Tin sâu nhân quả, đoạn ác tu thiện, hiếu thân tôn sư, đây là những gì kinh Địa Tạng dạy. Nếu dùng giáo nghĩa của Tịnh Tông, cơ sở tu học của Tịnh Tông là lời đức Phật dạy “Tịnh Nghiệp Tam Phước” trong Quán Kinh, khi chưa tu pháp môn niệm Phật thì phải củng cố cơ sở này, Tịnh Tông được xây dựng trên cơ sở này. Điều thứ nhất trong đó là “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng sát hại, tu thập thiện nghiệp”. Chư vị nghĩ coi bốn câu này có phải là Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện hay không, đúng vậy. Điều thứ hai “Thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi”. Điều thứ ba “Phát tâm Bồ Đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”, bảy câu trong hai câu cuối này hoàn toàn tương ứng với năm phẩm cuối của kinh Địa Tạng, từ phẩm [thứ chín] đến hết kinh, tổng cộng là mười ba phẩm.
Nói một cách khác bộ kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện chính là lời giải thích rõ ràng cho Tịnh Nghiệp Tam Phước, không những là cơ sở của Tịnh Tông, mà trong Phật pháp bất luận Đại Thừa, Tiểu Thừa, bất luận Tông Môn Giáo Hạ, Hiển Giáo Mật Giáo đều được xây dựng trên cơ sở này. Lúc đức Phật không còn tại thế, chẳng có người hoằng pháp, giáo huấn, chúng ta có thể duy trì bảo hộ cơ sở này là được rồi, duy trì bảo hộ cơ sở này sẽ có thể cứu vớt hết thảy chúng sanh đang chịu tội khổ trong lục đạo.
Cho nên thời Mạt pháp kiên quyết củng cố cơ sở này, khuyên người thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì sẽ thành công, đây thật sự là việc chẳng thể nghĩ bàn. Chúng ta muốn hoằng dương kinh luận khác, tự mình chưa khai ngộ, chưa kiến tánh sợ nói sai, rất khó được thọ dụng chân thật. Duy chỉ có kiên quyết giữ gìn cơ sở này, thật thà niệm Phật thì nhất định là chẳng sai, cho dù ngày nay chư Phật Như Lai thị hiện giáo hóa chúng sanh cũng nhất định phải làm như vậy. Cho nên chúng ta đọc đoạn kinh văn này sẽ biết trong tâm chư Phật Như Lai nghĩ việc gì, việc các ngài làm là việc gì, chúng ta phải học tập, làm theo.
Trong chú giải của Thanh Liên pháp sư có một đoạn, chúng ta đọc thử, trang 135, hàng thứ tư đếm ngược từ dưới lên, chúng ta coi từ đầu “Thử pháp chi diệu” (Chỗ nhiệm mầu của pháp ấy), pháp ấy chính là lời dạy trong phẩm kinh Địa Tạng Bồ Tát, pháp đó là gì? Pháp môn “Xưng danh hiệu Phật” tức là pháp môn “Niệm Phật”. Cho dù ta nhập Niết Bàn ngay, hoặc cho dù ông đã sớm hoàn tất nguyện [cứu độ chúng sanh] ấy rồi, ta vẫn không lo cho hết thảy chúng sanh trong đời hiện tại hay vị lai. Vì sao? Đã có pháp Xưng Danh này thì ai cũng chẳng bị đọa vào cảnh khổ, đều cùng tu hành để sanh vào đường trời người cho đến rốt cuộc thành Phật không còn nghi ngờ chi nữa. Nói rất hay! “Hiểu được tâm Phật, rõ được ý Phật, khéo noi theo chí hướng để kế tục sự nghiệp ấy, không ai hơn được đức Từ Tôn Địa Tạng của chúng ta”.
Địa Tạng Bồ Tát thật sự hiểu được ý Phật, kế thừa nguyện vọng của Phật, chúng ta thường gọi là “tiếp nối huệ mạng của Phật”, Địa Tạng Bồ Tát hiểu được ý tứ này. Đức Phật không còn tại thế, ngài Địa Tạng nhận lấy và tiếp tục [giáo hóa chúng sanh], ngài dùng pháp môn gì? Pháp môn Xưng Danh. Do đó Thế Tôn tán thán ngài, hối thúc ngài nói mau lên. Sau đó là lời Địa Tạng Bồ Tát, ý nghĩa của lời nói rất sâu, Địa Tạng Bồ Tát nói ra mười danh hiệu của mười vị Phật, thứ tự của mười vị Phật này là từ vị gần đây nhất cho đến vị xa nhất, nói trên thời gian thì vị gần gũi với chúng ta nói trước, càng về sau càng xa.
(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, tập 32 | Chủ giảng: Hoà thượng Tịnh Không)