Chúng ta hiện đang mê, suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, tạo nghiệp, chịu báo, cảm nhận lục đạo luân hồi, hoàn toàn là do tự tâm biến hiện ra. Nếu rời khỏi tâm tánh thì chẳng có một pháp nào để có thể đạt được! Một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta và một niệm tâm tánh chư Phật Như Lai chẳng hai, chẳng khác, nhưng có ý niệm thứ hai là sai rồi. Niệm thứ nhất là bổn tánh, niệm thứ hai là vọng tưởng, chấp trước. Nếu giữ được nhất niệm thì sẽ thành Phật. Niệm thứ nhất không có phân biệt, chấp trước, bình đẳng đối với muôn pháp bên ngoài, chẳng có thiện hay ác, đúng hay sai, tà hay chánh, chân hay vọng, lợi hay hại, đó gọi là Nhất Chân Pháp Giới. Cái niệm thứ hai là phân biệt, chấp trước đã dấy lên. Ví như tôi cầm một vật nào đó trong tay, quý vị vừa trông thấy thì rất rõ ràng, nhưng qua ý niệm thứ hai liền suy nghĩ vật này có tên là gì. Nó vốn không có tên gọi, tên gọi là do người ngoài đặt cho nó, là giả danh. Gọi nó là một trang giấy, màu trắng, tức là khởi lên phân biệt, chấp trước. Từ đấy, dẫn khởi tham, sân, si, mạn. Chúng ta chẳng thể giữ cho niệm thứ nhất không biến đổi, hễ gặp bất cứ cảnh giới nào liền lập tức mê. Đã mê lại càng thêm mê, luân chuyển trong sáu nẻo, chẳng có thuở thoát ra. Đấy chính là lý luận căn bản trong Phật pháp, chẳng thể không biết. Dùng vàng chế ra đồ vật, món nào cũng là vàng. Đồ vật có thể biến đổi, chứ vàng chẳng thay đổi. Tướng có thể biến đổi, chứ Thể chẳng biến đổi. Tâm tánh bất biến nhưng tùy duyên, tùy duyên nhưng bất biến. Đáng tiếc là chúng ta vọng niệm này tiếp nối vọng niệm khác, vĩnh viễn không ngưng nghỉ. Do đây, tướng mà mình thấy được là vọng tưởng. Nếu có một ngày nào đó, thật sự đạt được nhất tâm thì sẽ thật sự thấy được Thật Tướng. Thật Tướng là hết thảy pháp bất sanh bất diệt, trong kinh Phật gọi đó là Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Chúng ta sử dụng cái tâm sanh diệt, nên thấy hết thảy pháp đều có sanh, có diệt. Con người có sanh, lão, bệnh, tử, thế giới có thành, trụ, hoại, không. Chư Phật, Bồ Tát dùng tâm bất sanh bất diệt, thấy hết thảy pháp bất sanh bất diệt. Học Phật tức là muốn công phu đạt đến mức nhất tâm, sự tu học trong Đại Thừa Phật pháp xoay quanh điều này. Thiền Tông gọi nó là Thiền Định, còn pháp môn Niệm Phật gọi nó là Nhất Tâm. Nhất Tâm là Thiền Định, mà cũng là Thật Tướng, Chân Như, Bổn Tánh. Niệm Phật đến mức nhất tâm bất loạn thì sẽ có cùng một cảnh giới với minh tâm kiến tánh trong nhà Thiền. Trong phương diện Giáo Học, ắt cần phải lập ra thuật ngữ danh tướng để tiện cho con người thấu hiểu. Danh từ là giả lập, chớ nên chấp trước. Căn bệnh lớn nhất trong các pháp thế gian là chấp trước. Chúng ta nghiên cứu tâm tánh, nói đến các thứ danh tướng của Chân Như Bổn Tánh, tự mình đừng nên chấp trước, mà cũng đừng khiến cho người khác chấp trước. Tu học Phật pháp khó nhất là ở chỗ này. Đức Phật thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, nhưng kinh Kim Cang lại chép Ngài chẳng nói một pháp nào cả! Đức Phật nói: “Tu Bồ Đề! Nhữ vật vị Như Lai tác thị niệm, ngã đương hữu sở thuyết pháp, mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Nhược nhân ngôn Như Lai hữu sở thuyết pháp, tức vi báng Phật, bất năng giải ngã sở thuyết cố” (Này Tu Bồ Đề! Ông đừng nói: Như Lai nghĩ như thế này, ta sẽ có pháp để nói, đừng nghĩ như vậy. Vì sao? Nếu có ai nói Như Lai có thuyết pháp thì chính là báng Phật vì chẳng thể hiểu lời ta nói). Chúng ta chớ nên chấp trước pháp do đức Phật đã nói, phải thấu hiểu sâu xa điều này. Hễ chấp sẽ mê!
( Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký – HT. Tịnh Không )