửa nung bên dưới]. Sau khi ra khỏi địa ngục, phải sinh vào những xứ sở hạ tiện, đọa làm các loài gà vịt.”
Tuy nhiên, trên đây chỉ là nói chung về tội tà dâm. Nếu là đối với những bậc tôn trưởng chí thân của mình, hoặc đối với tăng ni tu hành thanh tịnh mà dở trò dâm loạn làm ô uế các vị, thì đó gọi là các tội nặng căn bản, sau khi chết phải đọa vào địa ngục Vô gián, liên tục bị cắt xẻ, thiêu đốt, xay nghiền, không một lúc nào được tạm dừng. Cho đến khi thế giới này đã hoại diệt, lại phải sinh vào thế giới khác [tiếp tục chịu tội].
Khi thế giới khác bị hoại diệt, lại phải sinh vào các thế giới thuộc phương khác nữa [để tiếp tục chịu tội]. Trong kinh có nói đầy đủ những việc như thế, nếu đã nghe qua không khỏi khiếp sợ.
Nếu có những người do không hiểu biết mà từng phạm vào các tội nặng ấy, hoặc tuy chưa phạm vào nhưng đã có khởi tâm niệm xấu như thế, cũng gọi là phạm tội. Nên biết rằng những người như thế, chỉ đợi khi ba tấc hơi dừng, vừa mạng chung ắt đọa ngay vào địa ngục Vô gián, cho đến muôn ngàn vạn kiếp, mong muốn thoát ra cũng không có kỳ hạn.
Những người ấy nên tận dụng ngay thời gian còn được sống khỏe mạnh trên dương gian, đối trước Tam bảo mà phát tâm tha thiết chí thành sám hối, phát lời thệ nguyện cứu độ hết thảy chúng sinh, khiến cho tất cả đều được vượt thoát Ba cõi, sau đó tự mình mới thành Chánh giác.
Nếu phát khởi được nguyện lực thiết tha, lớn lao như thế, tuy có nghiệp nhất định phải chịu, ắt cũng được tiêu trừ. Thuở xưa, vua A-xà-thế phạm vào tội đại nghịch, nhờ khẩn thiết sám hối nên khi vào địa ngục, bất quá chỉ phải chịu khổ như lao ngục của thế gian trong vòng năm trăm ngày mà thôi [*]. Qua đó đủ thấy rằng công đức của sự sám hối quả thật không thể nghĩ bàn. Bằng như lần lữa lười nhác không chịu quyết tâm nỗ lực, ắt khó tránh khỏi phải chịu khổ đau trong muôn kiếp.
[*] Chuyện này xem đầy đủ trong kinh Bồ Tát bản hạnh. (Chú giải của soạn giả) Tức là kinh Phật thuyết Bồ Tát bản hạnh (佛說菩薩本行經), 3 quyển, được xếp vào Đại Chánh tạng, thuộc Tập 3, kinh số 155. Đoạn trích này nằm ở quyển 2, trang 116, tờ c, bắt đầu từ dòng thứ 19.
Trích An Sĩ Toàn Thư Khuyên Người Bỏ Sự Tham Dục
Nguyên tác Hán văn: Dục Hải Hồi Cuồng
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến