Đạo Đức từ xa xưa đã là điều mà con người đặc biệt coi trọng, coi đó là điều kiện tiên quết làm người. Từ thời cổ đại, con người đã coi trọng đạo đức của người làm con là phải hiếu kính với cha mẹ. Có rất nhiều câu chuyện kể về những tấm gương hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ khiến Thần linh cảm động. Từ ngàn xưa đến nay, trung hiếu lễ tiết luôn được xem là cái gốc làm người.
Dùng “Hiếu” để trị quốc là một trong những tư tưởng cơ bản của các bậc Thánh Vương thời xưa. Một câu chuyện về lòng hiếu thảo hay được nhắc tới là chuyện về Ngu Thuấn, một vị vua huyền thoại nằm trong Ngũ Đế và một tấm lòng hiếu thảo cảm động đến cả trời xanh.
Mục lục
1. Sự hiếu thảo của vua Thuấn
Ngu Thuấn họ Diêu, tên là Trọng Hoa, là một vị vua huyền thoại thời cổ đại. Hoàn cảnh gia đình của Ngu Thuấn thật phức tạp. Ngu Thuấn mồ côi mẹ từ nhỏ. Ông sống cùng với cha, mẹ kế và người em trai cùng cha khác mẹ của mình. Cha tên là Cổ Tẩu, là người không biết phân biệt trắng đen phải quấy, xử lý công việc thì ương ngạnh tự tung tự tác, ngoan cố không chịu nghe lẽ phải.
Mẹ kế của Thuấn là một người điêu ngoa. Người này rất không thật thà, không thành khẩn, chỉ thích dối gạt, thường ưa nói dối, gây chuyện thị phi. Người mẹ kế này có đứa con trai tên là Tượng. Đứa em trai này không phải em cùng cha với Thuấn, là đứa con riêng của mẹ kế mang về. Do đó, Tượng không có mối liên hệ tình thân gì với Thuấn. Nhưng Thuấn vẫn nhận Tượng xem như em trai, đứa em trai này tính tình rất ngạo mạn.
Lúc Thuấn chưa làm vua, từng chịu nhiều khổ cực. Những nỗi khổ này do ai mang lại cho Thuấn? Đó chính là người cha. Cha của Thuấn vì sao lại đem đến cho con mình nhiều nỗi khổ sở như thế? Bởi vì Cổ Tẩu thương Tượng, đứa con của người vợ kế. Bọn họ ba người thường rắp tâm làm hại Thuấn. Thế nhưng, lần nào gặp nạn Thuấn cũng đều được bình an, tránh được ách nạn.
Có lần ông sửa chữa mái nhà kho, khi ông vừa leo lên đỉnh thì cha cùng em trai ở dưới lập tức phóng hỏa, còn đem thang cất đi muốn để ông chết cháy. Nhờ ông nghĩ ra cách dùng hai chiếc mũ rộng vành để nhảy xuống. Một lần khác, cha ông sai ông đi đào giếng. Khi ông đã ở dưới giếng sâu thì ở trên mặt đất cha cùng người em trai nhanh chóng lấy đất đá lấp xuống giếng hòng chôn sống ông. Ông đã nhanh trí đào một cái ngách bên cạnh và thoát chết.
Mặc dù người thân đã làm ra đủ loại sự tình khiến ông gặp phải hoàn cảnh hiểm nghèo, nhưng ông lại không hề mang hận trong lòng mà vẫn kính cẩn nghe lời cha mẹ, yêu thương em. Vì vậy mà lòng hiếu thảo của ông đã làm cảm động Trời Phật, phúc báo lần lượt kéo tới. Khi ông đi cày ở Lịch Sơn thì con voi thay ông cày ruộng, những con chim lại sà xuống làm cỏ giúp ông.
Năm Thuấn ba mươi tuổi, vua Nghiêu bấy giờ tuổi đã cao, nghe được tiếng đồn về đức hạnh của Thuấn, lại thêm được chư hầu khắp nơi tiến cử, vua Nghiêu bèn đồng ý cho Thuấn giúp vua xử lý việc triều chính. Vua Nghiêu đem hai con gái của mình (Nga Hoàng và Nữ Anh) gả cho Thuấn làm vợ, cũng để tiện theo dõi đức độ trong gia đình của Thuấn. Hai người vợ cùng ở một nhà thì khó mà hòa hợp với nhau. Vua Nghiêu sở dĩ cố tình làm thế, là muốn thử xem Thuấn có tài “tề gia” (xử lý chuyện trong gia đình) hay không. Kết quả là cả hai người vợ đều cung kính, chăm chỉ lo lắng việc nhà, không dám lấy danh phận là con gái vua mà khinh rẻ họ hàng của Thuấn. Thấy vậy, Vua Nghiêu còn sai chín người con trai đến bái Thuấn làm thầy, học những đạo đức và tư tưởng của Thuấn. Kết quả là chín người con này ngày càng nhân hậu lễ phép.
