Hoa sen hóa sanh thù thắng biết bao! Không cần đi tìm cha mẹ, không cần chịu đựng mười tháng, trong kinh Phật ví nó như “thai ngục”. Ở trong thai chẳng khác nào ở trong địa ngục, người mẹ uống một ly nước lạnh, thai nhi giống như đang ở trong địa ngục băng hàn. Người mẹ uống một ly nước nóng, thai nhi giống như đang ở trong địa ngục bát nhiệt, khổ không tả xiết! Bởi vậy sau mười tháng sinh ra, hoàn toàn quên hết những chuyện trong quá khứ. Vì sao họ quên? Vì ở trong thai quá khổ, đau khổ cùng cực khiến họ quên hết những tổn thương trong quá khứ. Nếu khi ở trong thai rất an vui tự tại, không có đau khổ, thì vấn đề trong nhiều đời kiếp quá khứ họ sẽ ghi nhớ rất rõ ràng. Chúng ta có thể hiểu đạo lý này.
QUÁN TƯỞNG BÀO THAI NHƯ TÙ NGỤC
Phép quán này thành tựu thì thấy rõ được đủ mọi thảm trạng [của chúng sinh] khi ở trong bào thai. Đây chính là phương tiện đầu tiên để ngăn dừng sự tham muốn dâm dục. Khi cha mẹ còn chưa sinh ta ra, nào biết mặt mũi lúc ấy ở nơi nào? Chỉ vào thời điểm đầu thai, chợt nhìn thấy cảnh [cha mẹ] hành dâm mà khởi tâm tham muốn ái luyến. Lòng dâm một khi sinh khởi, lập tức bị bao trùm giữa tinh cha huyết mẹ. Từ đó chịu giam hãm trong bào thai mười tháng, lần lượt [chịu các nỗi khổ để] đền trả những món nợ [nghiệp báo] đã vay. Khi người mẹ ăn các món nóng nảy, thai nhi phải chịu khổ như ngâm trong nước nóng. Khi người mẹ uống nước lạnh vào, thai nhi phải chịu rét buốt như nằm giữa khối băng. Khi người mẹ ăn no bụng, thai nhi [bị ép chặt đến nỗi] đỉnh đầu như có treo túi sắt nặng. Lúc mẹ đói chưa ăn, trong bụng trống rỗng, thai nhi [sợ sệt vì] như lơ lửng giữa khoảng không, không nơi bám víu.
Đến kỳ sinh nở, mẹ đối mặt với hiểm nguy, cha kinh hãi sợ sệt, quyến thuộc tụ hội quanh giường sản phụ cầu trời khấn đất, thai nhi lúc ấy như bị kẹp chặt giữa hai quả núi, thật khó khăn như không thể thoát ra. Bà mụ đưa tay vào nắm đầu lôi, thai nhi cảm thấy như đao kiếm cắt đâm vào da thịt. Vừa thoát được ra bên ngoài liền bật lên tiếng kêu khóc lớn, đau đớn khi ấy tưởng như không sao chịu nổi. Những người chung quanh không biết được việc này, [nhìn thấy trẻ được sinh ra thì] đều vỗ tay mừng vui, đâu biết rằng chính những người hôm nay vui mừng đó, ngày trước cũng đã từng trải qua đau đớn khổ não như vậy không khác.
Đêm khuya thanh vắng, lắng lòng suy nghĩ mới thấy rằng, [người đời phải chịu đựng bao nỗi thống khổ như thế mà không hề nghĩ đến việc làm sao để thoát ra,] thật là điều kỳ quái biết bao! Những điều nói trên không phải do ức đoán, mà có ghi chép rõ ràng trong kinh Ngũ vương. Kẻ phàm phu đam mê ái dục, do đó mà đời đời kiếp kiếp phải chìm đắm trong khổ não khốn cùng, trải qua vô số kiếp đều phải tự mình gánh chịu, không ai thay thế được. Nếu muốn phá trừ quân ma phiền não, người có trí phải bắt giữ được ngay tên chủ soái của giặc. Chủ soái đó chính là con ma dâm dục. Ma dâm dục đã bị giết chết thì bao nhiêu quân ma còn lại đều sẽ đại bại.
Tiếp theo đây sẽ [căn cứ vào kinh văn] để miêu tả rõ ràng những thảm trạng con người phải trải qua khi ở trong bào thai. Mong sao người đời khi hiểu thấu được rồi sẽ sớm phát tâm mong cầu giải thoát, chỉ một lần này đã sinh ra, quyết [tu tập chứng ngộ để] không còn phải tiếp tục phải chịu nỗi khổ trong bào thai như tù ngục. Kinh Tu hành đạo địa dạy rằng:
1. Bào thai hình thành trong thời gian 7 ngày đầu tiên không có sự tăng giảm.
2. Sang tuần thứ hai, hình trạng như khối cao sữa loãng.
3. Đến tuần thứ ba hình trạng [hơi sệt] như khối cao sữa sống, qua tuần thứ tư chuyển thành như khối cao sữa đã ủ chín.
4. Đến tuần thứ năm thì hình trạng chỉ như khối bơ sống, tuần thứ sáu thì có da thịt hình thành bao quanh như lớp màng bọc.
