Kim cương Bát Nhã Ba La Mật kinh và Phổ Môn – Thích Giác Quả
Tác giả: Thích Giác Quả Category: Giảng luận Publisher: 1997 Tags: bát nhã | kinh kim cang | Kinh Kim Cương | phẩm phổ môn |Trong tập này gồm kinh Kim Cang và phẩm Phổ Môn, cả hai nội dung này đều chuyển tải tư tưởng kinh điển thuộc hệ Bắc tông.
– Nội dung kinh Kim Cang là đại ý tiêu biểu của tư tưởng hệ Bát Nhã, nhằm xiển dương tinh thần Vô trụ bất cứ đối tượng nào (sáu trần) để đoạn tận chấp thủ ngã (và pháp), thành tựu Chánh tri kiến Vô lậu, Vô ngã, tức viên mãn Trí tuệ Bát Nhã, hội nhập quả vị Phật-đà. Đấy là con đường thực hiện hạnh nguyện Bồ Tát qua nội dung Lục độ với tiêu chí Vô trụ để chuyển hóa Lục độ thành Lục độ Ba La Mật, viên mãn tự độ, độ tha, tức viên thành Đại Từ bi, Đại Trí tuệ, đạt quả vị giải thoát cuối cùng – Phật-đà.
– Nội dung phẩm Phổ Môn thuộc tư tưởng kinh Pháp Hoa. Pháp Hoa được mệnh danh là Kinh Vua – Kinh đứng đầu và dung nhiếp hết thảy các kinh. Được quy ước như thế, bởi lẽ tư tưởng Pháp Hoa 4 khẳng định: Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật (Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh); đồng thời, độc tôn ở địa vị Phật thừa (Nhất thừa) – thừa sau cùng để Ngộ-Nhập quả Phật, qua bảo chứng của thuật ngữ Hội tam quy nhất (Hành giả của ba thừa Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đều phải tu Phật thừa này để viên mãn quả Phật).
Xét phẩm Phổ Môn, nằm trong 14 phẩm sau của kinh Pháp Hoa, thuộc phần Bản môn1, phần giới thiệu những pháp hành Ngộ-Nhập Tri kiến Phật (Ngộ-Nhập quả vị Phật-đà). Phổ Môn là một pháp hành để Ngộ-Nhập Tri kiến Phật ấy. Theo Phổ Môn, hành giả muốn Ngộ-Nhập phải thực hiện Lục Độ – thực hiện với tiêu chí Vô ngã (Biểu tưởng là Bồ Tát Quán Thế Âm) để chuyển hóa Lục độ thành Lục độ Ba La Mật, nhằm tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Khi viên mãn hai đức tánh tự giác, giác tha chính là thời điểm hành giả đã Ngộ-Nhập Tri kiến Phật vậy.
Tư tưởng Kim Cang và Phổ Môn xem ra có sự tương đồng nhiều hơn dị biệt. Đấy là đều cùng thực hiện pháp hành Lục độ với tinh thần Tam luân không tịch2 (thành tựu Lục độ Ba La Mật) hay tinh thần Vô trụ, Vô ngã để hoàn thiện hai đức tánh Từ bi, Trí tuệ; tự giác, giác tha, thành tựu Trí tuệ Bát Nhã Ngộ-Nhập Tri kiến Phật (Ngộ-Nhập quả vị Phật-đà).
Do ý nghĩa vừa trình bày, bút giả mạo muội in hai Kinh này vào chung một tập, tạo thuận duyên để quý độc giả đối chiếu khi nghiên cứu hay tu tập.
Trân trọng kính giới thiệu đến quý độc giả, quý Thiện hữu tri thức đồng học, đồng tu.
Kính
Chùa Hồng Đức, Mùa Phật Đản PL.2556
TK. Thích Giác Quả
Trở lại