Trải qua nhiều năm quan sát và khảo nghiệm, vua Nghiêu đã cho ông làm người thừa kế ngai vị của mình. Sau khi lên làm vua, Ngu Thuấn vẫn không quên công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, thường xuyên về thăm cha mẹ và em trai. Đồng thời vẫn một lòng một dạ hiếu kính với cha mẹ mình. Lòng hiếu thảo của Ngu Thuấn được người đời ca ngợi cho đến ngày nay, trở thành một biểu tượng “hiếu đạo” trong văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Vua Thuấn qua đời tại Thương Ngô, làm vua được 49 năm, thọ 110 tuổi. Những năm cuối đời, vua Thuấn cảm kích công lao trị thủy của Vũ, nên vua Thuấn đã theo phép nhượng vị như vua Nghiêu mà nhường ngôi lại cho Vũ. Từ đây chính sách “Nhượng vị” của Trung Hoa lại thêm một trang mới.
Vua Thuấn là một vị hoàng đế hiếu thảo nhất của Trung Hoa, cho dù phụ thân, mẹ kế, đối với vua tệ bạc bao nhiêu, em trai kiêu ngạo đến thế nào, vua cũng không để trong lòng, vẫn giữ trọn lòng hiếu thuận.
2. Cô bé nhặt rác nuôi cha tàn phế: Lòng hiếu thảo đã cảm động Trời xanh
Áp lực cuộc sống đã khiến nhiều người từ bỏ gia đình của mình, để đi tìm một hoàn cảnh sống khác dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đó không phải là lựa chọn của cô bé người Thái Lan nọ.
Cô bé là con gái của một gia đình khá giả, cô bé có đầy đủ bố mẹ và một người em. Bố cô bé khi ấy đang là chủ thầu xây dựng, công việc làm ăn rất thuận lợi. Bất ngờ, khi làm việc tại công trường, cha em không may gặp tai nạn. Ông ngã từ tầng ba của tòa nhà. Tuy không mất đi mạng sống nhưng cha em lại trở thành người tàn phế, phải nằm một chỗ và mất hết sức lao động. Năm đó, em mới tròn bảy tuổi.
Tai nạn này đã khiến cho gia đình em nhanh chóng lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Mọi gánh nặng về kinh tế và chăm lo gia đình đều đặt lên vai mẹ em. Không biết có phải do trách nhiệm ấy quá nặng nề hay không, mà chỉ hai tháng sau, mẹ cô bé quyết định ra đi. Bà định mang theo cả em và em gái của em.
Lúc đó, mới là một cô bé bảy tuổi, nhưng em đã có những suy nghĩ của riêng mình. Em hỏi mẹ rằng em có thể ở lại cùng với cha hay không? Bởi em thấy, nếu cả mẹ và em cùng đi thì ai sẽ là người chăm sóc cho cha, người đang không thể tự mình làm bất cứ điều gì. Ngày hôm sau, mẹ bỏ đi. Cũng từ giờ phút ấy, em trở thành trụ cột mới của gia đình.
Không khó để hình dung những khó khăn mà em phải vượt qua. Cuộc sống của em trong năm năm sau ngày cha gặp nạn khiến nhiều người dân Thái Lan cảm thấy xót xa sau khi biết chuyện.
Để kiếm tiền trang trải cuộc sống, cô bé đã đi nhặt rác. Em tới những bãi rác lớn trong thành phố để tìm kiếm những chai lọ có thể bán đi. Nhưng công việc này không đủ để em trang trải những chi phí trong gia đình. Nên em lại xin đi bán rau trong chợ. Mỗi ngày công việc này mang thêm cho em một ít tiền. Satang có chia sẻ, đối với em, kiếm đủ tiền để mua gạo và thức ăn không phải là điều quá khó. Nhưng có đủ tiền mua tã giấy cho cha mới là điều khiến em lo lắng. Bởi đó là thứ duy nhất giúp cha được sạch sẽ, phần nào giúp cha cảm thấy thoải mái khi nằm cả ngày.
Mới ở độ tuổi còn đi học, còn được nô đùa và khám phá cuộc sống, thì những nỗi lo cơm áo gạo tiền đã lại trở thành một phần cuộc sống của em.
