{TẬP 48}: Tôi tiếp nhận pháp môn Tịnh Độ là sau khi học Phật bảy năm, không phải dễ dàng. Cho nên lão sư có trí tuệ, có phương pháp, trên Kinh Phật thường nói “phương tiện khéo léo”. Thầy có phương tiện khéo léo, thầy hiểu được làm thế nào để dẫn dắt. Khi tôi còn trẻ ưa thích đọc sách, ưa thích học vấn, cho nên tiếp xúc Phật môn, lão sư biết được niệm Phật là tốt, nhưng nếu thầy dạy tôi pháp môn này, tôi liền lắc đầu mà đi, e rằng sẽ không đến học Phật nữa. Vì sao vậy? Đối với lý luận, phương pháp, cảnh giới không hề biết chút gì về pháp môn này, thầy nói cho tôi nghe, tôi hoài nghi, tôi sẽ còn có một tràng nghịch lý để tranh luận với thầy, vậy thì rất phiền phức. Cho nên lão sư cao minh, thuận theo thị hiếu của tôi để dạy tôi. “Anh thích nghiên cứu. Được! Tôi sẽ để cho anh đi nghiên cứu, dần dần từng bước, từ trong Kinh luận Đại – Tiểu Thừa sẽ dẫn anh vào Tịnh Độ”. Phương pháp này rất cao minh. Nếu thầy trực tiếp giới thiệu cho tôi, tôi không thể tin tưởng. Thầy dùng những phương pháp vòng vèo, quanh co, dẫn dắt tôi đi đến con đường này, sau đó mới phát hiện pháp môn này cao.
Ban đầu tôi mới học Phật, tiên sinh Đông Phương Mỹ dạy tôi đem Phật pháp xem thành triết học. Phật pháp có mười tông phái. Tánh Tông và Tướng Tông giảng đạo lý, chúng ta cảm thấy đó là tốt, đó là triết học; còn Tịnh Độ Tông, Mật Tông là mê tín, đội lên trên hai chữ mê tín, xem Kinh điển cũng không thèm xem qua, đến sau này mới hiểu. Tôi chân thật làm sao hiểu được? Tôi xin nói qua với các vị, khi tôi giảng “Kinh Hoa Nghiêm” mới phát hiện. Tôi phát hiện trên Hội Hoa Nghiêm, từ Văn Thù, Phổ Hiền, bốn mươi mốt vị Pháp Thân Đại Sĩ thảy đều niệm Phật cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Việc này làm cho tôi giật thót cả người, tôi không hề nghĩ đến. Chúng ta tôn kính nhất là Bồ Tát Phổ Hiền, Ngài đại biểu trí tuệ đệ nhất (triết học chính là cầu trí tuệ), Ngài niệm Phật cầu vãng sanh, vậy chúng ta còn dám nói việc vãng sanh này là sai, việc vãng sanh là rất mê tín không? Nếu như pháp môn này không phải là pháp môn chân thật thù thắng đệ nhất, Bồ Tát Văn Thù quyết sẽ không tu pháp môn này, Bồ Tát Phổ Hiền cũng tuyệt đối sẽ không tu pháp môn này. Quán Âm, Thế Chí thì càng không cần phải nói, người của Thế giới Tây Phương Cực Lạc mà. Cho nên, thấy những vị đại Bồ Tát này, không có vị nào mà không ở Thế giới Cực Lạc, không có vị nào mà không có quan hệ mật thiết với A Di Đà Phật, chúng ta như vậy mới nhận thức Tịnh Độ, thấy vậy mới chân thật quay đầu lại.
Cho nên, chỗ này “đỗ ác thú, khai thiện môn”, “khai thiện môn” là chuyên chỉ Tây Phương Tịnh Độ, đem tất cả pháp môn Đại Thừa khác đều giáng xuống thấp. Đây không phải là có ý giáng thấp, các vị nhất định phải tường tận, việc giáng thấp này là từ trên căn tánh chính chúng ta mà nói. Ở trên Kinh Phật nói: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”, thế nhưng những pháp môn này, thực tế mà nói, chúng ta không cách gì học được. Đi thưởng thức thử xem, quyết định không thể thành tựu. Thành thật mà nói, căn tánh của tôi còn mạnh hơn thầy tôi một chút. Thầy tôi – lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nhận biết pháp môn này còn khó khăn hơn tôi. Thầy vẫn không chịu phục, thầy vẫn đi học Thiền, học Mật, học Giáo, tốn rất nhiều thời gian, học qua rất nhiều thứ. Đến sau cùng gặp được Pháp sư Ấn Quang, bị Lão Pháp sư quở mắng mới chịu buông bỏ, quay về Tịnh Độ. Thầy thường nói với chúng tôi, chí ít thầy đã lãng phí thời gian 20 năm. Thời gian tôi lãng phí mới có bảy năm, thầy lãng phí hơn 20 năm, căn tánh của tôi mạnh hơn thầy một chút. Đó chính là cá nhân căn tánh không như nhau, quay đầu có sớm trễ. Chúng ta tiếp xúc quần chúng rộng lớn nhất định phải có lòng nhẫn nại, phải có trí tuệ, phải có phương tiện.
• (Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh – Tập 48)
• Giảng lần thứ 10 tại Singapore
• Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không