Mục đích của việc dạy học là dạy cho bạn khai ngộ. Mỗi một lần nghe Kinh bạn đều có chỗ ngộ. Tích tiểu ngộ sẽ thành đại ngộ, tích đại ngộ sẽ thành đại triệt đại ngộ.
Cách dạy học của chư vị Tổ sư Đại đức xưa cùng với thời hiện nay không giống nhau. Hiện nay những phương pháp khoa học hoàn toàn là giúp bạn ghi nhớ. Ghi nhớ cái gì? Giúp cho bạn phân biệt, giúp cho bạn chấp trước, bạn là người vọng tưởng phân biệt chấp trước. Vọng tưởng phân biệt chấp trước làm sao có thể phá được vọng tưởng phân biệt chấp trước? Bạn sẽ vĩnh viễn không khai ngộ.
Học tập tuyệt vời chính là một môn thâm nhập, không ngừng học đi học lại, lần này đến lần khác. Phải học bao nhiêu lần vậy? Cổ nhân có nói: “Đọc sách ngàn lần nghĩa kia tự hiểu”. Một bộ Kinh các bạn đã đọc được một ngàn lần chưa? Nghĩa kia tự hiểu, tức là khai ngộ rồi, đại triệt đại ngộ rồi. Lời nói này là thật không phải giả, tại sao vậy? Ví dụ như học “Kinh Vô Lượng Thọ”, “Kinh Vô Lượng Thọ” học một ngàn lần, tâm người đã định rồi, bạn đắc được niệm Phật Tam Muội. Tam Muội khởi dụng chính là đại triệt đại ngộ. Có cần nghiên cứu thảo luận hay không? Thực tại mà nói là không cần, bạn không có ngộ nhập vào cảnh giới Phật, việc nghiên cứu thảo luận này là bạn đang vọng tưởng chấp trước ở đó. Nói những lời như thế này thì rất khó nghe, bạn nghe rồi thì không vui, bạn nói “bạn đã xem thường tôi”, cho nên tùy thuận bạn, tâng bốc bạn vài câu. Sau khi học rồi lại làm nghiên cứu thảo luận, thật sự là không có người khai ngộ. Có tư cách gì mà nghiên cứu thảo luận? Đã khai ngộ rồi, không cần phải nghiên cứu thảo luận. Năm xưa Thế Tôn tại thế, điều này chúng ta thấy được từ trên Kinh điển, học trò – những người nghe Kinh có thể đặt ra câu hỏi, Thế Tôn giải đáp, không có thấy việc nghiên cứu thảo luận. Ngài trả lời rất nhiều, có rất nhiều Kinh đều là Thế Tôn vừa hỏi, vừa trả lời cho đệ tử. Cách dạy học đó là cách dạy học của chư Phật Như Lai. Chúng ta có được sự gợi ý hay không? Chúng ta cần phải nghĩ thử nên tu học như thế nào, cuộc đời này của chúng ta có thể được minh tâm kiến tánh, được đại triệt đại ngộ hay không?
Tôi luôn hướng về sự giáo học của tòng lâm ở thời đại nhà Đường, mỗi ngày nghe Kinh tám giờ, tám giờ tu hành. Sự tu hành của Tịnh tông chúng ta là niệm Phật. Quả nhiên một ngày có tám giờ nghe Kinh, tám giờ đồng hồ niệm Phật, không có nghiên cứu thảo luận. Tự bản thân bạn đạo nhãn chưa khai, tâm địa tán loạn, nghe thảo luận xong, cái mà bạn đã nghe là gì? Chỉ là tin đồn, bạn lại thảo luận điều gì chứ? Là suy nghĩ vớ vẩn, thật sự là lãng phí sức lực, lãng phí thời gian. Bạn tu hành một cách mù mờ, bạn làm sao có thể thành công? Nếu như tuân thủ phương pháp của cổ đại đức, lão thật mà học. Mỗi ngày nghe Kinh, cách nghe Kinh như thế nào? Chúng tôi ở trên giảng đài giảng một giờ đồng hồ, hiện nay làm thành đĩa VCD, mỗi đĩa là một giờ đồng hồ, bạn một ngày nghe đĩa này tám lần, đừng thay đổi. Đến ngày thứ hai thì đổi đĩa khác, vẫn nghe tám lần, tám giờ đồng hồ. Một đĩa nghe tám lần, có một chút ấn tượng rồi. Mỗi một đĩa nghe một lần, nghe hết đổi đĩa khác, bạn nghe sẽ không có hiệu quả. Tại sao vậy? Nghe hết đĩa này thì đã quên hết đĩa kia rồi. Nếu thời gian một ngày phải nghe hết tám đĩa, bạn vẫn còn suy nghĩ lung tung, nhất định bạn không được nhiếp tâm, không đạt được hiệu quả, bạn cũng không được khai ngộ. Tại sao vậy? Bạn dùng cái tâm gì để nghe Kinh vậy? Dùng phân biệt, dùng chấp trước, vẫn là dùng cái thành kiến của bản thân bạn. Học như vậy học cả một đời cũng không đi vào được cửa. Cách của cổ nhân là hay cực kỳ, hiện nay người ta không cần, vậy thì còn cách gì chứ? Lão sư giỏi thật sự, thiện tri thức thật sự, họ hiểu được. Chúng ta không hiểu, họ dạy cho chúng ta, chúng ta không thể tiếp nhận. Tại sao vậy? Thành kiến quá sâu.”
(Trích: Kinh Vô Lượng Thọ giảng lần 10, tập 262)