Trong kinh Bổn Sanh có kể rất nhiều tiền thân của Đức Phật làm chúng ta xúc động. Có những kiếp Người thị hiện làm thân nai, thân khỉ chúa, hay chim oanh vũ… Ví dụ câu chuyện về cử chỉ nhân từ của chim Oanh vũ là tiền thân của Đức Phật.
Ngày xưa, có một ông vua nóng nảy, thường lấy sự săn bắn làm trò vui. Một hôm, vua vào rừng săn bắn, thấy một con chồn lanh lẹ thoát vào bụi rậm, vua sai lính tìm kiếm nhưng không thấy. Tức giận, nhà vua ra lệnh đốt rừng làm cho thú vật và cây cối bị cháy. Bỗng trên đám lửa có một con chim Oanh Vũ đang hăng hái chữa cháy. Chim bay xuống sông gần đó, nhúng ướt thân rồi bay lại đám lửa rủ nước xuống mong dập tắt lửa.
Mọi người ngạc nhiên theo dõi việc làm kiên nhẫn của chim Oanh Vũ. Vua bỗng động lòng trắc ẩn, cảm thấy xấu hổ liền ra lệnh dập tắt lửa và từ đó cấm không cho ai được vào rừng săn bắn nữa.
Hoặc có một kiếp xa xưa, do hạnh nguyện tu hạnh Bồ Tát Đạo, Đức Phật đã thị hiện làm một Khỉ Chúa. Hằng ngày Khỉ Chúa chăm lo hướng dẫn đàn khỉ hơn ngàn con đi tìm kiếm thức ăn an ổn và tránh xa các loài nguy hiểm như chim đại bàng, chim cú, mãng xà… là loài thường ăn thịt loài khỉ.
Suốt nhiều năm sống trong an ổn đến lúc Khỉ Chúa cũng đã già. Năm ấy trời liên tiếp có mưa lớn. Khỉ Chúa cảm thấy nếu cứ ở mãi nơi khu rừng ẩm thấp này thì chắc chắn cả đàn sớm bị lũ cuốn trôi. Trước lúc cơn lũ dâng cao, Khỉ Chúa đã báo động dẫn cả đàn qua khu rừng cao ráo bên kia suối lánh nạn.
Nhưng khi đến khe suối thì nước đang chảy xiết tung bọt trắng xóa mà chẳng có chiếc cầu nào để vượt qua. Cũng may nhờ vào Trí Tuệ, Khỉ Chúa phát hiện có một đoạn khe hẹp nhưng vẫn không thể nhảy qua được. Trước khó khăn nguy hiểm đó, Khỉ Chúa nhìn quanh và thấy một cây tre cao liền leo lên ngọn cho cây tre bổ xuống làm chiếc cầu bắc ngang nhưng vẫn còn bị hụt một đoạn. Khỉ Chúa đành dang đôi cánh tay nắm lấy hai ngọn cây làm chiếc cầu để cho cả đàn khỉ hơn ngàn con vượt qua khe thác lũ mà sang bên kia an ổn.
Do thân Khỉ Chúa đã già và vì đã dốc hết sức nên khi đàn khỉ vượt qua được hết cũng là lúc Khỉ Chúa tận cùng lực kiệt. Khỉ Chúa đã hoan hỷ hi sinh trong niềm tiếc thương vô hạn của cả đàn khỉ.
Khỉ Chúa chính là tiền thân của Đức Phật Thích Ca. Và đàn khỉ chính là 1200 vị Đại A La Hán đệ tử của Ngài.
Qua những câu chuyện nêu trên, ta hiểu rằng, do những chúng sanh đó là chim, là thú rất ngây dại nên Bồ Tát đã chủ động thị hiện sống chung với các loài đó, rồi dùng trí tuệ để kết duyên, hướng dẫn, dìu dắt cho chúng gieo được Duyên Lành với Chánh Pháp và có cái duyên để được làm người. Nếu không có sự xuất hiện của Bồ Tát thì chính bởi sự ngu si của súc sinh, chúng sẽ bị kéo dài kiếp thú không biết bao nhiêu đời mới được lên làm người.
Cũng vậy, biết đâu kiếp xa xưa chúng ta cũng từng là con hươu, con nai nào đó may mắn được Bồ Tát dấn thân đến làm thủ lĩnh bầy đàn của mình, rồi theo sự giáo hóa của Ngài mà chúng ta dần dần có duyên làm người. Đến ngày nào đó được lên làm người, có duyên với Phật Pháp và cái Phước của ta tăng lên từ từ. Những điều đó đều bắt đầu từ một vị Bồ Tát đã hi sinh thân mình, không phân biệt dơ sạch, sang hèn mà chịu khó đến hóa độ. Còn những người phân biệt sang hèn, dơ sạch, sẽ không đến với ta khi thấy ta chỉ là những giống loài thấp kém.
Đây cũng là điểm khác nhau giữa một vị Thiên Tử bình thường và một vị Bồ Tát. Một vị Thiên Tử bình thường có tâm hồn rất thánh thiện, họ làm được nhiều công đức, chết sinh lên cõi trời và hưởng phước. Mà khi cái phước lớn thì điều gì xảy ra? Cái tâm phân biệt dơ sạch sẽ càng gay gắt, tinh tế hơn nữa. Còn các vị Bồ Tát cũng ở trên cõi trời, cõi Thánh nhưng các Ngài chấp nhận đi vào cõi dơ bẩn của chúng sinh để gieo duyên hóa độ…
(Trích sách “Bát Nhã Tâm Kinh 02” trang 28,29,30,31)