Nghiệp (karma) có thể được hiểu là nguyên nhân và hậu quả, rất giống với cách mà các nhà vật lý học hiểu là đối với mỗi tác động, thì có một sự phản lực ngang bằng và đối nghịch lại. Đối với môn vật lý, hình thức lực phản hồi nào sẽ xảy ra thì luôn luôn không thể dự đoán được, nhưng đôi lúc chúng ta có thể tiên liệu sự phản ứng và có thể làm điều gì đó để giảm thiểu hậu quả. Hiện nay khoa học đang dùng nhiều cách để làm sạch sẽ môi trường đã bị ô nhiễm, và thêm nhiều khoa học gia đang cố gắng ngăn ngừa sự ô nhiễm trầm trọng hơn. Cũng như thế, những đời tương lai của chúng ta được quyết định bởi các hành vi hiện tại cũng như các hành vi của những đời gần nhất và những đời quá khứ của ta.
Sự thực hành Pháp là để làm nhẹ bớt kết quả của các hành động theo nghiệp lực của chúng ta và ngăn ngừa mọi sự ô nhiễm trầm trọng hơn do những tư tưởng và hành vi tiêu cực. Những tư tưởng và hành vi tiêu cực đó đẩy chúng ta vào một sự tái sinh đau khổ ghê gớm. Sớm hay muộn gì chúng ta cũng sẽ chết, và vì thế sớm muộn gì chúng ta sẽ lại phải tái sinh. Những cảnh giới sống mà ta có thể tái sinh được giới hạn trong hai loại là cảnh giới thuận lợi và cảnh giới không thuận lợi. Việc chúng ta tái sinh ở đâu thì tùy thuộc vào nghiệp lực của riêng ta.
Nghiệp được tạo nên bởi một tác nhân, một con người, một chúng sinh. Chúng sinh thì không gì khác hơn là bản ngã, giả định trên nền tảng tương tục của tâm thức. Bản tánh của tâm thức là sự chói ngời và trong sáng. Nó là một tác nhân của sự thấu biết, mà trước đó là một khoảnh khắc trước của tâm thức làm nguyên nhân cho nó. Nếu chúng ta hiểu biết rằng sự tương tục của tâm thức không thể bị dứt tiệt trong một đời, thì ta sẽ nhận ra là có một y cứ có tính lô-gích cho việc có thể có đời sống sau khi chết. Nếu chúng ta không xác tín về sự tương tục của tâm thức thì ít ra chúng ta cũng biết rằng không có bằng chứng nào có thể bác bỏ lý thuyết về đời sống sau cái chết. Chúng ta không thể chứng minh nó, nhưng ta không thể bác bỏ nó. Có nhiều trường hợp về những người nhớ lại các đời trước của họ một cách sống động. Nó không phải là một hiện tượng chỉ giới hạn trong giới Phật tử. Có nhiều người với những ký ức như thế nhưng cha mẹ họ thì không tin ở đời sống sau khi chết hay những đời quá khứ. Tôi biết có ba trường hợp các trẻ em có thể nhớ lại những đời trước của chúng một cách sống động. Trong một trường hợp, hồi ức về đời trước quá sống động đến nỗi mặc dù trước đó các cha mẹ không tin vào đời sống sau khi chết, nhưng do hồi ức rõ ràng của con cái, bây giờ họ đã bị thuyết phục. Đứa trẻ không chỉ nhớ lại rõ ràng đã từng sống ở một ngôi làng bên cạnh mà em đã nhận ra, nhưng còn có khả năng nhận diện cha mẹ đời trước của em, là những người mà em không hề có cơ hội nào để biết. Nếu không có đời sống sau khi chết thì không có đời trước, và chúng ta sẽ tìm sự giải thích khác cho những hồi ức này. Cũng có nhiều trường hợp các cha mẹ có hai đứa con được nuôi dạy cùng một cách, trong cùng một xã hội, với bối cảnh giống nhau, tuy nhiên một đứa lại thành công hơn đứa kia. Chúng ta nhận thấy sở dĩ có những khác biệt như thế là do những dị biệt trong các hành vi thuộc nghiệp lực quá khứ của chúng ta.
