Trong những ngày qua tôi thường thường nói: “đi đường nào phải đi thẳng một đường, không được sơ suất”. Nếu mình đi con đường phá nghiệp, mình là người tự lực tu chứng. Đã là tự lực tu chứng rồi thì đành bỏ rơi quang minh của A Di Đà Phật.
Còn người nào quyết lòng nương theo quang minh của A Di Đà Phật, thì đối với nghiệp chướng trùng trùng trong quá khứ A Di Đà Phật nói: “Không sao đâu con, đừng làm như vậy nữa. Quyết lòng sám hối đi…”. Sám hối như thế nào?… Một câu A Di Đà Phật mà sám hối.
Quý vị nghĩ thử một người chỉ ngộ ra trước những giờ phút lâm chung với nghiệp chướng trùng trùng, nếu mà cái nghiệp chướng đó không rời khỏi họ, thì làm sao mà họ có thể vượt về tới Tây Phương Cực Lạc?… Trong giờ phút đó họ hoàn toàn không nghĩ gì về sám hối cả, họ cứ thành tâm Niệm Phật… Niệm Phật… Tiếp tục niệm Phật cầu vãng-sanh… Họ thành công.
Như vậy sám hối tại chỗ nào?…
– Tại câu A Di Đà Phật.
Sám hối tại chỗ nào?…
– Tại chỗ tâm của họ luôn luôn hướng tới A Di Đà Phật. Sám hối tại chỗ nào?…
– Tại chỗ cái duyên của họ là duyên với cảnh giới Tây Phương, chứ không duyên với cái nghiệp nữa.
Như vậy họ phá nghiệp bằng cách nào?…
– Họ phá nghiệp bằng cách rời cái nghiệp ra để đi về Tây Phương Cực Lạc.
Còn những người quyết tâm phá nghiệp thì sao?… Họ rời cái duyên Tây Phương Cực Lạc ra mà tạo cái duyên cho nghiệp chướng hiện ra để mà phá. Tạo duyên nghiệp chướng thì cái tâm của mình bị trói trong cái khối nghiệp đó, để hưởng cái quả báo là hiện tượng nghiệp chướng hiện hành.
Một người đang bệnh là người đang bị nghiệp chướng hiện hành mà còn cố duyên tới nghiệp chướng nữa thì còn biết bao nhiêu nghiệp khác sẽ theo đó mà hiện ra. Nhưng ở đây họ quyết rời nghiệp chướng ra, bằng cách họ không sợ nghiệp chướng, họ không để ý đến nghiệp chướng… Họ đang nghĩ: “Có bệnh cứ bệnh nữa đi. Bệnh nặng thì tôi đi về Tây Phương sớm”… Vô tình nghiệp chướng mà càng nặng họ lại càng vui, và khuôn mặt của họ càng tươi tỉnh ra.
Quý vị nên biết rằng, khi mà Tín, Nguyện và Hạnh đầy đủ thì 25 vị Bồ tát phóng quang gia trì liền, Thiên Long Hộ Pháp phóng quang gia trì liền làm cho nghiệp của họ nếu không tiêu thì nằm im đó, biến thành cái cầu cho mình bước qua, tương tự như chiếc cầu của chị Minh bắt qua cái hồ cá vậy. Cái nghiệp nó bắt một cái cầu để giúp mình đi thành tựu. Đi qua cái cầu đó rồi nhìn lại: “À!… Trời ơi! Dưới cái cầu đó còn không biết bao nhiêu thứ mình để lại… Đó là những nợ nghiệp do mình đã tạo ra. Đi vãng-sanh thành tựu xong mình sẽ có cách trở về giải quyết”.
Còn bây giờ mình cứ muốn phải xóa cho được những cái ách nghiệp đó. Phàm phu nghiệp chướng sâu nặng mà đòi xóa cho sạch nghiệp, xin thưa rằng, cũng giống như những con cá bơi mãi dưới nước kia, chúng tưởng là giỏi lắm, nhưng vô tình đời đời kiếp kiếp vẫn bị nạn ở dưới nước.
Hiểu được chỗ này, mong chư vị mau mau tỉnh ngộ, tỉnh ngộ liền lập tức để kịp thời thoát nạn, vì có thể tháng sau mình đã tới cái mùa phải đi rồi đó. (Hì-hì!…). Có nhiều người hôm nay tỉnh bơ ngồi cười hì hì, mà tuần sau đã tới cái dịp phải bỏ báo thân rồi… Chết rồi!… Chết mà chưa kịp hồi đầu!… Vậy mà dám chờ một tuần sau sao?… Trễ rồi!… Trễ thì tiêu luôn!… Chịu thua luôn!…
Trích: Sơ Suất Người Bệnh (Toạ Đàm 38)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị