Thử nhìn xuống một hồ nước. Khi mặt hồ yên tĩnh, trong xanh ta dễ dàng nhìn rõ được mọi vật dưới đáy. Trái lại, khi làn nước gợn sóng, hình ảnh sẽ bị phản chiếu lệch lạc. Bộ não con người cũng giống như vậy. Khi tinh thần yên tĩnh, tập trung, tâm trí sẽ sáng suốt. Trái lại, khi có tạp niệm xen vào hoặc lúc lo âu căng thẳng, sự phán đoán sẽ kém chính xác. Sự căng thẳng sẽ làm mệt bộ não, cơ thể tiêu phí nhiều năng lượng mà việc giải quyết công việc lại kém hiệu quả. Một sinh viên thiếu tập trung sẽ khó tiếp thu bài giảng. Một công nhân đứng máy lơ đểnh sẽ dễ mắc tai nạn lao động. Một nhà nghiên cứu mà tinh thần không ổn định sẽ khó có thể hoàn thành công trình của mình. Ngoài ra, trong điều kiện phát triễn của nền văn minh công nghiệp với tính cạnh tranh cao, con người luôn phải đối mặt với nhiều loại áp lực thì việc phải gánh chịu stress làm giảm sức đề kháng và dễ dẫn đến nhiều bệnh tật là điều đáng lo ngại. Từ những thực tế này nhiều người đã tìm đến với thiền.
Mục lục
Thiền là gì?
Từ trước đến nay đã có rất nhiều khái niệm khác nhau được đưa ra để định nghĩa về thiền, và cũng có nhiều cách ngồi thiền khác nhau. Trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy, thiền, tiếng Pali là bhavana, dùng để chỉ những pháp thực hành nhằm rèn luyện tâm. Có hai pháp thực hành thiền là Thiền định (samatha bhavana) và Thiền quán (vipassana bhavana).
Dưới góc độ Yoga thì thiền được gọi là “Dhyana” nghĩa là “dòng chảy của tâm trí”. Đây là một trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ khi tâm trí xuôi chảy không gì ngăn trở, hoàn toàn đắm mình trong ý nghĩ về ý thức vũ trụ.
Lại có người định nghĩa về thiền như sau. Theo J. Krishnamurti (tác giả và nhà diễn thuyết nổi tiếng của Ấn Độ): “Thiền không phải là phương tiện. Nó là cả hai: Phương tiện và cứu cánh. Thiền là một điều phi thường. Nếu có bất cứ một sự bắt buộc, cố gắng bắt tư tưởng phải tuân thủ, bắt chước, thì thiền sẽ là một gánh nặng”.
Nói một cách đơn giản, thiền là những phương pháp giúp hình thành thói quen tập trung tư tưởng để làm đúng công việc mà chúng ta muốn làm và đang làm. Đặc biệt thiền giúp điều chỉnh lại tình trạng mất cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh do quá trình sinh hoạt và làm việc căng thẳng gây ra.
Có nhiều phương pháp thiền khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là giúp người luyện tập có thể tập trung chú ý vào một điểm ở trong hoặc ngoài cơ thể, vào một đề tài, một hình ảnh hoặc một câu “chú” nhất định nhằm đưa cơ thể tiến dần vào tình trạng nhập tĩnh khi tâm không còn bất cứ ý niệm nào.
Tác dụng của việc ngồi thiền
“Khi ngồi thiền, chúng ta cho phép tâm trí, toàn bộ cơ thể thả lỏng, bước vào giai đoạn thư thái. Chúng sẽ sản sinh ra các chất chống lại hormone, nguồn gốc của stress”, Tiến sĩ Cabell cho biết. Thêm vào đó, việc ngồi tĩnh lặng và thở đều giúp ích cho quá trình oxy hóa cơ thể và thải độc. Cabell cũng gợi ý một vài động tác yoga bổ trợ, kích thích sự lưu thông máu làm đẹp da.
Banks, một chuyên gia về sức khỏe cũng chia sẻ, những người ngồi thiền đúng cách nhận thấy những nếp nhăn giảm dần, mụn nhọt biến mất, bọng mắt thâm quầng cũng không còn, làn da mượt mà, mịn màng hơn. Không chỉ có tác động ngoài da, tinh thần của họ cũng được cải thiện chỉ trong hai tuần. Với những người quá bận rộn, chỉ cần 5 phút ngồi thiền mỗi ngày cũng đem lại kết quả tích cực.