Cái chết không là gì khác hơn là sự tách lìa tâm thức với thể xác vật lý. Nếu bạn không chấp nhận hiện tượng được gọi là tâm thức này, thì tôi nghĩ là rất khó khăn để giải nghĩa chính xác đời sống là gì. Khi tâm thức được liên kết với thân thể và mối quan hệ của chúng tiếp diễn, chúng ta gọi nó là đời sống, và khi tâm thức chấm dứt mối quan hệ của nó với một thân thể đặc thù, thì ta gọi sự việc đó là cái chết. Mặc dù thân thể chúng ta là một tập hợp của các thành phần hóa học và vật lý, nhưng nó có một sự chói sáng thuần tịnh (tịnh quang) làm một thứ tác nhân vi tế cấu tạo nên đời sống của các sinh thể. Vì nó không có tính vật lý nên chúng ta không thể đo lường nó, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không hiện hữu. Chúng ta đã tiêu phí quá nhiều thời giờ, năng lực, và sự nghiên cứu trong việc thám hiểm thế giới bên ngoài, nhưng giờ đây nếu chúng ta thay đổi sự tiếp cận đó và hướng mọi sự thám hiểm, nghiên cứu và năng lực này vào bên trong và bắt đầu phân tích, thì tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta có khả năng nhận ra được bản chất của tâm thức – sự trong sáng, chói ngời này – ở trong chúng ta.
Theo sự giải thích của Phật giáo, tâm thức được cho là không bị ngăn ngại, nó không có tính chất vật lý, và chính từ những tác động của tâm thức này mà mọi cảm xúc, mọi mê lầm, và mọi khiếm khuyết của con người phát sinh. Tuy nhiên, cũng do bởi bản tánh nội tại của tâm thức này mà người ta có thể giải trừ tất cả những khiếm khuyết và mê lầm này và tạo nên sự an bình và hạnh phúc lâu dài. Vì tâm thức là nền tảng cho nhiều sự hiện hữu trong sinh tử và cho chính Giác ngộ nên có nhiều tác phẩm bao quát về vấn đề này.
Từ kinh nghiệm riêng, chúng ta biết rằng tâm thức hay tâm tùy thuộc vào sự biến đổi, có nghĩa là tâm thức phụ thuộc vào các nguyên nhân và điều kiện, chúng làm biến đổi, chuyển hóa và ảnh hưởng đến tâm thức: đó là những điều kiện và môi trường của đời sống chúng ta. Tâm thức phải có một nguyên nhân chất thể giống như bản tánh của chính tâm thức để cho nó phát khởi. Không có một khoảnh khắc trước của tâm thức (tiền niệm) thì không thể có bất kỳ tâm thức nào. Nó không phát khởi từ cái không có gì, và nó không thể chuyển thành cái không có gì. Vật chất không thể biến đổi thành tâm thức. Vì vậy, chúng ta phải có thể truy nguyên trở lại chuỗi nhân quả của các khoảnh khắc tâm thức trong thời gian. Kinh điển Phật giáo nói về hàng trăm tỉ hệ thống thế giới, vô lượng các hệ thống thế giới, và tâm thức hiện hữu từ thời gian vô thủy. Tôi tin là có các thế giới khác hiện hữu. Khoa vũ trụ học tân tiến cũng nói rằng có nhiều loại hệ thống thế giới. Mặc dù sự sống không được quan sát thấy trên các hành tinh khác, nhưng kết luận rằng sự sống chỉ có thể có trên hành tinh này – là hành tinh bị lệ thuộc vào thái dương hệ này – và không có trên các loại hành tinh khác, là không lô-gích. Kinh điển Phật giáo đề cập tới việc có sự sống trên các hệ thống thế giới khác cũng như trên các loại thái dương hệ khác nhau và trên vô lượng vũ trụ.