5. Đến tuần thứ bảy thì hình trạng như khối thịt, sang tuần thứ tám thì độ cứng chắc của bào thai chỉ tựa như khối đất sét còn chưa nung.
6. Đến tuần thứ chín, thai nhi bắt đầu hình thành năm bọc dịch, tức là [nền tảng để sau này] tạo thành hai đùi, hai khuỷu tay và cổ.
7. Sang tuần thứ mười thì hình thành đủ tứ chi và đầu.
8. Vào tuần thứ mười một, bào thai hình thành cả thảy 26 bọc dịch [ở những vị trí sẽ phát triển thành] mười ngón tay, mười ngón chân và hai mắt, hai tai cùng với mũi và miệng.
9. Sang tuần thứ mười hai, hình dạng bên ngoài hoàn chỉnh.
10. Vào tuần thứ mười ba, hình dáng của ruột đã hình thành bên trong bào thai, sang tuần thứ mười bốn thì hình thành ngũ tạng.
11. Đến tuần thứ mười lăm thì hình thành ruột già, tuần thứ mười sáu hình thành ruột non.
12. Tuần thứ mười bảy, trong bào thai đã có dạ dày, sang tuần thứ mười tám hình thành hai tạng.
13. Tuần thứ mười chín sinh ra hai bàn tay, bàn chân, các phân đoạn cánh tay. Đến tuần thứ hai mươi, sinh ra bộ phận sinh dục, rốn, gò má và vú.
14. Tuần thứ hai mươi mốt, bào thai hình thành 300 đốt xương mềm, hình trạng giống như quả bầu non. Tuần thứ hai mươi hai, hình trạng giống như quả bầu [đã lớn nhưng] chưa già.
15. Đến tuần thứ hai mươi ba, bào thai đã có hình trạng cứng cáp như quả bầu già. Tuần thứ hai mươi bốn, bào thai hình thành một trăm đường gân [trong toàn cơ thể].
16. Tuần thứ hai mươi lăm, bắt đầu hình thành 7.000 kinh mạch nhưng chưa hoàn thành trọn vẹn, sang tuần thứ hai mươi sáu thì kinh mạch đã lớn dài hoàn hảo, hình tượng như những sợi tơ ngó sen.
17. Tuần thứ hai mươi bảy, bào thai đã hình thành được ba trăm sáu mươi ba đường gân. Tuần thứ hai mươi tám, bắt đầu hình thành các lớp thịt.
18. Tuần thứ hai mươi chín, các lớp thịt đã hình thành khá dày.
19. Tuần thứ ba mươi, mới bắt đầu có hình tượng lớp da bao quanh.
20. Tuần thứ ba mươi mốt, lớp da đã có độ dày và chắc hơn.
21. Tuần thứ ba mươi hai, lớp da bao quanh bào thai phát triển hoàn chỉnh.
22. Tuần thứ ba mươi ba, những bộ phận như lỗ tai, lỗ mũi, hai vai, các ngón tay, đầu gối đều hình thành.
23. Tuần thứ ba mươi tư, bào thai khởi sinh 99 vạn lỗ chân lông, nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh. Tuần thứ ba mươi lăm, các lỗ chân lông phát triển hoàn thành.
24. Tuần thứ ba mươi sáu, hình thành đầy đủ các móng chân, móng tay.
25. Tuần thứ ba mươi bảy, trong bụng mẹ có gió nổi lên, thổi thông suốt qua bảy lỗ trên thân thai nhi.
26. Tuần thứ ba mươi tám, tùy theo nghiệp thiện ác đã tạo trong đời trước của thai nhi mà hình thành hai loại gió, có hương thơm hoặc hôi hám, do đó xác định dung mạo, cốt cách [sau này] của thai nhi là sang quý hay hèn hạ.
Vào lúc này, thai nhi còn thiếu 4 ngày mới được tròn 9 tháng. Sau 4 ngày đó, có gió nổi lên [trong bụng mẹ], thổi vào thai nhi khiến cho phải đảo lộn tư thế, xoay đầu về phía dưới, hướng đến cửa mình người mẹ. Nếu là người có nhiều phúc đức, khi ấy sẽ có cảm giác [thoải mái] như vào hồ tắm, hoặc tự thấy mình đi đến nơi có nhiều hương thơm hoa đẹp. Nếu là người vô phúc, khi ấy sẽ có cảm giác [hốt hoảng] như từ trên đỉnh núi cao rơi xuống, hoặc tự thấy như mình bị treo trên cây, bên dưới có đầy đao sắc kiếm nhọn, trong lòng khổ não không vui. Vào thời điểm ra khỏi lòng mẹ, thai nhi cảm thấy như có hai quả núi ép vào thân thể mình, đau đớn khổ sở khôn lường, do đó thần thức trở nên hôn mê rối loạn, không thể nhớ được những chuyện đã qua. Hài nhi sinh ra rồi lớn dần lên, do ăn uống vào người đủ loại thực phẩm, nên bên trong cơ thể liền sinh ra tám mươi loại trùng.
A Di Đà Phật.
Pháp sư Tịnh Không chủ giảng.
Cung kính trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa – Tập 225
An Sĩ Toàn Thư – Khuyên người bỏ sự dâm dục.