Chúng ta sử dụng cái tâm sanh diệt, nên thấy hết thảy pháp đều có sanh, có diệt. Con người có sanh, lão, bệnh, tử, thế giới có thành, trụ, hoại, không. Chư Phật, Bồ Tát dùng tâm bất sanh bất diệt, thấy hết thảy pháp bất sanh bất diệt. Học Phật tức là muốn công phu đạt đến mức nhất tâm, sự tu học trong Đại Thừa Phật pháp xoay quanh điều này. Thiền Tông gọi nó là Thiền Định, còn pháp môn Niệm Phật gọi nó là Nhất Tâm. Nhất Tâm là Thiền Định, mà cũng là Thật Tướng, Chân Như, Bổn Tánh. Niệm Phật đến mức nhất tâm bất loạn thì sẽ có cùng một cảnh giới với minh tâm kiến tánh trong nhà Thiền. Trong phương diện Giáo Học, ắt cần phải lập ra thuật ngữ danh tướng để tiện cho con người thấu hiểu.
Danh từ là giả lập, chớ nên chấp trước. Căn bệnh lớn nhất trong các pháp thế gian là chấp trước. Chúng ta nghiên cứu tâm tánh, nói đến các thứ danh tướng của Chân Như Bổn Tánh, tự mình đừng nên chấp trước, mà cũng đừng khiến cho người khác chấp trước. Tu học Phật pháp khó nhất là ở chỗ này. Đức Phật thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, nhưng kinh Kim Cang lại chép Ngài chẳng nói một pháp nào cả! Đức Phật nói: “Tu Bồ Đề! Nhữ vật vị Như Lai tác thị niệm, ngã đương hữu sở thuyết pháp, mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Nhược nhân ngôn Như Lai hữu sở thuyết pháp, tức vi báng Phật, bất năng giải ngã sở thuyết cố” (Này Tu Bồ Đề! Ông đừng nói: Như Lai nghĩ như thế này, ta sẽ có pháp để nói, đừng nghĩ như vậy. Vì sao? Nếu có ai nói Như Lai có thuyết pháp thì chính là báng Phật vì chẳng thể hiểu lời ta nói). Chúng ta chớ nên chấp trước pháp do đức Phật đã nói, phải thấu hiểu sâu xa điều này. Hễ chấp sẽ mê!
(Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký – Pháp sư Tịnh Không giảng thuật)