“Ngũ, thính giả vô yếm” nghe Phật giảng kinh thuyết pháp, vĩnh viễn không mệt mỏi, điều này đúng là không thể nghĩ bàn. Người thế gian này làm gì đều mệt mỏi, có khi mệt chán. Duy chỉ có nghe Phật giảng kinh, nghe Bồ Tát thuyết pháp, mãi mãi không chán ghét, càng nghe càng hoan hỷ, hoàn toàn tương phản với những gì tôi đang nói. Nghe một lần còn được, hai ba lần là bắt đầu chán ghét, không muốn nghe nữa, đây là do nguyên nhân gì? Nghe không hiểu, không nếm được pháp vị.
Câu thứ ba ở trước nói: “Nhập tâm kính ái”, quý vị chưa nhập, nếu thật đã nhập tâm, quý vị sẽ đạt được pháp hỷ, gọi là pháp hỷ sung mãn. Không hề chán ghét, nghe rồi tinh thần tăng gấp trăm lần, vì sao không đạt được pháp hỷ? Ngài Ấn Quang nói, chưa đủ tâm cung kính. Cho nên hiện nay giảng kinh, người nghe kinh rất khó, người học kinh càng khó hơn, vì sao vậy? Vì tâm bồng bột nên không cách nào thâm nhập được. Đến đâu để tìm một thính chúng, thật sự buông bỏ vọng niệm, nhất tâm chuyên chú để nghe, không tìm được người như vậy, nhưng người đó nghe kinh sẽ sanh pháp hỷ.
Chúng tôi nghiên cứu kinh giáo suốt 60 năm, nếu không có pháp hỷ, có thể duy trì được chăng? Có thể làm được thời gian lâu như vậy sao? Càng làm càng hoan hỷ, chính là pháp hy sung mãn. Khi tôi giảng bài cũng thường đề xuất, nhưng chư vị đồng học có nghe hiểu hay không, tôi cũng không biết được. Mỗi lần tôi lên bục giảng, như người xưa gọi là nói trắng ra, không giữ lại một chút gì, những gì tôi biết đều nói ra hết. Nhưng ngày mai nói, lại có rất nhiều điều mới lạ, điều mới lạ phải chăng là hôm nay tôi giữ lại? Không phải. Điều mới là do tối hôm nay đã phát hiện, mỗi lần đọc lại đều có ý mới trong lần đó, nên quý vị đọc mãi không chán, không mệt. Nếu trong đó nói đều giống nhau, mỗi lần đều giống nhau, xem một lần là không muốn xem lần thứ hai nữa.
Quý vị thử xem báo, thử xem tạp chí, quý vị muốn xem lần thứ hai không? Văn chương hay càng xem càng thích, nhưng xem mười lần, hai mươi lần không muốn xem thêm, đây là kinh nghiệm của chính tôi. Lúc nhỏ thích xem tiểu thuyết, bốn trước tác lớn của Trung Quốc rất lôi cuốn như: Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử Truyện, Hồng Lâu Mộng. Đây là bốn tiểu thuyết lớn, mỗi loại, thời trẻ khi còn đang đi học, ít nhất đều xem mười lần, nhưng sau mười lần là không muốn xem, không còn hứng thú nữa. Nhưng kinh Phật xem một ngàn biến cũng không chán, rất thú vị!
Có khi xem quên cả ngủ, khi muốn ngủ thì trời đã sáng, đây là chuyện thường. Bây giờ tuổi lớn, biết giấc ngủ rất quan trọng, lúc còn trẻ chưa biết. Một tuần luôn có một hai đêm xem kinh đến sáng, không ngờ thời gian qua đi rất nhanh! Nên quý vị thật sự hiểu, thật sự hiểu được ý vị. Nghe kinh cũng như vậy, vĩnh viễn nghe không chán, ý nghĩa không giống nhau. Một bộ kinh giảng 10 lần, ý nghĩa vẫn khác nhau, mỗi lần đều không giống nhau, chính là nói ngày ngày đều khác nhau, đây gọi là sức thu hút của kinh điển.
Nếu không có pháp hỷ này, không có lãnh hội này, là do tập khí phiền não của quý vị rất nặng, căn bản quý vị chưa thâm nhập. Nghe cũng rất miễn cưỡng, xem cũng rất miễn cưỡng. Nhưng nếu kiên nhẫn duy trì, có thể nửa năm, một năm, sẽ nếm ra được pháp vị, vì sao vậy? Vì tâm đã thanh tịnh. Tâm càng thanh tịnh, lãnh hội càng sâu sắc. Phiền não tập khí càng nặng, càng khó lãnh hội được. Đọc tụng hay nghe giảng đều cùng một đạo lý này, nhưng ngày nay nghiệp chướng nặng nề, tâm bồng bột nên rất khó khăn.
TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA – TẬP 440
CHỦ GIẢNG: HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 06.06.2011
Địa điểm: Cang Sơn Tịnh Tông Học Hội_Nhật Bản
XIN THƯỜNG NIỆM A DI ĐÀ PHẬT _()_