1. Thiền giúp đẩy nhanh tiềm năng phát triển của não bộ
Theo tạp chí Frontiers in Human Neuroscience vào tháng Hai năm 2012, Thiền được chứng minh là có thể làm thay đổi hình dạng của bề mặt của não. Có một nghiên cứu thực hiện tại Đại học California ở Los Angeles với sự tham gia của 50 thiền sinh được cung cấp 50 dụng cụ điều khiển giúp phân tích mối liên hệ giữa thiền và vỏ não, các mô hình và mức độ gấp vỏ não, cho phép não bộ xử lý nhanh hơn và hoạt động hiệu quả hơn. Nghiên cứu này cho thấy một mối tương quan tích cực giữa số lượng các nếp gấp ở vỏ não và số lượng của năm thiền định cho người dân, đặc biệt là thiền dài hạn, so với người không thiền.
Nếp gấp vỏ não tăng có thể phản ánh một sự tích hợp của quá trình nhận thức khi thiền định, kể từ khi hành giả được biết đến là nội tâm và chiêm niệm, bằng cách sử dụng một số phần của não bộ trong quá trình thiền định. Về cơ bản, thiền giúp cải thiện khả năng của bộ não hỗ trợ quá trình tiếp nhận, phân tích và ghi nhớ thông tin nhanh hơn.
2. Thiền giúp giảm căng thẳng lo âu
Ngồi thiền mang đến nhiều lợi ích cho hệ thần kinh. Tại não bộ các kết nối đến trung tâm sợ hãi, lo lắng dược phản ánh liên tục, tuy nhiên trong quá trình thiền định các kết nối này sẽ được ngắt đi. Thiền giúp bạn thả lỏng làm giảm cảm giác về sự lo lắng, vì những đường dẫn thần kinh nối nối đến các trung tâm của lo sợ giảm. Lo âu sẽ biến mất do các biến chuyển của trung tâm này trong não chịu trách nhiệm về kết nối sự sợ hãi đến ý thức về bản thân. Sự thay đổi của những con đường thần kinh cũng đi kèm với cải thiện đánh giá và phản hồi thông cảm. Điều quan trọng là để duy trì những lợi ích của thiền định, bạn phải giữ thói quen thiền định vì “bộ não có thể rất dễ dàng quay trở lại con đường cũ của mình nếu bạn không duy trì mỗi ngày.”
3. Thiền giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Một nghiên cứu tim mạch lớn đã được thực hiện và được công bố trong tháng 11 năm 2012, trong tạp chí Circulation.
Trong nghiên cứu, 201 người bị bệnh tim mạch vành đã được đưa ra 2 lựa chọn. Họ hoặc là có thể tham gia một lớp giáo dục sức khỏe thúc đẩy cải thiện chế độ ăn uống và tập thể dục, hoặc tham gia một lớp về Thiền Siêu Việt. Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu những người tham gia trong năm năm và phát hiện ra một điều rất thú vị. Những người đã chọn các lớp thiền đã giảm 48% cho các rủi ro tổng thể của cơn đau tim, đột quỵ và tử vong. Điều này có nghĩa là thiền đã giúp giảm 1 nửa nguy cơ gây tử vong cho căn bệnh có khắn năng gây tử vong cao nhất trên thế giới chỉ trong vài tuần áp dụng.
4. Thiền hỗ trợ cải thiện trí nhớ
Nghiên cứu mới về thiền cho thấy rằng thiền có thể cải thiện khả năng nhớ lại những ký ức. Catherine Kerr là một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Martinos Imaging và Trung tâm Nghiên cứu Osher, cô đã tìm thấy rằng những người thực hành thiền định có thể điều chỉnh sóng não của họ tốt hơn. Họ có thể giảm đi phiền nhiễu và tăng năng suất làm việc nhanh hơn so với những người không ngồi thiền. Ít phiền nhiễu sẽ giúp não bộ có thể nhanh chóng tích hợp các thông tin mới. Thay đổi nhỏ này trong điều chỉnh não có thể hỗ trợ đáng kể trong quá trình phục hồi bộ nhớ.Thiền giúp cải thiện chức năng não, nới lỏng các đường dẫn thần kinh, cải thiện sức khỏe tim mạch và tăng cường trí nhớ.