Ấy vậy mà cô gái bé nhỏ nhưng mạnh mẽ này không bao giờ kêu ca. Không biết từ đâu, em có được sức mạnh của kiên nhẫn và chịu đựng như vậy? Nghĩ tới cảm nhận của cha, tới những điều cha đang trải qua có lẽ là một câu trả lời hợp lý. Khi ở nhà, cha hỏi em rằng, phải lo lắng cho ông như vậy em có mệt không? Dù hôm ấy có mệt thật, em cũng sẽ nói dối rằng “con vẫn ổn, cha đừng lo”. Cô bé không muốn cha thấy em khóc hay cảm thấy em yếu đuối.
Người ta thường thấy, cha mẹ tận tụy, hi sinh mọi điều vì con cái, nhưng không có mấy hoàn cảnh giúp người ta hiểu, con cái cũng có thể gánh vác, chăm sóc cho cha mẹ chu đáo ở lứa tuổi nhỏ bé như vậy. Em không chỉ là người kiếm sống nuôi thân thể cha, mà còn là chỗ dựa tinh thần cho ông.
Cô bé lặng lẽ cố gắng, lặng lẽ kiên cường suốt năm năm như thế, cho đến ngày một người lạ biết đến và cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của em.
Anh Poramet một nhà hảo tâm đã biết đến hoàn cảnh của em qua một người bạn. Anh đã tới tận nơi mà hai cha con cô bé đang sinh sống tại quận Bangpoo, tỉnh Samut Prakan. Hai cha con đang phải sống trong một căn nhà tạm bợ, ngổn ngang và đầy mùi hôi thối.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy có ý nghĩa rất lớn với hai cha con cô bé. Bởi sau một thời gian lâu như vậy, cuối cùng cũng có người quan tâm đến cuộc sống của cha con em. Không chỉ dành cho hai cha con sự quan tâm, thăm hỏi tinh thần, anh Poramet còn bắt đầu giúp đỡ hai cha con những nhu yếu phẩm cơ bản của cuộc sống.
Cô gái bé nhỏ ấy đã viết nên một câu chuyện cổ tích về lòng hiếu thảo ngay giữa đời thực khi em mới bảy tuổi. Những người cảm nhận được tấm lòng hiếu thảo ấy của em đã đang và sẽ giúp em viết tiếp một kết cục có hậu cho câu chuyện chan chứa tình người này.
Hiện nay, cô và cha đã nhận được rất nhiều sự trợ giúp, cuộc sống của hai cha con đã đỡ vất vả hơn phần nào.
3. Những tấm gương hiếu thảo: Sẵn sàng chịu chết thay cha
Phan Tống là người huyện Ngô Hưng, tỉnh Chiết Giang. Gặp lúc Tôn Ân làm loạn giặc cướp nổi lên khắp nơi. Phan Tống sống với người cha già đã hơn bảy mươi tuổi, đi lại rất khó khăn. Trong cơn hỗn loạn, Phan Tống phải cõng cha chạy nạn. Vì cõng cha trên lưng nên không thể chạy nhanh theo kịp mọi người, xem ra rất dễ rơi vào tay bọn giặc cướp.
Người cha già liền bảo Phan Tống: “Cha tuổi già sức yếu không thể chạy trốn được, nhưng tuổi con còn trẻ, sức khỏe dồi dào, nếu chạy một mình thì có thể thoát khỏi tay giặc cướp. Nếu cõng cha theo thì con sẽ chạy rất chậm, nhất định sẽ bị bọn giặc cướp làm hại. Thế thì cả hai cha con ta đều gặp nạn, chi bằng con cứ chạy một mình đi, như vậy sẽ bảo toàn được tính mạng cho con.”
Phan Tống tuy nghe cha hết lời khuyên nhủ như thế nhưng vẫn nhất định không chịu bỏ cha lại để thoát thân một mình. Chàng cõng cha theo trên đường chạy loạn, kết quả là bị bọn giặc cướp bắt được. Thấy chúng hùng hổ tiến đến, chàng quỳ xuống van xin: “Cha tôi đã hơn 70 tuổi, xin các người hãy thương tình buông tha, bảo toàn tính mạng cho ông ấy!”
Nghe con nói vậy, người cha cũng cũng quỳ xuống cầu xin: “Con trai của tôi tuổi còn trẻ, lẽ ra đã có thể chạy thoát được rồi, nhưng vì không nỡ bỏ tôi nên quyết định ở lại. Tôi đã già, dù chết cũng không có gì đáng nói, chỉ cầu xin các người hãy tha cho tính mạng của nó”.