Ngày nay, nếu các khoa học gia được hỏi là vũ trụ đã được tạo nên như thế nào, thì họ có thể đưa ra nhiều câu trả lời. Nhưng nếu hỏi họ tại sao sự tiến hóa này xảy ra thì họ không đáp được. Nói chung, họ không giải thích rằng nó là một sáng tạo của Thượng Đế, vì là các nhà quan sát khách quan, họ chỉ có khuynh hướng tin ở vũ trụ vật chất. Một số người nói rằng nó xảy ra chỉ do sự ngẫu nhiên. Giờ đây chính quan điểm đó không lô-gích, bởi nếu bất kỳ cái gì hiện hữu đều do sự ngẫu nhiên thì cũng giống như nói rằng các sự việc không có bất kỳ nguyên nhân nào. Nhưng từ đời sống hàng ngày của chúng ta, ta thấy là tất cả mọi sự đều có một nguyên nhân: mây làm ra mưa, gió cuốn đi các hạt giống khiến cây cỏ mới mọc lên. Không có gì hiện hữu mà không có lý do. Bạn có thể chấp nhận rằng vũ trụ được sáng tạo bởi Thượng Đế, thì trong trường hợp đó sẽ có nhiều mâu thuẫn, như bắt buộc là sự đau khổ và cái xấu cũng phải được Thượng Đế sáng tạo nên. Cách chọn lựa khác thì giải thích rằng có vô lượng chúng sinh mà năng lực do cộng nghiệp của họ đã tạo nên toàn thể thế giới này như một môi trường cho họ. Vũ trụ mà chúng ta đang sống được tạo nên bởi các ham muốn và hành động của chính chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta có mặt ở đây. Ít ra điều này hợp với lô-gích.
Vào lúc chết, chúng ta bị sức mạnh của các hành vi theo nghiệp của riêng ta lôi cuốn. Hậu quả của các hành vi theo nghiệp xấu là sự tái sinh vào các cõi thấp. Để tự ngăn cản mình đừng làm các hành động tiêu cực, chúng ta phải nỗ lực tưởng tượng xem ta có thể chịu đựng nổi những nỗi khổ của các cõi thấp không. Khi đã thấy được hạnh phúc là kết quả của các hành động tích cực thì chúng ta sẽ rất hoan hỉ trong việc tích tập đức hạnh. Khi coi kinh nghiệm của những người khác cũng quan trọng như kinh nghiệm của chính mình, bạn sẽ có thể phát triển lòng bi mẫn mãnh liệt. Đó là vì bạn sẽ hiểu rõ rằng các đau khổ của họ thì không khác gì với những đau khổ của riêng bạn và họ cũng ao ước được đạt được giải thoát. Rất cần thiết phải thiền định về nỗi khổ của các cõi súc sinh và địa ngục. Nếu chúng ta không thực hiện sự tiến bộ tâm linh thì các hành vi tiêu cực của ta sẽ dẫn chúng ta tới đó. Và nếu chúng ta cảm thấy không thể chịu đựng nổi nỗi khổ của sự thiêu đốt hay cóng lạnh hoặc nỗi khổ khi không thể thỏa mãn sự đói khát, thì động lực để thực hành của chúng ta sẽ tăng trưởng vô hạn. Hiện tại, đời sống làm người này ban cho ta cơ hội và các điều kiện để chúng ta tự giải cứu chính mình.
Luân hồi ở các cõi thấp là sự tái sinh làm một thú vật, quỷ đói, hay chúng sinh ở địa ngục. Theo các Kinh điển thì địa ngục được xác định ở một khoảng cách nào đó ngay dưới Bồ Đề Đạo Tràng, một địa điểm ở Ấn Độ nơi Đức Phật đã thành tựu sự Giác ngộ. Nhưng nếu bạn đã thực sự vượt được khoảng cách đó thì bạn sẽ kết thúc ở giữa Châu Mỹ. Vì vậy các giáo lý này không nên hiểu theo nghĩa đen. Chúng được đề cập phù hợp với quy ước về thời gian, hay niềm tin có tính đại chúng. Mục đích của Đức Phật khi xuất hiện ở thế giới này không phải để đo lường chu vi của thế giới và khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng, mà đúng ra là giảng dạy Giáo Pháp để giải thoát chúng sinh, cứu giúp chúng sinh khỏi nỗi đau khổ của họ. Nếu chúng ta không hiểu rõ sự tiếp cận căn bản của đạo Phật, chúng ta có thể tưởng tượng là đôi khi Đức Phật thuyết giảng trong một cách thế mâu thuẫn và lầm lạc. Nhưng trong mỗi quan điểm triết học khác nhau mà Ngài giảng dạy đều có một mục đích, và mỗi quan điểm đem lại lợi lạc cho những loại chúng sinh khác nhau. Khi nói về các địa ngục, Ngài phải lưu tâm tới nhiều loại quy ước và niềm tin có tính chất đại chúng với mục đích đặc biệt là khiến cho người nghe thực hành Pháp.