5. Hạ huyết áp
Một nghiên cứu tại Trường Y Harvard cho thấy thiền làm giảm huyết áp bằng cách làm cho cơ thể hạn chế đáp ứng với kích thích tố căng thẳng, có công dụng tương tự như thuốc hạ huyết áp. Trong khi đó báo cáo British Medical Journal cho thấy bệnh nhân tập thiền để thư giãn có huyết áp thấp hơn đáng kể so với những người không áp dụng phương pháp này.
6. Tăng cường hệ miễn dịch
Thiền giúp cơ thể được thư giản nhờ vậy giúp tăng cường khả năng miễn dịch trong quá trình hồi phục của các bệnh nhân ung thư. Một nghiên cứu tại Đại học bang Ohio cho thấy thư giãn Thiền hàng ngày, làm giảm nguy cơ tái phát ung thư vú. Trong một nghiên cứu khác tại bang Ohio, sau một tháng luyện tập Thiền đã giúp thúc đẩy quá tình đào thải các tế bào già cỗi ở người già, đem lại cho họ một sức đề kháng tốt hơn và giết chết các tế bào ung thư và virus gây bệnh.
Các bước thông thường khi ngồi thiền
1. Chuẩn bị
Trước khi ngồi thiền, cần hoàn tất các công việc thường nhật trong ngày để tư tưởng khỏi vướng bận; Tắm rửa sạch sẽ, nới lỏng quần áo; Chọn một nơi yên tĩnh, thoáng mát, không có ruồi muỗi.
2. Tư thế
Có thể chọn tư thế ngồi xếp bằng thông thường, ngồi bán già hoặc ngồi kiết già. Lưng thẳng, cằm hơi đưa vào để cột sống được thẳng. Đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên. Hai bàn tay buông lỏng đặt trên hai đùi hoặc đan chéo nhau để trước bụng, miễn sao hai tay cảm thấy thoải mái, dễ giãn mềm cơ bắp là được.
Tư thế kiết già (thế hoa sen), đặc biệt thích hợp cho việc ngồi thiền: Ngồi xếp bằng tự nhiên, dùng hai bàn tay nắm bàn chân phải từ từ gấp chân lại và đặt bàn chân lên đùi trái, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên trời. Kế tiếp dùng hai bàn tay nắm bàn chân trái gấp lại, đặt bàn chân trái lên đùi phải, kéo nhẹ gót chân vào sát bụng, bàn chân ngửa lên trời.
Các đạo sư Yoga cho rằng vị thế khóa nhau của hai chân trong tư thế kiết già sẽ tạo sức ép lên hai luân xa ở dưới cùng của cơ thể, khiến dòng năng lượng có khuynh hướng đi lên để nuôi dưỡng các trung tâm lực dọc theo cột sống và kiểm soát toàn bộ hệ thần kinh. Những thí nghiệm khoa học về Yoga cho thấy chỉ cần ngồi tư thế hoa sen, dù ta không cố gắng tập trung tư tưởng, vẫn có một sự thay đổi ở sóng não từ nhịp Beta khoảng 20 chu kỳ mỗi giây xuống nhịp Alpha khoảng 8 chu kỳ mỗi giây. Nhịp Alpha là tình trạng sóng não của một người đang trầm tĩnh và minh mẫn. Điều nầy có nghĩa là tự thân tư thế kiết già đã có công năng làm êm dịu thần kinh chưa kể đến những cố gắng khác của việc ngồi thiền.
Kết quả trên cũng phù hợp với những lý luận của y học cổ truyền khi biết rằng ở thế kiết già, xương mác ở cẳng chân trái đã tạo một sức ép khá mạnh lên đúng vị trí huyệt Tam âm giao ở chân phải (huyệt Tam âm giao ở chỗ lõm bờ sau xương chày, trên mắt cá chân trong khoảng 6cm). Như vậy, trong suốt thời gian ngồi kiết già, huyệt Tam âm giao sẽ được kích thích liên tục. Tam âm giao là huyệt giao hội của 3 đường kinh âm: Tỳ, Can và Thận nên tác động kích thích này sẽ có tác dụng “thông khí trệ”, “sơ tiết vùng hạ tiêu” và điều chỉnh những rối loạn nếu có ở những kinh và tạng có liên quan, đặc biệt là tác dụng “Dưỡng âm kiện Tỳ” và “Sơ Can ích Thận” mà các thầy thuốc châm cứu đều biết khi tác động vào huyệt này. Những người có dấu hiệu căng thẳng thần kinh, những bệnh nhân “Âm hư hỏa vượng” hay gặp các cơn bốc hỏa về chiều và những phụ nữ đang ở tuổi mãn kinh sẽ dễ dàng cảm nhận được hiệu quả khi ngồi vào thế kiết già.
