Chọn đúng phương pháp thiền thích hợp sẽ đem lại hiệu quả tối đa cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Chọn đúng cách sẽ giúp tâm thêm tĩnh tại, sức khỏe không ngừng đi lên!
Giống như mỗi bộ phận trên cơ thể đều có chức năng khác nhau, mỗi loại thiền định cũng hướng tới những mục đích khác nhau. Bởi vậy, bạn cần tìm cho mình phương pháp thích hợp nhất, dựa trên tính cách và lối sống.
Dưới đây là 7 phương pháp thiền cơ bản nhất, với những lợi ích và bài tập riêng biệt.
Thiền tâm từ (thiền Metta)
Phương pháp này tập trung kết nối đến những cảm xúc yêu thương, quan tâm bạn dành cho ai đó hoặc điều gì đó. Người tập sẽ vừa thở sâu, vừa mở rộng tâm trí để đón nhận tình yêu thương và lòng nhân từ. Sau đó, họ sẽ gửi những thông điệp đầy quan tâm, chu đáo đó đến vũ trụ, đến những người đặc biệt, và đặc biệt là đến những người họ yêu quý.
Thiền Metta thích hợp cho những người hay giận dữ, bực bội, hay gặp mâu thuẫn nội tại. Thực hành kiểu thiền này sẽ giúp người tập tăng cường cảm xúc tích cực, giúp giảm stress, trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
Thiền quét cơ thể
Đây là kỹ thuật thiền khuyến khích người tập thả lỏng từng bộ phận mỏi mệt cơ thể, từ chân lên đầu. Thông thường, người tập sẽ mô phỏng chuyển động của sóng, đung đưa cạnh cơ thể để giảm căng cơ.
Phương pháp này rất thích hợp với những người bị đau nhức mãn tính, hay bị mất ngủ. Nó giúp bạn tăng cường cảm giác bình tĩnh và thư giãn. Các bước trong thiền quét cơ thể đều rất chậm rãi, giúp từ từ thả lỏng cơ thể, nên mọi người thường tập trước khi đi ngủ.
Thiền chánh niệm
Chánh niệm đang là phương pháp thiền được ưa chuộng nhất hiện nay. Người tập sẽ vận dụng cả 5 giác quan để cảm nhận thế giới xung quanh. Chánh niệm tập trung vào sự nhận thức hiện tại, giúp bạn chú tâm vào những suy nghĩ, cảm xúc, thói quen,… mà mình đang có, từ đó trở nên bình tĩnh, thấu hiểu hơn. Đặc biệt, bạn có thể thực hành phương pháp này mọi lúc, mọi nơi (đi làm, đi siêu thị, đang ăn,…) mà không cần chuẩn bị.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, chánh niệm có thể giúp giảm thiểu các suy nghĩ tiêu cực, cải thiện sự tập trung, tăng cường trí nhớ. Ngoài ra, một nghiên cứu khác cũng cho thấy nó có thể giúp làm giảm huyết áp.
Thiền thở
Đây là kiểu thiền chú trọng đến cách bạn điều hòa hơi thở. Người tập sẽ thở thật sâu và chậm rãi, vừa tập trung thở vừa đếm từng lần để tâm tĩnh tại.
Cũng giống như chánh niệm, thiền thở cũng đem đến những lợi ích tương tự, bao gồm giảm lo lắng, cải thiện sự tập trung và tăng cường sự linh hoạt cảm xúc.
Thiền kundalini
Phương pháp này là sự kết hợp giữa các động tác uốn vặn người, thở sâu và tụng thần chú. Thông thường, thiền kundalini được thực hành trong các lớp học. Loại thiền này giúp người tập đánh thức được năng lượng kundalini – năng lượng của sự sống – và giúp nó lan tỏa khắp cơ thể một cách dễ dàng.
Thiền kundalini giúp cải thiện sức mạnh thể chất và giảm thiểu đau nhức. Nó cũng giúp giảm lo lắng và trầm cảm.
Thiền Zen
Vì kiểu thiền này đòi hỏi phải có tư thế và kỹ thuật cụ thể, người tập cần có giáo viên để hướng dẫn. Thiền Zen tương đối giống thiền chánh niệm ở chỗ, nó bắt người tập phải chú tâm vào hơi thở và cảm nhận suy nghĩ mình, mà không được phán xét, đánh giá. Tuy nhiên, thiền Zen đòi hỏi kỷ luật và luyện tập nhiều hơn.
Người tập thiền Zen sẽ cảm thấy thanh thản vì họ tìm thấy bình yên trong chính nội tâm mình thông qua lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu. Phương pháp này rất thích hợp cho những người muốn thư giãn và được khai sáng về tinh thần.
Thiền siêu việt
Đây là phương pháp thiền phổ biến nhất mà mọi người thường nhắc tới. Khi thiền, người tập sẽ ngồi trên gối hoặc thảm, khoanh chân, đặt tay lên 2 đầu gối. Sau đó, họ sẽ ngồi yên, thở thật sâu và chậm, rồi đọc thần chú. Thời gian cho mỗi lần thiền là 20 phút/lần, với tần suất 2 lần/ngày.
Trong phương pháp thiền này, tư thế ngồi đóng vai trò rất quan trọng. Thế ngồi tựa hoa sen sẽ điều hướng năng lượng thoát ra từ tay và chân bạn quay lại cơ thể để sử dụng. Người tập sẽ cảm thấy tâm trí thông suốt hơn do các vướng bận đều bị loại bỏ. Những người bị PTSD hay trầm cảm thường tập thiền siêu việt để làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Theo Trí thức trẻ/Fitmo