Tôi tin rằng các trạng thái như thế như các loại địa ngục nóng và lạnh khác nhau thực sự hiện hữu. Nếu các trạng thái cao nhất, như Niết Bàn và sự Toàn Giác, có hiện hữu, thì tại sao cái đối nghịch của chúng là trạng thái đau khổ cùng cực nhất, tâm thức không được điều phục nhất lại không hiện hữu? Ngay trong sự sống con người cũng có hai loại người khác nhau: một số vui thú cuộc sống và nhiều hạnh phúc hơn, một số người phải chịu đựng đau khổ nhiều hơn. Vì vậy, tất cả những sự khác biệt này trong kinh nghiệm xảy ra như kết quả của những khác biệt trong những nguyên nhân – là các hành động, hay nghiệp. Nếu chúng ta đi xa hơn nữa và so sánh nhân loại với các hình thức khác nhau của đời sống loài thú, thì ta nhận ra rằng những tâm trạng của các thú vật thì không được điều phục nhiều hơn và nỗi khổ cùng sự lầm lạc của chúng còn hiển nhiên hơn nữa. Chúng vẫn có một khuynh hướng tự nhiên là ước muốn hạnh phúc và tránh né đau khổ. Một số thú vật rất khôn ngoan: nếu ta cố bắt chúng bằng cách cho chúng đồ ăn, chúng hết sức thận trọng. Ngay khi ăn, chúng ráng chạy thoát, nhưng nếu ta cho chúng ăn với sự chân thành và kiên nhẫn, thì chúng có thể trở nên hoàn toàn tin tưởng vào chúng ta. Ngay cả các con vật như chó và mèo cũng cảm nhận giá trị của lòng tốt; chúng nhận thức sâu sắc giá trị của sự chân thành và tình thương.
Nếu có các mức độ thành tựu tâm linh khác nhau đặt nền tảng trên việc tâm thức đã trở nên được điều phục thế nào, thì cũng có các mức độ tâm thức chưa được điều phục khác nhau. Tệ hơn cõi súc sinh là các trạng thái như cảnh giới của quỷ đói, họ không thể thỏa mãn sự ham muốn. Các cảnh giới địa ngục là những trạng thái luân hồi ở đó những đau khổ hết sức cùng cực khiến chúng sinh khó duy trì được bất kỳ năng lực phán đoán hay hiểu biết nào. Nỗi khổ trong các địa ngục do bởi cái nóng dữ dội và lạnh dữ dội. Việc chứng minh các cảnh giới này có hiện hữu thì vượt quá lô-gích bình thường của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể kết luận rằng chúng hiện hữu vì chúng ta biết rằng Đức Phật đã chứng minh rất xác đáng, lô-gích, và bao gồm nhiều vấn đề quan trọng khác, như sự vô thường và lý nhân quả, là những điều chúng ta có thể chứng thực hợp với luận lý. Vì thế, chúng ta có thể suy luận rằng điều Ngài nói về các mức độ tái sinh khác nhau cũng đúng thật. Động lực khi Đức Phật trình bày về các cảnh giới địa ngục chỉ do lòng bi mẫn, và ước muốn của Ngài là giảng dạy điều gì lợi lạc cho chúng sinh để giải thoát họ khỏi vòng luân hồi của sự tái sinh. Vì Ngài không có lý do gì để nói dối nên những điều bí ẩn này cũng phải có thật.
Hàng ngày chúng ta vẫn chấp nhận là thật có những điều ta không có cách trực tiếp chứng minh. Tôi sinh ngày 6 tháng 7 năm 1935. Tôi biết điều này chỉ vì mẹ tôi nói lại cho tôi và tôi tin ở bà. Tôi không có cách để có thể trực tiếp nhận thức hay chứng minh theo luận lý điều đó, nhưng bởi sự tin cậy vào người mà tôi tin tưởng và không có lý do gì để nói dối tôi, nên tôi biết là tôi sinh ngày 6 tháng 7 năm 1935. Các vấn đề sâu xa về đời sống sau khi chết và sự hiện hữu của các cảnh giới khác chỉ có thể tiếp cận bằng cách tin cậy vào Kinh điển. Chúng ta phải chứng minh giá trị của những Kinh điển đó bằng cách áp dụng sự suy luận. Chúng ta không thể trích dẫn một cách hời hợt. Chúng ta phải nghiên cứu và áp dụng nó vào đời sống chúng ta.