3. Giảm các kích thích giác quan
Một trong những yếu tố quan trọng để dễ nhập tĩnh là không bị các kích thích bên ngoài quấy nhiễu. Người xưa gọi là “bế ngũ quan”.
Trên thực tế, những quan sát qua điện não đồ cho thấy chỉ cần nhắm mắt để loại bỏ thị giác là đã giảm được 50% các kích thích từ bên ngoài. Do đó, nên nhắm mắt lúc ngồi thiền. Khi nhắm mắt chỉ cần khép hờ để bảo đảm không có sự căng cơ ở vùng mặt.
4. Giãn mềm cơ bắp
Ngày nay, khoa học đã biết rất rõ tác động qua lại giữa 2 yếu tố thần kinh và cơ. Khi thần kinh căng thẳng, trương lực cơ bắp cũng gia tăng. Ngược lại, nếu điều hòa trương lực cơ bắp ở mức thư giãn thì thần kinh cũng sẽ được ổn định. Chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này khi quan sát một người đang giận dữ. Khi tức giận, gân cổ nổi lên, cơ bắp căng cứng, bàn tay nắm chặt…; đó là lúc thần kinh quá căng thẳng. Ngược lại, hãy nhìn một người đang ngồi ngủ gật trên xe. Lúc người này thiếp đi là lúc thần kinh ở mức thư giãn, tâm không còn ghi nhận ý niệm gì cụ thể và cơ bắp cũng giãn mềm nên đầu dễ dàng ngoẹo sang một bên. Vì vậy, trong quá trình hành thiền, việc chủ động giãn mềm cơ bắp sẽ thúc đẩy nhanh quá trình thư giãn, nhập tĩnh.
Trên thực tế, chỉ cần quan tâm giãn mềm cơ mặt và cơ bàn tay là đủ. Điều này căn cứ vào hai quy luật: Thứ nhất, mặt và hai bàn tay là những vùng phản chiếu có các điểm tương ứng với toàn bộ cơ thể, do đó nếu thư giãn được vùng mặt hay hai bàn tay sẽ thư giãn được toàn thân. Thứ hai, theo học thuyết Paplop, khi tập trung gây ức chế thần kinh một vùng hoặc một điểm ở vỏ não (qua hiệu ứng thư giãn) thì sự ức chế này sẽ lan tỏa gây ức chế toàn bộ vỏ não.
5. Tập trung tâm ý
Đây là giai đoạn chính của buổi hành thiền. Như đã nói ở phần trên, thiền chính là sự tập trung tư tưởng vào một điểm hoặc một đề mục duy nhất để dần dần đạt đến tình trạng trống rỗng, không còn vướng mắc vào bất cứ một ý niệm nào. Để thư giãn thần kinh hoặc để chữa bệnh, chỉ cần duy trì tình trạng tập trung vào điểm hoặc vào đề mục tập trung trong một thời gian nhất định là đủ. Điều quan trọng là nên tập đều đặn hàng ngày, mỗi ngày một hoặc hai lần. Lúc đầu, ngồi khoảng 15 phút mỗi lần, dần dần tăng lên. Sau một thời gian, khi não bộ đã ghi nhận thói quen thiền thì việc ngồi vào tư thế, nhắm mắt, việc đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên hoặc ám thị giãn mềm cơ bắp sẽ hình thành nên những phản xạ có điều kiện để đưa người tập vào trạng thái thiền định.
Về điểm để tập trung tư tưởng, một vị trí ở vùng bụng dưới mà nhiều trường phái thường chọn làm điểm tập trung khi ngồi thiền là huyệt Đan điền, cách dưới rốn khoảng 3cm. Nên tập trung vào điểm này vì nhiều lẽ.
Theo y học cổ truyền, “thần đâu khí đó”. Do đó, khi tập trung vào một điểm ở vùng dưới cơ thể thì khí và huyết sẽ lưu chuyển về phía dưới, làm nhẹ áp lực ở vùng đầu, dễ dẫn đến nhập tĩnh.
