Trong Thiên Vương điện có thờ cúng Tứ đại thiên vương, đồng thời cũng thờ cúng Di Lặc Bồ Tát; Di Lặc Bồ Tát ở cõi trời Đâu Suất, đây là Hậu Bổ Phật của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tại sao cúng Di Lặc Bồ Tát ở điện Thiên Vương? Với lại, tạo tượng của Di Lặc Bồ Tát cũng không giống với tượng Bồ Tát truyền thống của Ấn Độ, mà tạo hình giống Hòa thượng Bố Đại đời Tống ở Trung Quốc.
Ở thời Nam Tống, Hòa thượng Bố Đại xuất hiện ở Phụng Hóa, Chiết Giang, Ngài mập mạp, cả ngày cười toe toét, luôn vác một bao vải lớn trên lưng. Hòa thượng Bố Đại từ đâu đến? Không có người nào biết, cũng không ai biết Ngài tên gì, họ gì, bởi vì từ sáng đến tối Ngài luôn vác bao vải nên cái bao vải đó trở thành hình ảnh đặc trưng của Ngài. Cho nên khi người ta nhìn thấy Ngài liền gọi Ngài là Hòa thượng Bố Đại, do đó hòa thượng Bố Đại bèn nổi danh.
Lúc viên tịch Ngài nói với mọi người rằng: Ngài chính là hóa thân của Di Lặc Bồ Tát, vừa nói xong thì Ngài đi luôn,liền ngồi xuống thị tịch. Từ đó người Trung Quốc tạo tượng Di Lặc Bồ Tát, tạo giống như hình dáng của Hòa thượng Bố Đại. Ngài biểu thị cái hình tướng này, nói thật ra trong kinh thường nói đệ tử Phật hóa hiện ở thế gian này đối với Phật pháp thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói; diễn là biểu diễn, Ngài hoàn toàn biểu diễn cho người ta xem, làm một gương tốt cho xã hội đại chúng, khiến cho người khác nhìn thấy các Ngài có thể sanh tâm giác ngộ.
Bụng to chính là có thể bao dung, thị hiện bao dung; tâm lượng người thế gian quá nhỏ, không thể bao dung người khác. Di Lặc Bồ Tát là đại từ đại bi, Di Lặc là Từ Thị, đại biểu từ bi, cho nên thị hiện cái dáng vẻ bao dung này, ngài có thể bao dung, cái bao vải cũng có ý nghĩa là bao dung. Ngài đi đến nơi nào người ta cúng dường cái gì, Ngài đều bỏ vào túi vải này, không phân biệt sang hèn, cũng không phân biệt tốt xấu, hết thảy đều bình đẳng bỏ vào túi.
Có người hỏi Ngài: “Thưa Hòa thượng Bố Đại, Phật pháp là gì?” Ngài bèn buông túi vải xuống đất. Như vậy có ý nghĩa gì? “Buông xuống”, người nào nhìn thấy cũng hiểu được. À! Buông xuống. Sau khi buông xuống rồi thì sao? Ngài vác túi vải lên và đi mất. Sau khi buông xuống, thì “nhấc lên”, buông xuống được thì nhấc lên được. Buông xuống nghĩa là trong tâm tuyệt không có một chút vướng mắc; nhấc lên cái gì? Vì xã hội đại chúng phục vụ. Không có tâm riêng tư, hoàn toàn hiến dâng, vì xã hội đại chúng phục vụ. Buông xuống được, nhấc lên được, là đại biểu cho ý nghĩa này.
Mặt luôn nở nụ cười tươi, chúng ta đặt tượng Ngài ở chỗ dễ nhìn thấy nhất trong Phật môn, một khi bước vào trong chùa miếu liền nhìn thấy Ngài, phải học theo Ngài. Nếu học theo Ngài thì phải buông xuống được, nhấc lên được, phải học tánh đại từ đại bi, phải học vẻ mặt luôn tươi cười của Ngài thường sanh tâm hoan hỷ, hoan hỷ tiếp dẫn hết thảy đại chúng, thế nên mới đặt tượng của Ngài ở trong điện Thiên Vương, ý nghĩa này hàm chứa điều gì? Hộ pháp. Hộ cho ai? Hộ cái gì? “Hộ từ bi tâm”, tiêu biểu cho ý nghĩa này.
Bảo hộ tâm từ bi của chính mình, buông xuống, nhấc lên là bảo hộ chính mình, đừng quên điều này! Thường sanh tâm hoan hỷ là bảo hộ chính mình, Tươi cười với người là bảo hộ chính mình. Những biểu hiện của Bố Đại Hòa Thượng là tánh đức của chúng ta, phải từ chỗ này mà bảo hộ. Bạn xem ý nghĩa này thâm sâu biết bao, như vậy bạn mới có tư cách vào cửa Phật.
Bước vào cửa Phật cần phải có điều kiện gì? Phải có điều kiện này, thật sự buông xuống được, tâm địa thanh tịnh vô vi, chân thật nhấc lên được, dùng Lục Độ giáo hóa hết thảy chúng sanh, nhấc lên tiêu biểu ý nghĩa này.
Tứ Thiên Vương: “Đông Phương Trì Quốc Thiên Vương” đại biểu cho “Làm tròn trách nhiệm”; “Nam Phương Tăng Trưởng Thiên Vương” đại biểu cho “luôn cầu tiến bộ”, hằng ngày cầu tiến bộ, tuyệt đối không lạc hậu; “Tây Phương Quảng Mục Thiên Vương”, “Bắc Phương Đa Văn Thiên Vương” đại biểu cho “Học rộng nghe nhiều”. Người Trung Quốc có câu: “Đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường”, thành tựu cho học vấn chân thật, đức năng chân thật của mình, sau đó bạn mới có thể vì xã hội, vì quốc gia, vì hết thảy chúng sanh phục vụ.
Nếu bạn không có trí tuệ, không đức năng thì bạn lấy gì để phục vụ? Đây là tiêu biểu ý nghĩa này. Ý nghĩa vô cùng viên mãn, ý nghĩa biểu pháp của Tứ Đại Thiên Vương. Cõi trời Tứ Vương Thiên, Phật ở trên kinh nói cho chúng ta biết thọ mạng của Thiên nhân là năm trăm tuổi. Một ngày trên cõi Tứ Vương Thiên bằng năm mươi năm ở cõi người chúng ta, một năm cũng tính là ba trăm sáu mươi ngày, năm mươi năm ở nhân gian bằng một ngày của họ. bạn xem thọ mạng của họ rất dài. Càng lên cao thì tăng gấp bội, thế nên phước báo cõi trời rất lớn. Tốt rồi! Hôm nay chúng ta giảng đến đây.
(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký, tập 04)