Những mức độ đau khổ khác nhau trong sự luân hồi ở các cõi thấp được giảng rõ trong nhiều loại Kinh điển. Một số những nỗi khổ hết sức dữ dội vượt quá sự hiểu biết của ta. Nếu bạn tái sinh trong bất kỳ nơi nào trong những cảnh giới thấp này, làm thế nào bạn sẽ có thể chịu đựng nổi chúng? Hãy truy xét xem bạn có tạo ra những nguyên nhân và điều kiện cho sự tái sinh ở những cõi luân hồi thấp như thế không. Bao lâu chúng ta còn ở dưới sự áp chế của những mê lầm, các thế lực mạnh mẽ của sự oán ghét và ham muốn, chúng ta sẽ còn bắt buộc phải chống lại ý muốn buông thả trong các hành động tiêu cực của mình, chúng sẽ thực sự là nguyên nhân cho sự đọa lạc của chính chúng ta. Nếu điều này thực sự xảy ra, thì chính ta sẽ phải chịu đựng những đau khổ. Nếu bạn không muốn chịu đựng nỗi khổ như thế, hay bạn cảm thấy không bao giờ có thể chịu nổi những đau khổ dữ dội như thế, thì bạn phải kiềm chế thân, ngữ và tâm bạn đừng miệt mài trong những hành động sẽ tích tập năng lực khiến bạn rơi vào những trạng thái như vậy. Những tiêu cực đã từng được tích tập phải được hoàn toàn tịnh hóa theo các thực hành thích hợp. Và vì mọi sự đều vô thường nên không có điều bất thiện nào mà không thể tịnh hóa.
Bạn càng quán chiếu về những nỗi khổ này và càng cảm nhận mãnh liệt rằng chúng không thể chịu đựng được, thì bạn sẽ càng thấy rõ năng lực hủy diệt của các hành động tiêu cực. Khi thiền định về những nỗi khổ này, bạn phải nỗ lực tưởng tượng chính bạn đã tái sinh trong những sự luân hồi này và đang chịu đựng những đau khổ của bản thân bạn. Ví dụ, khi quán chiếu về những nỗi khổ của các địa ngục nóng, bạn phải tưởng tượng thân thể bạn bị thiêu đốt, và khi quán chiếu về những nỗi khổ của các địa ngục lạnh, bạn nên nghĩ rằng thân thể bạn đang bị lạnh giá. Đối với những nỗi khổ của súc sinh thì cũng cần tưởng tượng như vậy. Bạn được khuyên nên đi tới một vài nơi cô tịch và cố gắng thể nhập toàn bộ kinh nghiệm của những chúng sinh như thế, nỗ lực tưởng tượng rằng chính bạn đang chịu đựng nỗi khổ của họ. Bạn càng cảm thấy một cách mạnh mẽ là không thể chịu đựng nổi sự đau khổ thì bạn sẽ càng cảm thấy sợ hãi các cõi thấp. Điều đó dẫn tới sự hiểu biết về năng lực hủy diệt của các hành động tiêu cực và nỗi khổ do chúng gây ra. Sau đó, khi bạn thiền định về lòng đại bi, sự thực hành này sẽ giúp bạn tăng trưởng tình thương của bạn đối với những người khác đang miệt mài trong những hành động tiêu cực hết sức trầm trọng. Ngay bây giờ, nếu bạn có thể phát triển một sự sợ hãi nỗi khổ với tư cách là con người, thì bạn có tiềm lực, khả năng và cơ hội để ngăn ngừa các nguyên nhân cho sự đọa lạc của riêng bạn. Chúng ta có thể tịnh hóa sự tiêu cực và tích tập các kho công đức vĩ đại. Chúng ta có thể tăng trưởng sự tích tập công đức ta đã có, và sẽ có thể hồi hướng công đức khiến nó không bị sự sân hận phá hủy. Nếu ta thực hiện một sự thực hành đúng đắn từng ngày một thì chúng ta sẽ có thể làm cho đời người của mình có ý nghĩa.
Trích từ: Con Đường ĐếnTự Do Vô Thượng
Dịch Việt: Liên Hoa