Đan điền còn gọi là Khí hải hay Khí huyệt, ngụ ý là nơi “luyện thuốc”, là “bể chứa khí”. Đan điền là một huyệt quan trọng trong việc luyện dưỡng sinh của các đạo sĩ, các nhà khí công. Có nhiều trường phái khác nhau và việc tu luyện rất phức tạp. Tuy nhiên, các công phu của đạo gia nói chung và việc phát sinh nội khí để chửa bệnh nói riêng đều dựa vào bí quyết “hồi quang nội thị” hoặc “ngưng thần nhập khí huyệt”. Tâm không duyên ra ngoài, hướng đôi mắt vào trong gọi là hồi quang, tập trung thần vào bên trong cơ thể gọi là nội thị. Ngưng thần nhập khí huyệt chính là tập trung tâm ý tại Đan điền để phát sinh nội khí. Lâu dần chân khí được sung mãn sẽ khai thông các kinh lạc bế tắt hoặc bồi bổ cho ngủ tạng để tăng cường sức khoẻ.
Một số người tâm dễ xao động có thể cần một phương pháp kiểm soát tâm chặt chẽ hơn. Trường hợp này, nên kết hợp quan sát hơi thở với việc tập trung tại Đan điền bằng cách quan sát sự phồng lên và xẹp xuống tại bụng dưới. Lúc hít vào bụng dưới hơi phồng lên, lúc thở ra bụng dưới hơi xẹp xuống. Chỉ cần thở bình thường. Không cần quan tâm đến thở sâu hay thở cạn, đều hay không đều. Điều quan trọng ở đây là tập trung quan sát để biết rõ ta đang hít vào hay đang thở ra thông qua chuyển động phồng lên hay xẹp xuống ở bụng dưới. Sở dĩ chọn quan sát hơi thở ở bụng dưới mà không phải ở đầu mũi hoặc ở ngực là nhằm tạo quán tính thở sâu kết hợp với việc phát sinh nội khí ở Đan điền như đã dẫn ở phần trên. Thỉnh thoảng sẽ có những lúc tâm bị phân tán, các tạp niệm xen vào. Điều này là bình thường. Chỉ cần khi nhớ ra hãy tập trung trở lại Đan điền hoặc tiếp tục quan sát hơi thở vào ra là đủ. Lâu dần, những tạp niệm sẽ bớt đi, thời gian tập trung sẽ dài hơn, hơi thở sẽ đều, chậm và nhẹ hơn, cho đến lúc không còn ý niệm và quên luôn cả hơi thở. Nếu thường xuyên đạt đến tình trạng này, có nghĩa người tập đã tiến được một bước rất dài. Không chỉ là không bệnh tật mà còn là sự tự tin, cảm thông và hoà hợp để dần dần đạt đến điều mà người xưa gọi là thiên nhân hợp nhất.
6. Xả thiền
Sau khi ngồi thiền, trước khi đứng dậy cần làm một số động tác để cơ thể hết tê mỏi và khí huyết lưu thông bình thường. Từ từ buông thõng hai chân, xoay người qua lại nhiều lần, xoay ở vùng hông và vùng cổ. Dùng hai tay vuốt nhẹ hai bên sóng mũi từ đầu mũi xuống chót cằm, vuốt ấm vành tai. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho ấm rồi áp vào mắt. Dùng hai bàn tay xoa bóp dọc theo hai chân, từ đùi dài xuống bàn chân. Xoa ấm hai lòng bàn chân.
Việc xả thiền tùy thuộc vào mỗi buổi thiền. Nếu chỉ thiền khoảng 15 phút hoặc khi có công việc cần đứng lên gấp thì chỉ cần co duỗi hai chân và xoay người, hoặc lắc cổ qua lại nhiều lần là đủ.
Ngồi thiền có nguy hiểm không?
Một vấn đề cuối cùng mà những người mới tập thiền thường thắc mắc là liệu ngồi thiền có gây nguy hiểm gì không? Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào phương pháp và động cơ của việc ngồi thiền. Một số phương pháp thiền có phối hợp với vận khí hoặc có sự hỗ trợ khai mở một số trung tâm lực trong cơ thể nhằm thúc đẩy nhanh quá trình sinh khí và gia tăng nội lực. Các phương pháp này có thể gây những nguy hiểm đi kèm nếu người tập thiếu những kiến thức về khí công, về y học truyền thống hoặc không có đạo sư hướng dẫn để vận dụng và kiểm soát kịp thời nguồn năng lực mới phát sinh. Trái lại, nếu ngồi thiền để đạt đến sự tĩnh lặng trong tâm trí, để thư giãn thần kinh và tăng cường sức khỏe, không vận khí, không bám víu vào bất cứ ảo giác, âm thanh hoặc hình ảnh nào thì không có gì nguy hiểm.