Khi ấy, có một tên cướp vung đao định chém người cha, Phan Tống lập tức lao tới nhanh như tên bắn, ôm chặt lấy cha, đưa lưng nhận lấy lưỡi đao hung hãn đó. Tên cướp bị bất ngờ hơi chùng tay lại nên đường đao lệch sang chém xuống bả vai Phan Tống, máu tuôn lai láng, khiến chàng trai nhất thời hôn mê bất tỉnh.
Ngay khi ấy có một tên cướp khác chạy đến, nói với đồng bọn: “Người thanh niên này liều chết cứu cha, là hiếu tử rất đáng quý, sao có thể giết anh ta được? Giết hiếu tử là việc làm báo hiệu điềm xấu, trời đất không tha, chúng ta nhất định không được giết.”
Nghe vậy, cả bọn liền vội vàng lo cứu chữa, băng bó vết thương cho Phan Tống. Sau đó, họ còn cử người đưa hai cha con trở về nhà an toàn. Lòng hiếu thảo của Phan Tống làm cảm động cả đến những tên cướp hung bạo nhất. Sau đây là câu chuyện về người con dấu hiếu thảo làm cảm động cả trời xanh.
4. Nàng dâu hiếu thảo
Vào năm Canh Tý, niên hiệu Càn Long nhà Thanh, trên đoạn đường Trúc Tà ở Bắc Bình xảy ra hỏa hoạn. Trận hỏa hoạn này làm thiệt hại hơn trăm ngôi nhà, số người chết và bị thương có hơn ngàn người, hết sức thê thảm, còn số tài sản bị tổn thất càng không thể kể xiết.
Trong khi lửa cháy phừng phừng, thiêu rụi tất cả, khắp nơi nhà cháy tường ngã trông thật kinh người, thì lạ thay có một ngôi nhà cũ kỹ rách nát lại vẫn bình yên trong biển lửa.
Vì sao lại có chuyện lạ kỳ đến ngoài sức tưởng tượng như thế? Theo lời người dân ở đó kể lại thì trong ngôi nhà cũ kỹ rách nát đó chỉ có hai người sống. Một lão bà đã hơn sáu mươi tuổi và đứa con dâu mới hơn hai mươi tuổi. Mẹ chồng, nàng dâu cùng nương nhau để sống từ nhiều năm qua, từ khi con trai của bà lão không may qua đời vì tai nạn. Mọi người đều khuyên cô vợ trẻ nên tái giá, nhưng cô kiên quyết chối từ vì thương mẹ chồng già yếu bệnh tật, không thể thiếu sự chăm sóc của cô.
Cô đã chấp nhận hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình, quả thật là một nàng dâu hiếm có trên đời! Suốt mấy năm dài, cô gái trẻ hết lòng chăm sóc mẹ chồng mà không một lời than oán, nét mặt không biểu lộ vẻ mệt mỏi. Thật là một việc làm không khỏi khiến cho tất cả mọi người đều kính phục.
Trong khi xảy ra trận hỏa hoạn, người mẹ vì bệnh hoạn không thể chạy ra, đứa con dâu sức yếu cũng không biết làm sao đưa mẹ đi tránh lửa, quyết ở lại cùng bà. Chẳng bao lâu, họ nhìn ra chung quanh thấy lửa dậy phừng phừng không còn biết nơi nào có thể trốn tránh được nữa. Hai mẹ con chỉ còn biết ôm nhau chờ chết.
Kỳ lạ thay, vào lúc ngọn lửa dữ đang thiêu rụi những ngôi nhà xung quanh đã đến sát nhà của hai mẹ con cô thì có cơn gió mạnh thổi đến, đẩy ngọn lửa sang một hướng khác. Nhờ đó ngôi nhà cũ kỹ rách nát mới thoát được cơn hỏa hoạn và cả hai mẹ con đều được an toàn. Sau chuyện này, mọi người chung quanh đều bảo nhau rằng chính là do lòng hiếu thảo của cô con dâu đã cảm động thấu trời xanh, khiến cho xảy ra điều kỳ diệu cứu thoát cả hai mẹ con trong biển lửa.
Những tấm gương hiếu thảo qua 4 câu chuyện trên đây khiến trời đất cảm động, người đời ngợi ca. Đức Phật dạy rằng: Hiếu với Mẹ Cha tức là kính Phật. Nếu ở đời không có Phật thì hãy khéo thờ cha mẹ. Khéo phụng thờ cha mẹ như phụng thờ Phật vậy (Kinh Đại Tập). Chỉ cần ăn ở ngay thẳng, hiếu thảo với cha mẹ tất có phúc báo.